Trong phân tích kĩ thuật, khái niệm trung bình quan trọng lắm, Bolinger Band cũng từ đường trung bình mà ra, MACD-H cũng từ cách tính trung bình giá mà ra, đường tenkan và kijun trong hệ thống ichimoku cũng ra từ cách tính trung bình, hay là có một chiêu mà các trader hay sử dụng, đó là so sánh một chỉ báo với mức trung bình của chính nó…nói chung, “trung bình” là cột trụ của nhiều công cụ phân tích kĩ thuật trong trading.
Còn trong cuộc sống, ông bà cũng có câu “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” như muốn nhắc nhở về sự đảm bảo tính trung bình cũng tồn tại trong đời người. Tôi thích sử dụng chữ “quân bình” hơn, là để phân biệt nó với khái niệm “trung bình cộng” của học sinh tiểu học. Trung bình theo cách hiểu của đa phần chúng ta là “cứ chia đều cho mỗi đối tượng”. Hiểu như vậy là hiểu cơ bản. Nhưng trong cuộc sống thì sự bình đẳng không phải là ai cũng như nhau. Thế nên, “quân bình” hay “trung bình” mà tôi đang đề cập là nói đến một trạng thái mà những yếu tố trong đó đảm bảo chức năng quan trọng của nó, không có cái nào quá nổi bật lấn áp những cái khác, không có cái nào quá mờ nhạt để bị lãng quên.
Và nếu như có một giai đoạn mà một điều gì đó quá mạnh mẽ khiến ta nhận thấy dường như tính “trung bình” của sự vật bị phá vỡ thì hãy sẵn sàng cho một sự đối lập lớn lao tương xứng xảy ra, để mọi thứ hút về trạng thái trung bình của nó.
Lướt qua một vòng các nhóm về Crypto trading, không khí ảm đảm hơn nhiều. Sự thất vọng và chán nản đầy ra đó. Anh em nghĩ thị trường đang mất tính “trung bình” không? Không đâu! Thị thường buộc phải như vậy để tồn tại tiếp tục. Nếu anh em chứng kiến sự bức phá đỉnh kinh khủng (đến nỗi một người già dặn kinh nghiệm trading đến mấy cũng dễ dàng chốt non) của BTC vào năm 2017, thì ngược lại, quy luật “trung bình” phải thực thi sứ mệnh của nó để thị trường tiếp tục tồn tại, đó là sự bức phá đáy (đến nỗi một người già dặn kinh nghiệm trading đến mấy của dễ dàng đu đỉnh) của BTC vào năm 2018.
Xét về khía cạnh tâm lý cũng hoàn toàn hợp lẽ. Nếu sự tham lam đã leo thang thì hà cớ thì sự sợ hãi không leo thang.
Có hai vấn đề. Thứ nhất là chúng ta biết mình được sinh ra tại thời điểm nào của dòng lịch sử, hay nói cụ thể, anh em bước vào thị trường giai đoạn nào. Thứ hai, thời điểm nào của thị trường thì mọi thứ trở lại mức “trung bình” của chính nó để tiếp tục tồn tại và phát triển. Mà trong thị trường nào cũng vậy, kể cả thị trường bị thao túng, hiếm ai trả lời đúng cả hai câu hỏi đó. Vì lý do đằng sau biến động của giá đâu đơn giản vấn đề cung cầu, mà đằng sau cung cầu là câu chuyện tâm lý, tâm lý là lòng người (kể cả cá mập, nó cũng là người mà :)). Mà trên đời làm gì có con bot nào đo được lòng người, AI (trí tuệ nhân tạo) cũng không thể nào đo nổi.
Vậy bây giờ làm gì?
Dự đoán chứ làm gì. Mà một khi đã dự đoán thì mặc nhiên chấp nhận tính xác xuất của dự đoán. Và chúng ta cũng chỉ có thể dự đoán dựa trên những thông tin mình có được mà thôi. Bây giờ tôi trình bày những suy nghĩ chủ quan của cá nhân, anh em cho ý kiến thử:
Những kịch bản cho thị trường Crypto.
Tôi sẽ cho anh em xem một mô típ tâm lý thu nhỏ khi tôi làm google adsense (GA). Cách mà tôi kiếm tiền với GA là thu hút sự quan tâm của đám đông lên website của mình, từ nó thu tiền quảng cáo. Nghĩa là càng nhiều người truy cập, càng nhiều người quan tâm thì tôi càng được nhiều tiền. Đây là biểu đồ của google analytics (công cụ phân tích lượng truy cập) của một site mới được tạo thành.
