Chào mn, có thể xem bài “Trading và quy luật số lớn” này như là phần hai của bài “Kỷ luật trade là làm gì?” mà tôi đã viết chắc chừng hai năm trước. Bài viết đó không phải là không còn giá trị, nhưng bây giờ tôi thấy mình nhìn nhận vấn đề “khoa học” hơn. Bài viết trước mang nặng cảm tính của cá nhân, về lâu dài vẫn chưa giải quyết tốt vấn đề tâm lý.
Ý tôi là thật khó để dùng tâm lý để trị tâm lý. Mà dùng những cái “phi tâm lý” một chút để trị vấn đề về tâm lý trong giao dịch. Tôi nghĩ đó là những hiểu biết toán học, và dựa trên hiểu biết đó mà ta nhận thấy rõ một sự thật khách quan về giới hạn của chính mình. Rồi từ đó, bổ sung vào trong kế hoạch giao dịch những bước tưởng như “thừa” và “ngớ ngẫn” nhưng chắc chắn về lâu dài sẽ khiến chúng ta không bị “bật bãi” khỏi thị trường.
Quy luật số lớn là gì?
Quy luật số lớn là một quy luật toán học thừa nhận sự ổn định lâu dài của biến cố ngẫu nhiên. Khi lần đầu tiên đọc định nghĩa này, tôi biết ngay mình không thể nào bỏ qua nó trong kế hoạch giao dịch tài chính (và thậm chí cả trong những lĩnh vực khác của cuộc sống). Trong bài viết này, tôi ngầm hiểu anh em đã chịu khó google thêm về quy luật số lớn, sau đó trở lại đọc tiếp và viết này của tôi nhé.
Rốt lại, vấn đề nằm ở chỗ: Nếu muốn đánh giá một hệ thống giao dịch, phải đánh giá nó dựa trên một số lần thử lớn. Thật khó để biết bao nhiêu là lớn, vì chẳng ai trong chúng ta muốn lãng phí tiền bạc để “thử cho vui” cả. Cũng rất may, ngày nay chúng ta có thể mua data về để chạy giả lập những hệ thống giao dịch trên đó (dĩ nhiên, rất nhiều người đi theo con đường này). Và chúng ta còn có phương pháp Monte Carlo, mà rất nhiều quant (có thể hiểu là dân tài chính định lượng) thường xuyên vọc vạch mỗi khi rãnh rỗi (hoặc cả khi không rãnh rỗi).
Thế nào mà một trader hiểu về quy luật số lớn?
Bây giờ tôi nói theo cách gần gũi với trader bình dân, không thích lắng nghe những thuật ngữ.
- Giả sử tôi vừa mới cắt lỗ lần thứ 2 liên tiếp, một ai đó chế giễu tôi về phương pháp giao dịch quá tệ. Trong khi đó, anh ta vừa chốt lời hai lần liên tiếp. Nếu bạn là người thứ ba và có hiểu biết về quy luật số lớn, bạn sẽ không vội đánh giá ngay hệ thống nào tốt hơn. Vì một tháng sau đó, tôi vẫn tiếp tục trade theo cái lối cũ, tài khoản của tôi lãi được 5% trong khi anh ta cũng vẫn theo lối cũ của mình, nhưng bị âm 50%.
