Trading và những khoảng giá bằng nhau (phần 2)

phần trước, tôi có đề cập sơ qua về những bước căn bản để bạn đọc (đặc biệt là người mới) có thể tham khảo và tập tành quan sát. Bài viết tiếp theo này tôi sẽ chia làm 2 phần nhỏ. Đầu tiên tôi sẽ nói về một vài thay đổi của tôi trong tư duy về trading, phần sau tôi đi vào nhiều ví dụ sâu hơn mang tính thực nghiệm để bạn đọc cũng có thể tự áp dụng mà quan sát, đừng vội vàng cho dù việc quan sát này sẽ tốn rất nhiều thời gian.

Một vài thay đổi về tư duy trading…

Như bạn đã biết (và phần trước tôi cũng đã nói), chia một cơn biến động thành hai giai đoạn bao gồm phá vỡ mức trung bình và trở lại mức trung bình, cũng như sử dụng một mức giá vạch sẵn để làm “chuẩn” xác định tiếp những mức giá mới đúng bằng khoảng giá “chuẩn” đó, tất cả những điều đó không phải là phát kiến gì mới mẻ cả. Chẳng qua nó chỉ tuân theo tính chất trung bình trong phân tích kỹ thuật nói chung mà thôi.

Tôi nghĩ cũng nên bày tỏ ra một vài thay đổi về tư duy trading của cá nhân tôi đến thời điểm tôi viết bài này.

Tôi từng nghĩ “kế hoạch quan trọng hơn dự đoán“, nhưng sau này tôi nhận ra đó là lập luận có phần ngụy biện cho sự yếu kém của tôi trong dự đoán. Thế nên tôi đã tập trung vào sự chính xác của dự đoán nhiều hơn (bằng cách nghiên cứu nhiều hơn về quant dù nó khá mới mẻ với cá nhân tôi) và vẫn không ngừng tối ưu kế hoạch cho mình. Tư duy đó vẫn còn ít nhiều giá trị (tôi thừa nhận serie này vẫn thiên về tư duy theo kiểu đó), nhưng không thể dậm chân một chỗ, hay cứ áp dụng mãi một nguyên lý để mong tìm kiếm một kết quả khác hơn.

Một tư duy nữa mà tôi cũng thay đổi đó là mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận. Tôi vẫn nghĩ chúng có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau (và có vẻ đa phần đều đồng ý như thế). Nhưng sau này tôi nhận ra đó là rào cản để tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội. Vấn đề không phải là chúng tỷ lệ thuận hay nghịch, mà là độ chính xác và tầm quan trọng của thông tin tôi rút ra được từ những dữ kiện mà tôi có được.

Có thể việc tôi chia sẻ những thay đổi này với bạn đọc, sẽ có phần trừu tượng và không liên quan trực tiếp đến nội dung của serie (nhưng sẽ liên quan gián tiếp). Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ, để bạn đọc nào quan tâm cảm nhận được tầm quan trọng của việc học hỏi không ngừng (cho dù là chậm đi nữa).

Những ví dụ về khoảng giá bằng nhau

Thực ra tôi không biết nên dùng chữ gì cho chính xác (bạn đọc có thể comment góp ý không), “khoảng giá” hay “biên độ giá” hay “khoảng chênh lệch giá” hay là từ nào khác. Thế nhưng, tôi hoàn toàn chủ ý trong việc né tránh sử dụng “cản” hay “hỗ trợ” dù tôi linh tính rất mạnh mẽ rằng bạn đọc sẽ ngầm hiểu đâu đó trong những mức giá đã vạch ra kia, sẽ là “cản” hoặc là “hỗ trợ”. Tôi né tránh là có lý do, vì chưa phải thời điểm để nói trong serie này

Đây là cổ phiếu MSN (MASAN Group), áp dụng cho khung thời gian tuần.

Ví dụ này chủ yếu để bạn nhớ lại phần trước, có thể bạn hơi có chút bất ngờ vì tôi đem một cổ phiếu làm ví dụ thay vì crypto như mọi lần. Cơ bản là chúng ta đều có thể áp dụng được, và tôi sẽ nói đến những trường hợp rất khó hay rất nguy hiểm để áp dụng ở những phần sau. Bây giờ thì ôn lại các bước:

  1. Chỉ sử dụng đồ thị hình nến
  2. Quan sát giá bức phá từ giữa năm 2017 đến đầu năm 2018 (xem như giai đoạn 1)
  3. Từ đầu 2018 cho đến đầu 2019, giá tìm về một khoảng trung bình được đánh dấu bởi 2 đường màu cam.
  4. Tạm thời xem 2 đường mau cam làm “chuẩn”.
  5. Từ đó vạch tiếp những mức giá khác có khoảng cách đúng bằng khoảng màu cam kia.
  6. Sau đó tiếp tục chia đôi những khoảng giá vừa vạch, đánh dấu bằng đường đứt quãng màu xanh.

Bây giờ tôi tiếp tục với những ví dụ mang tính backtest, và bạn an tâm, tôi không tìm cách cố ý chọn những ví dụ sao cho thích hợp, tôi sẽ trình bày cả ví dụ nhìn rất hợp lý và cả những ví dụ áp dụng vào lại “chẳng ăn nhập gì”.