Anh em thấy không, mọi biến động của lượt truy cập bị chi phối chủ yếu bởi tôi, và mô hình mà nó đi cũng gần tương đương như cách mà thị trường Bitcoin tăng trưởng. Nếu để ý google trend, anh em cũng dễ dàng nhận ra, cứ mỗi lần có sự quan tâm của đám đông thì BTC sẽ có sự tăng giá (trong bối cảnh của một thị trường bị chi phối quá mạnh bởi tài phiệt, có thể hiểu chính cá mập là lý do tạo ra “sự quan tâm” hay “sự chán bỏ”). Nếu không có sự quan tâm của đám đông, thì không có tiền tươi đổ vào, nên sẽ không có sự phá kỉ lục giá nào nữa cả.
Tóm lại, dựa trên cái mô típ tâm lý trên, tôi nghĩ cũng có ba kịch bản cho thị trường Crypto hiện tại:
1.”Tôi bỏ dự án của mình”:
Rất hiếm khi tôi bỏ dự án của mình, cũng đã có vài lần vì thấy những dự án khác tiềm năng hơn nên tôi quyết định bỏ để dành sự quan tâm cho cái đáng quan tâm mà tối ưu income. Hiện tại với rất nhiều nhóm lợi ích nhúng tay vào thị trường, hơn nữa, giá trị nội tại của tiền điện tử là không thể chối bỏ. Tôi không dám khẳng định, nhưng tôi tin khả năng này là rất thấp.
2.”Phát triển chậm mà chắc”:
Tôi không còn sôi nổi nhất thời với dự án nữa, mà cố gắng tập trung vào content mà trang web mang lại, những tin tôi post ban đầu đa phần là các tin “giật gân”, “kích thích”, nhưng sau này tôi tập trung cho những nội dung giá trị hơn. Thị trường sẽ phát triển lên từ giá trị nội tại của nó. Do đó, cần một khoảng thời gian rất dài tính bằng nhiều năm để nó khẳng định tầm quan trọng của chính mình cho nền tài chính toàn cầu. Anh em xem thử sự tăng trưởng của vàng, nó cũng cần một khoảng thời gian như thế:
Và với kịch bản này, anh em đu đỉnh (Bitcoin) vẫn có thể về bờ, và xem số tiền mình bỏ ra hiện tại như một khoảng đầu tư dài hạn.
Về kĩ thuật, giai đoạn này có đặt tính không vượt quá mức fibo thoái lui 0.5 và không xuyên phá mức fibo 0.768. nghĩa là nó giao động với biên quanh mức fibo tỉ lệ vàng 0.618. Với điều kiện fibo được kẻ từ vạch xuất phát cho đến vị trí tăng cao nhất của bong bóng. Biên dao động này không hề hẹp với một sự phát triển đầy tiềm năng chờ đợi phía trước. Bây giờ chúng ta xem thử đồ thị của vàng.
Những anh em nào thường tư duy theo kiểu “thuyết âm mưu” sẽ lý luận “bây giờ cá mập muốn đẩy lên bao nhiêu thì đẩy, mấy mức fibo này ăn nhằm gì?”, anh em nói cũng có lý đó. Như vậy sẽ rơi vào kịch bản thứ ba mà tôi sẽ đề cập phía dưới. Nhưng nói vậy cũng có cái vô lý, anh em có thể đọc thêm bài “cộng hưởng” mà tôi viết để hiểu thêm cách tôi phản biện lý lẽ này.
Còn lý giải vì sao nó nó lại dao động quanh mức tỉ lệ vàng 0.618 thì tôi trở lại với triết lý “trung bình” đã nói từ đầu bài. 0.618 là con số đại điện cho một tỉ lệ đảm bảo tính cân đối của sự vật. Nếu còn tin rằng thị trường tồn tại, thì cũng tin rằng mức 0.618 như cái neo giữ thị trường không trôi lạc vào quên lãng. Giả sử anh em đừng nhìn cái đồ thị trên như là đồ thị giá, mà nhìn nó như là đồ thị của niềm tin. Rồi tự trả lời các câu hỏi sau: khi nào niềm tin mạnh mẽ nhất, khi nào niềm tin yếu ớt nhất, và khi nào thì niềm tin sẽ tắt ngấm? thì sẽ từ từ hiểu ra thôi.
Vậy, nếu tôi có là “tài phiệt” trong dự án nhỏ của mình, và vẫn muốn để cho sự quan tâm của đám đông đến website tồn tại, tôi sẽ giữ mức truy cập ở ngưỡng mà biết chắc rằng vẫn còn nhiều người để ý đến mình, hoặc nếu như dự án của tôi đã có chút giá trị nội tại nào đó, thì chính giá trị đó chuyển hóa thành sự quan tâm của người khác bên cạnh những tác động chủ quan của cá nhân tôi.