- Giả sử tôi đang lãi được 5% lệnh của mình. Tôi nhanh chóng chốt 1/3 trong tổng khối lượng giao dịch. Anh bạn của tôi cũng đang lãi 5% nhưng không chốt trước 1/3. Sau đó, giá tiếp tục biến động theo chiều hướng thuận lợi cho cả tôi và anh ta. Cuối cùng, anh ta lãi 40% trong khi tôi chỉ lãi được có 25% vì đã chốt trước một ít. Anh ta bảo: “cứ giữ lệnh đó, đang lời ngon mà!”. Và một tháng sau đó, tôi vẫn tiếp tục trade theo cái lối cũ (luôn chốt trước một ít), dù diễn biến thị trường bất lợi hơn, nhưng tài khoản của tôi vẫn lãi nhẹ 5%, trong khi anh ta bị âm 50%,
- Giả sử tài khoản của tôi đang lỗ mất 25% so với số tiền ban đầu nạp vào. Anh bạn của tôi thì khá hơn một chút, chỉ âm nhẹ 5%. Anh ta nói tôi “thay đổi phương pháp giao dịch, lựa chọn cái nào mới thử xem sao!”, và chính anh ta cũng quyết định làm điều đó. Tôi vẫn giữ lối giao dịch cũ, nhưng quyết định đứng ngoài thị trường. Còn anh ta thì cháy tài khoản.
- ….
Tôi có thể kể thêm một trăm câu chuyện tương tự như thế nữa. Nhưng anh em có nhận ra điểm tương đồng trong những câu chuyện trên không? Tôi có thể kể ra một vài tiểu tiết như sau:
- Trước mắt, tôi không cháy tài khoản, anh ta thì có
- Nếu có lãi, tôi thường có lãi ít hơn anh ta. Nếu lỗ cũng vậy.
- Tôi không dễ dàng thay đổi hệ thống giao dịch của mình. Còn anh ta nhanh chóng theo đuổi hệ thống giao dịch mới chỉ cần lần thử đầu tiên nó đem lại lợi nhuận.
Và điều quan trọng nhất, tôi hiểu về quy luật số lớn, còn anh ta thì không.
Bây giờ đọc lại định nghĩa về quy luật số lớn
Chưa có một lĩnh vực nào mà người ta phải liên tục làm việc với những biến cố ngẫu nhiêu với một tần suất dày đặc như lĩnh vực tài chính. Một khi anh em xác định mình là trader, thì có nghĩa xác định mình đang vật lộn với sự ngẫu nhiên. Ngay trong định nghĩa về quy luật số lớn, đã gợi ý cho chúng ta cái giải pháp để không bị sự ngẫu nhiên đó quật ngã. Đó là sự ổn định lâu dài. Vấn đề được chia ra làm hai phần rạch ròi: “sự ổn định” + “lâu dài”.
Nếu tung xúc xắc với số lần đủ lớn, xác suất cho “xấp” và “ngửa” tiến gần xát 50/50. Nếu tung 10 lần, có thể chúng ta sẽ có 7 lần xấp, 3 lần ngửa. Nhưng hãy tung 1000 lần xem!
Cả hai phần “sự ổn định” + “lâu dài” không thể thực hiện cái trước cái sau, mà cả hai sẽ được quan sát cùng một lúc khi chúng ta tiếp tục trung thành với hệ thống giao dịch của mình. Bây giờ anh em không cần đến quá nhiều data quá khứ, hãy thử bật chart D1 lên và quan sát những tín hiệu rất đơn giản như là: giao cắt giữa tenkan và kijun trong hệ thống ichimoku, giao cắt giữa MACD Line và Signal Line và đường Zero trong hệ thống MACD-H, hay đơn giản nhất là tín hiệu phân kỳ của RSI ở điểm an toàn thứ ba, v.v…Anh em sẽ nhận ra, trong một số lần đủ lớn khả năng thắng vẫn cao hơn 50%.
Nghĩa là, ngay cả khi hệ thống giao dịch của chúng ta rất đơn sơ và kinh điển, nhưng chúng ta hiểu quy luật số lớn và biết cách áp dụng nó thì trong một thời gian đủ dài với số lần vào lệnh tương đối tài khoản vẫn lãi (đừng ngừng ở đây, hãy đọc tiếp đến cuối bài). Tôi phát biểu như vậy sẽ vội vàng, nhưng tôi sẽ nói cho anh em cụ thể những gì cần làm trong kinh nghiệm cá nhân tôi. Để anh em hình dung tôi đã áp dụng cái quy luật số lớn này như thế nào.