Ví dụ về tính hợp lý của những khoảng giá bằng nhau

Tôi ví dụ về ETH trong suốt thời kỳ downtrend nửa cuối năm 2019.

Đúng là thị trường Crypto có những đặc thù riêng về biến động, mà chỉ những ai trong thị trường này nhiều năm sẽ hiểu. Lên xuống với biên độ dao động rất khủng khiếp, chia 10 hay chia 5 trong thời gian ngắn không là điều gì quá ngạc nhiên. Chính sự biến động lớn thể hiện đều khắp đồ thị giá, nên việc chia những khoảng giá bằng nhau như thế này khiến bạn cũng không ngạc nhiên khi giá có thể về đến mức đó. Còn nếu đối với những thị trường biến động “hẹp” hơn thì cứ thế những khoảng giá bằng nhau cũng sẽ “hẹp” hơn, vì mấu chốt vẫn ra từ mức giá mà chúng ta tạm thời làm “chuẩn”.

Bạn có thể tự mở chart ETH và quan sát tiếp tục diễn biến của giá, sẽ cảm nhận được những mức giá chúng ta vạch ra đa phần trùng khớp với: hoặc là cản/hoặc là hỗ trợ/hoặc là mức trung bình mới. Tính hợp lý ở đây không phải là bạn sẽ có lời ngay (vì tôi chưa viết về kế hoạch), nhưng là chúng ta đi được thành công một nửa con đường trong việc đánh dấu những mức giá quan trọng cần lưu ý, và từ đó chúng ta chờ đợi thời cơ.

Tôi tiếp tục một ví dụ khác, nhưng ví dụ này có phần đặt biệt hơn, là tôi kết hợp nó với một hành động vào lệnh liều lĩnh, từ đó cho thấy tính hợp lý này hữu dụng thế nào trong việc giảm thiểu mức lỗ bạn chịu.

Giả sử bạn quyết định mua ở 2 mức đen dưới hai đường màu cam, và có thể sẽ short ở vùng giá 5098k (như hình). Sỡ dĩ bạn đi đến quyết định với kế hoạch như vậy là vì áp dụng những khoảng giá bằng nhau, sau khi giá đã down rất mạnh và chững lại để tạm thời tìm đến một giai đoạn trung bình. Yếu tố tôi muốn nhấn mạnh ở đây là “ngay cả khi quyết định đó là dẫn đến thua lỗ, thì phải là tại mức giá mà thời gian lưu lại đủ lâu hoặc còn tạo ra cơ hội để bạn cắt lỗ, chứ không nên là một mức giá dễ dàng bị xuyên thủng“. Và những khoảng giá bằng nhau này dù đơn giản nhưng khả năng cao giúp bạn làm được điều đó.

Cá nhân tôi không bao giờ vào lệnh để rồi chấp nhận một sự biến động xoay quanh mức trung bình mới và ở quá lâu trong đó, khi đó tôi thường nhắc mình “khoảng lỗ sớm nhất là khoảng lỗ tốt nhất” và “rủi ro là khi ta ở quá lâu trong thị trường“.

Bạn thấy đó, chúng ta không chỉ biết có lời và lỗ, nhưng nếu lỗ thì phải là mức giá “đáng lỗ” và không quá bất ngờ vì nằm trong kế hoạch của bạn. Về kế hoạch, tôi sẽ nói chi tiết hơn ở phần sau, nhưng vì tôi không thể không ít nhiều nhắc đến bởi tính liên quan của vấn đề.

Tôi tiếp tục một ví dụ khác bằng cách trở lại với kết quả của ví dụ ở phần 1 của serie này:

Cho đến khi tôi viết xong bài này, giá đã có những diễn biến tiếp và kết quả cũng khá rõ ràng:

Ví dụ này lại một lần nữa nhấn mạnh những điều tôi vừa trình bày. Giả sử bạn không bắt được giá ở mức 6736 nhưng mua ở giá 7490, thì tại mức 7490 này khả năng bạn lỗ sẽ rất cao nhưng bù vào đó bạn luôn có nhiều thời gian lưu lại và thậm chỉ cả cơ hội để cắt lệnh mà ít thiệt hại nhất. Và làm sao để xác định được những mức giá tối ưu thế kia? Đó là nhờ xác định những khoảng giá bằng nhau.

Ví dụ về tính bất hợp lý của những khoảng giá bằng nhau

Tạm dừng ở đây, hoặc là một bài tập nho nhỏ cho bạn đọc quan tâm: bạn hãy tìm những cách áp dụng khoảng giá bằng nhau mà không giúp ích được gì nhiều cho bạn, có thể nó không kéo dài thời gian của cơ hội, hoặc nó không hề khớp với cản hay hỗ trợ nào. Tôi nghĩ không khó để tìm ra.

Ở bài sau tôi sẽ đưa ra ví dụ dạng như thế và giải thích những cái bẫy cần tránh trong việc áp dụng khoảng giá bằng nhau.

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
tan

phần 3 khi nào có vậy anh, em đợi lâu quá rồi

Nguyễn Phước

Bài này rất hay. Cám ơn bạn. Mong bạn viết tiếp phần tiếp theo của bài này và phần tiếp theo về chủ để Trendline để hoàn chỉnh các Tác phẩm của mình nhé!