Tương tự thế, cũng có hai điều chúng ta công nhận, thứ nhất nếu tài phiệt muốn giữ nồi cơm này để sống tiếp, buộc phải giữ “đồ thị niềm tin” ở mức mà nó không nhanh chóng tắt ngấm, và cùng với đó, giá trị nội tại về những ưu việt của tiền điện tử sẽ tiếp thêm động lực để quy luật “trung bình” được nhìn thấy cách rõ ràng.
Trở lại với đồ thị Bitcoin, đại diện cho toàn bộ thị trường, giả sử kịch bản này xảy ra, thị trường bước một bước tới giai đoạn “quân bình” với biên từ 0.5 tới 0.768, anh em và tôi sẽ có được mức giá dao động như sau:
Cũng có cái lý của nó, nếu dao động với biên này, thì BTC đảm bảo một giá trị thật mang tính trung bình trong một khoảng thời gian rất dài (tính bằng năm), và không xuống quá sâu dưới mức chi phí bỏ ra để “đào” được 1BTC. Và nếu thị trường đi theo kịch bản này, tôi và anh em vẫn có thể trade và kiếm sống như thường, không có gì phải sợ.
Nếu xem biên độ giá là vấn đề không gian, thì cái khó nói nhất ở đây là vấn đề thời gian, nếu bảo tính bằng năm, thì bao nhiêu năm? Cá nhân tôi không có luận điểm nào cho vấn đề này. Nó giống như thấu thị tương lai vậy? Có Trời mới biết.
3.”Lặp lại tiến trình”:
Tôi lại sáng tạo những tin nhảm, giật gân, rồi tự “truyền thông” nó, rồi cứ thế sau một thời gian, người ta chỉ biết đến trang web của tôi như một mớ hỗn độn những tin tức làm trò nhảm nhí để câu view, tôi bị phê phán và chẳng bao lâu dự án của tôi chết (dĩ nhiên tôi vẫn kiếm được tiền với tư cách là “cá mập” trong kế hoạch của mình). Tôi lại không dám khẳng định, nhưng tôi tin khả năng này ít xảy ra vì những lý do như sau:
- Lý do thứ nhất: nhà đầu tư kể cả những cá nhân nhỏ lẻ nếu đã bước vào thị trường được 1 năm sẽ không còn là những “kẻ ngu dốt” bị dắt mũi bởi những chiêu trò nữa. Hơn nữa vấn đề giáo dục cộng đồng về trading cũng hơn hẳn trước kia rất nhiều. Kiểu như “tụi tao thuộc bài của mày rồi thị trường ạ!”. Từ đó sinh ra tâm lý thận trọng, kiềm hãm sự hào phóng của nhà đầu tư vốn đã kinh nghiệm chinh chiến nhiều. Và trong thị trường này, anh em nên nhớ, đám đông càng thiếu kiến thức thì cá mập càng kiếm được nhiều tiền.
- Lý do thứ hai: nhà đầu tư mới lần đầu đổ tiền vào đây, họ có thêm dữ kiện về giá của thị trường, không như những người trước đó (trước khi BTC đạt 19k). Và họ hình dung được rủi ro tệ hại nhất nào có thể xảy ra với khoảng tiền đầu tư của mình. Từ đó, tiếp tục sinh ra tâm lý vô cùng thận trọng. Khi giá tăng mạnh, họ nhìn lại lịch sử và thấy sự sụt giảm, liệu có sẵn sàng xuống tay như thế hệ đầu tiên không.
- Lý do thứ ba: Vấn đề về luật và những ràng buộc pháp lý để hạn chế gian lận, lừa đảo bắt đầu được quan tâm và chặt chẽ hơn. Về tích cực nó là tín hiệu tốt để thị trường ổn định lâu dài, nhưng cũng là lý do kiềm hãm sự bùng nổ các dự án, ICO (huy động vốn)…vốn là cánh cửa để tiền tươi liên tục đổ vào như trước đây.
- Lý do thứ tư: nhờ anh em nào ủng hộ quan điểm thì bổ sung thêm dùm….
Vậy, có cơ hội nào để tiến trình bơm vốn, thổi giá, rút vốn được lặp lại để anh em nào đu đỉnh cao quá (15-19k) có thể nhanh chóng về bờ không? Tôi không dám khẳng định, nhưng tôi tin khả năng này là rất thấp.
Cuối cùng, để bảo vệ mình, tôi muốn nói “Bài viết chỉ mang tính tham khảo, không phải là lời kêu gọi đầu tư!”.
Cập nhật 25.11.2018
Thị trường luôn đem lại bất ngờ, nhưng miễn sao vẫn trong những dụ trù của chúng ta, thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục để thay đổi kế hoạch cho sao phù hợp. Nếu anh em nào theo dõi bài này, tôi nghĩ nên lưu lại vài cập nhật để anh em nhận thấy “sự linh hoạt” quan trọng như thế nào trong cả đầu cơ và đầu tư. Đọc cập nhật ở đây.