Áp dụng thực tế “quy luật số lớn” trong giao dịch như thế nào?
Trước tiên cần thay đổi một vài tư duy trong chuyện áp dụng này. Vì khi nói áp dụng “quy luật số lớn” thì không có nghĩa là cứ vào lệnh số lần đủ lớn cho đến khi nào nhìn thấy tỷ lệ thắng cao hơn 50% là được !?! Chắc chắn không phải như thế. Cho dù anh em có sử dụng tài khoản demo đi nữa, thì cách làm này không dẫn đến đâu cả. Nhiều hệ thống máy tính với dữ liệu lớn vẫn làm như thế hằng giờ, họ làm được tới đâu thì có lẽ nó sẽ là bí mật.
Thay đổi tư duy
Áp dụng là áp dụng trong chiều hướng của “quản trị rủi ro” (hay anh em có ý kiến nào khác không?). Nghĩa là trả lời câu hỏi: “chúng ta nên thực hiện những động thái cần thiết nào trong giao dịch để rủi ro là tối thiểu và tránh thiệt hại lớn với những sự kiện thiên nga đen?“. Sự khác biệt giữa cách áp dụng theo chiều hướng “vào lệnh đủ nhiều để tỷ lệ thắng trên 50%” khác với “làm gì để rủi ro là tối thiểu” là ở chỗ: nó phù hợp với trader nhỏ lẻ như anh em và tôi, ngoài ra “chi phí” cho chuyện áp dụng này là tối thiểu. Tôi cho rằng, đây cũng là chiều hướng áp dụng khôn ngoan. Anh em sẽ cảm thấy việc áp dụng những biện pháp sau đây sẽ có lúc “thừa thải” và “ngớ ngẫn”, nhưng đừng xem thường nó. Sẽ có lúc nó cứu sống tài khoản chúng ta khỏi những biến động không thể ngờ.
Vậy giờ, kỷ luật trade là làm gì?
Như tôi đã nói ở đầu bài, bài này xem như phần hai của chuyện “kỷ luật trade là làm gì?”. Và vẫn như lần trước, tôi sẽ nói rất cụ thể từng chuyện tôi làm. Anh em nếu hiểu được luồng tư tưởng của tôi, có thể bổ sung thêm. Sẽ có vài điều trái ngược với thói quen thường thấy của số đông đấy!
STT | Kỷ luật trade | Ghi chú |
1 | Không vay mượn. Nghĩa là tôi trade đúng với số tiền tôi có trong tài khoản. Nghĩa là không margin, hoặc nếu cần chỉ margin để bán khống với tỷ lệ x1. Bán khống trong đúng số vốn mà tôi có. | Hay nói như Aristotle, vay mượn là “loại đáng khinh nhất” trong các hình thức tạo ra của cải. Điều này vẫn còn tranh cãi trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô. Nhưng thực tế cho thấy, ít ai có lợi nhuận “ổn định” + “lâu dài” khi liên tục sử dụng đòn bẩy lớn hơn số vốn tài khoản. |
2 | Việc cắt lỗ chắc chắn lệ thuộc vào hệ thống giao dịch (trong bài này chỉ nói về kỷ luật trade). Tôi xác định điểm cắt lỗ và hình dung những gì sẽ mất trước khi vào lệnh. Tâm niệm khoản lỗ sớm nhất là khoản lỗ tốt nhất. Về kỹ thuật, có thể tôi sẽ viết một bài riêng nói về phương pháp tối ưu điểm cắt lỗ/vào lệnh. | Những điều tối kỵ trong chuyện cắt lỗ, là: dời điểm cắt lỗ xa hơn, cancel điểm cắt lỗ để hold luôn. Có thể anh em sẽ đúng 1 hoặc 2 lần đầu. Nhưng không thể kiếm lời “lâu dài” + “ổn định” bằng cách liên tục làm vậy được. |
