Sau một thời gian tìm hiểu biến động thị trường dưới góc độ phân tích số liệu (data analyst), mình nhận ra một vài chia sẻ trước đây không còn đúng nữa. Đó từng là những chia sẻ của mình, có thể nó còn đâu đó trên blog hay trong nhóm chat. Nhưng mình nghĩ cũng nên có chút trách nhiệm cập nhật. Để nó khỏi trở thành “cái bẫy” cho người đã từng đọc những gì mình đã viết trong quá khứ.
(nói thật là khi đọc lại nhiều bài trong quá khứ trên blog này, mình nhận ra nhiều cái mình còn ngây thơ lắm, “chiếu mới” lắm. Nhưng kệ, tiến trình đó lại quan trọng, chẳng ai một phát nhảy từ lớp mầm lên đại học cả)
Giao dịch ít lại – Không hẳn đúng
Giao dịch quá nhiều có thể rơi vào tình trạng cố đấm ăn xôi, càng gỡ càng thua. Ở phương diện này thì lời khuyên trên dường như đúng. Nhưng vấn đề không phải ít hay nhiều, mà chúng ta cần đạt đến đủ số lần để hệ thống giao dịch phát huy hiệu quả. Và một quy luật như sau:
- Càng giảm số lần giao dịch mà càng đòi hỏi giao dịch đó có khả năng thắng cao thì hệ thống giao dịch của bạn hẳn phải có xác suất cực kỳ tốt. Tưởng tượng vào 10 lệnh thắng 9 lệnh, thì lâu lâu giao dịch 1-2 lệnh bằng hệ thống tuyệt vời này thì thế nào 1-2 lệnh đó cũng nằm trong 9 lệnh thắng. Đây là một điều không tưởng, thực nghiệm là đủ cho thấy. Trừ khi bạn là kẻ may mắn nhất lịch sử nhân loại.
- Càng tăng số lần giao dịch để đạt đủ số lần hệ thống giao dịch phát huy hiệu quả, thì nó lại đặt ra thách thức về vốn và tâm lý cho traders. Giả sử hệ thống chỉ đạt được thắng 51 lệnh trên 100 lệnh. Thì bạn phải giao dịch đủ 100 lệnh với cùng một điều kiện ràng buộc. Đó là chưa kể bạn cần thử sai với hệ thống giao dịch “không hiệu quả”.
Những ví dụ trên mình chỉ cố diễn đạt để “công chúng” hiểu, chứ khi build thì mình cần đạt đến con số thử sai trên hàng trăm đến ngàn lệnh. Rất kỳ lạ, có thể đúng liên tục trong giai đoạn này nhưng khi xuất hiện những tham số mới, phương trình phải thay đổi. Và nếu không thay đổi kịp, nó trở nên một cơ chế sinh lỗ tuyệt vời.
Giảm khối lượng giao dịch – Không hẳn đúng
Lời khuyên mình từng chia sẻ và nhận được tán đồng kiểu như “nếu dính chuỗi lỗ liên tiếp” thì giảm khối lượng hoặc nghỉ phẻ thời gian. Đó là lời khuyên cực kì cảm tính, không giúp cho trader đi đường dài.
- Vấn đề là cần xác định hai thứ. Thứ nhất, điều kiện ràng buộc nào của thị trường khiến bạn nghĩ mình cần giảm khối lượng lại. Đây hẳn là một câu hỏi mơ hồ với bạn đúng không? Vì trả lời nó thì chúng ta cần đi sâu hơn vào phương pháp lập mô hình.
- Thứ hai, chiến lược quản lý vốn của như thế nào sẽ quyết định mức vốn cần dùng. Giả sử, mình test một hệ thống giao dịch chia thành những khung giờ chạy song song. Và những biến động ngẫu nhiên với mật độ cao trong khung giờ nhỏ hơn mình sẽ dành khoảng 1/10 số vốn. Và 1/10 này hoạt động tăng giảm lời lỗ dường như liên tục. Phần còn lại mình chia thành những phần lớn hơn tương tự cho những cơ hội lâu lâu có một lần nhưng khả năng thắng cao (cũng dựa trên hệ thống giao dịch luôn).
Ngay khi mình đang chia sẻ như trên, trong tâm lý mình vẫn chắc nịch một điều: trong tương lai sẽ phải thay đổi thêm thứ gì đó nữa.
Kết hợp phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản – Một chủ đề muôn thưở, và đây là quan điểm của mình
Đọc tới đây, chắc bạn biết mình đang hướng bạn bước vào lãnh địa của xử lý dữ liệu đúng không. Đúng thế đây. Mà lãnh địa này không có chỗ cho cảm xúc, chỉ có những con số và trực giác.
Nên mình đã thay đổi suy nghĩ thành thế này: đã phân tích kỹ thuật thì không phân tích cơ bản và ngược lại. Giả sử một biến cố đột ngột nào đó đến từ phân tích cơ bản (kiểu sự kiện thiên nga đen) thì đối với phân tích kỹ thuật nó chỉ là một biến cố mang tính xác suất không hơn không kém. Nói tới đây, có lẽ câu chuyện hơi lạc đề. Lạc đề ở chỗ “ông Tùng định nghĩa ptkt như là xử lý số liệu rồi còn gì?”. Ừ, bạn nghĩ đúng. SMA, ICHI, RSI đều là xử lý số liệu giá còn gì.
TẠM KẾT
Trên là 3 điều, nhưng thực ra chỉ là 3 cách diễn đạt cho một điều. Đó là xác suất. Chừng nào trader còn nhìn thị trường dưới lăng kính xác suất thì lúc đó mới còn tia hy vọng cho việc phát triển sự nghiệp. Còn không thì trader đó chỉ là kết quả của một xác suất cực nhỏ giống Mr.Bean chỉ đi một đường thẳng xuyên qua những con phố một cách an toàn để tới nơi, mà tưởng rằng mình tài ba, nhưng thực ra là một tên ngốc may mắn.
Thế đây, mình muốn trở thành một tên ngốc may mắn, nhưng không được. Phải chọn cách khác thôi. Và trong lúc đó, biết đâu sẽ lại đến lúc mình lại phủ những những gì đang viết đây nhưng một phản biện mới để có được kiến thức tốt hơn.