3 | Bất kể giá sẽ biến động thế nào. Miễn sao xuất hiện chiều hướng biến động thuận lợi, có thể chỉ lãi 1 – 2%, tôi cũng chủ động chốt lời 1/3 hoặc 1/4. Hay ít nhất là dời điểm stop loss thành stop limit để bảo toàn vốn. Nhưng thường tôi hay chốt trước hơn, vừa cho vị thế đẹp hơn vừa rộng chỗ để dời stoploss về stoplimit bảo toàn vốn. | Trong nhiều trường hợp, động thái này có vẻ thừa. Nếu cứ giữ lệnh, chúng ta sẽ lãi tốt hơn. Nhưng nếu cứ giữ cái suy nghĩ đó, những râu nến liên tục và những biến động thiên nga đen sẽ đánh gục chúng ta. |
4 | Khung thời gian nhỏ không nên để trade liên tục, mà chỉ để tối ưu điểm vào/điểm ra. Căn cứ để lựa chọn mốc giá kháng cự/hỗ trợ và chờ đợi đến mốc giá đó phải nên từ khung D1 trở nên (D3, W1, W2, Month1, v.v…). | Cái cám dỗ của hoạt động giao dịch là tâm trí anh em liên tục bị nhắc nhở “vào lệnh đi!, kẻo lỡ!”. Khung giờ càng nhỏ thì tần suất ngẫu nhiên càng dày đặc, nó sẽ nhanh chóng khiến chúng ta mất sạch tiền. |
5 | Liên tục giữ cùng khối lượng giao dịch. Và chỉ tăng khối lượng vào lệnh khi toàn bộ tài khoản của tôi chuyển sang một trạng thái khác. Ví dụ: tôi quyết định tăng thêm kích cỡ lệnh lên 10%, khi tổng tài khoản của tôi đã tăng được 10%. Ngược lại cũng thế! | Điều này được hiểu như sau. Khi anh em giao dịch số lần đủ lớn, nhưng trong các lần đó thì khối lượng vào lệnh thay đổi liên tục, lúc nhiều lúc ít. Thì thực ra, anh em chỉ đang tạo thêm sự ngẫu nhiên cho chính mình mà thôi. Trong khi chúng ta đang tìm sự “ổn định”. |
6 | Có thể thay đổi hệ thống giao dịch. Nhưng đó là hoạt động thử nghiệm và nghiên cứu để học hỏi, trước khi đem nó vào thực tế. Nhưng nhìn chung, trader thành công thường trung thành với một hệ thống duy nhất. | Tôi đang sử dụng hệ thống Ichimoku và nguyên tắc “những khoảng giá bằng nhau”. Tôi đang viết, anh em có thể tìm đọc trên blog này hoặc trên website BeInCrypto Việt Nam. |
7 | Có lẽ tôi sẽ còn bổ sung thêm…. | … |
Cần có một khoản thời gian đầu của đời trader để anh em tìm kiếm một hệ thống giao dịch phù hợp. Nhưng lời khuyên của tôi là đừng quá phức tạp vấn đề. Hệ thống giao dịch quan trọng đấy, như tự mình nó không đủ để chúng ta chiến thắng và sống lâu dài với thị trường được đâu. Mà cần cái kỷ luật giao dịch (là những điều tôi đã trình bày cụ thể trên đây).
Ngoài ra, những hệ thống thành công không nhất thiết phải phức tạp và đầy thuật ngữ, quan trọng là anh em hiểu bản chất của cái mình đang sử dụng. Và liên tục nâng cấp nó từng ngày. “Đừng vấp hai lần ở cùng một viên đá!”.
Gần đây, tôi có hoạt động và viết bài trong nhóm telegram này. Có một số hoạt động hướng dẫn miễn phí cho người mới nữa. Nếu anh em là người mới vào thị trường, có thể tham gia.