Trading và những khoảng giá bằng nhau (phần 1)

Trader mới thì nên trade thế nào, nhất là trong thị trường Crypto?

Mục tiêu của serie này là tôi muốn đề xuất một phương pháp trade sao cho thật đơn giản và dễ tiếp cận dành cho đối tượng là trader mới. Dĩ nhiên, nó còn phải hiệu quả nữa. Dựa trên những kinh nghiệm hạn hẹp của tôi, mong được bạn đọc góp ý!

Lời mở đầu

Tôi đặt tên cho serie này là “NHỮNG KHOẢNG GIÁ BẰNG NHAU – HƯỚNG TIẾP CẬN TRADING AN TOÀN & HIỆU QUẢ CHO TRADER MỚI“.

Có vài khái niệm có lẽ cần làm rõ trước mắt. Thứ nhất, thế nào là trader mới? Tôi không chỉ gói gọn đối tượng hướng đến của mình là những trader lần đầu tạo tài khoản và đang chập chững mò mẫm những indicator, phải, họ đúng là người mới thật. Nhưng còn một dạng người mới khác, đó là những ai nhiều năm cứ quanh quẩn trong thị trường mà vẫn còn loay hoay chưa xây dựng nỗi một system trade cho riêng mình dù là cơ bản nhất.

Thứ hai, thế nào là hiệu quả? Không hẳn là câu chuyện “đường cong hình chuông” với nhiều tranh cãi liệu đó có là lời nói dối vĩ đại của xác xuất thống kê hay không? Nhưng tính hiệu quả ở đây hàm ý sự cô đọng gần như tuyệt đối (tôi cho rằng khó có thể cô đọng hơn) tất cả những công cụ trading đa dạng đến mức khiến trader hoa cả mắt, trở thành một sự biểu đạt đơn giản đến không ngờ (mà bạn sẽ đọc tiếp ngay sau đây).

Cuối cùng, là điều tôi muốn nhấn mạnh nhất, là sự an toàn. Tuy nhiên tôi sẽ nói ở phần cuối bài, tôi nghĩ như vậy sẽ mang tính sư phạm cao hơn.

Những khoảng giá bằng nhau

Tôi định nói đây là một “nguyên tắc”, nhưng thôi. Dù tôi luôn áp dụng nó trong tất cả các giao dịch của mình như một nguyên tắc, nhưng theo kinh nghiệm chia sẻ của mình, hễ khi nào tôi nói “nguyên tắc” thì đó là lúc tôi gián tiếp phương hại tài khoản của ai đó. Bởi vì: mọi nguyên tắc trading trong thị trường cần phải được thẩm định bởi xác xuất với một số lượng các lần áp dụng nhất định nào đó.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi bắt đầu làm quen với một công thức tính toán của một indicator nào đó, thì hãy bắt đầu với những khoảng giá bằng nhau. Trong đó, kỹ năng này gồm 2 bước đơn giản. Bước 1 là chờ đợi biến động ban đầu, bước hai là dùng “Horizontal Ray” để vạch ra sẵn những khoảng giá bằng nhau. Ở cách sử dụng nâng cao hơn, chúng ta sẽ cần đến 3 bước. Trong bài này, tôi trình bày hẵn ba bước.

Chuẩn bị một Chart hình nến

Nên là một Chart hình nến, là công cụ mà bạn có thể thấy rõ giá cao nhất, thấp nhất, đóng cửa và mở cửa. Nhưng hãy chỉ dừng lại thế thôi, không đường trung bình, không bolinger band, không RSI hay MACD gì hết. Vì bạn là người mới, nên cần phải tiếp cận thị trường với những dữ liệu cấp 1 nguyên sơ nhất (với tôi, dữ liệu cấp 2 là những kết quả của các công cụ đã được tính toán khi giá chạy xong). Và phân tích dựa trên chính dữ liệu cấp 1 đó mà thôi.

Bước 1: Chờ đợi biến động ban đầu

Đa phần những biến động của giá đều có thể chia một cách hạt nhân thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn vượt quá mức trung bình, giai đoạn 2 là trở về lại mức trung bình. Cho dù bạn xem xét đồ thị trong bất kỳ khung giờ nào thì hai giai đoạn này sẽ vẫn định hình rõ ràng. Có thể chúng ta không biết giá vượt quá mức trung bình bao xa nhưng không khó khăn để cảm nhận tình trạng của thị trường hiện tại đang biến động mạnh với khối lượng giao dịch lớn. Còn khi thị trường không thể đi xa hơn mức thấp nhất và cao nhất nó vừa tạo, thì sẽ thường có xu hướng tìm kiếm mức trung bình trong khung giờ tương ứng. Thế nên, tôi gọi một biến động hạt nhân gồm hai giai đoạn như thế là biến động ban đầu. Chữ “ban đầu” ở đây là ban đầu trong cái nhìn của người xem xét để dựa vào đó mà xây dựng khoảng giá bằng nhau, chứ không hẳn là bắt đầu một cơn tâm lý.

Ví dụ:

Ở đây rõ ràng chứng kiến một lối trade rất dè chừng và đa phần thời gian chỉ là chờ đợi (thực ra cũng nên thế chứ không hẳn chỉ người mới mới nên thế). Nếu bạn đã bỏ lỡ một cơ hội tăng trưởng như vừa mới thấy, hãy cứ bình tĩnh chờ đợi tiếp mức thấp nhất và cao nhất mà giá dao động ở khoảng giữa đó.

Bước 2: Vạch ra những khoảng giá bằng nhau cả trên và dưới

Có lẽ đến đây bạn cũng hiểu vấn đề, tôi đi thẳng vào ví dụ.

Khi giá bất ngờ tăng trưởng nóng (giai đoạn 1), sau đó giá đi trong khoảng thấp nhất và cao nhất nó vừa lập trong nhiều ngày (giai đoạn 2). Tôi sẽ xác định mức cao nhất và thấp nhất trong những ngày gần đây, tức hai đường tôi đánh dấu màu cam.

Từ đó, tôi lấy khoảng giá giữa hai đường màu cam đó làm “chuẩn” để tính tiếp những mức giá khác (cả lên lẫn xuống) được xác lập bằng đúng khoảng giá giữa hai đường màu cam. (Tips: kẻ một đường mũi tên như tôi rồi copy & paste).

Bước 3: Tiếp tục chia đôi những khoảng giá bằng nhau vừa vạch

Ở cách dùng cơ bản, để tập tành, tôi khuyên người mới nên bắt đầu thực hành và quan sát giá ở bước 2, để hiểu được giá trị của sự chờ đợi. Dẫu rằng sự quan sát này sẽ kéo dài nhiều ngày thậm chí nhiều tuần. Nhưng sau một thời gian, muốn vào lệnh tốt hãy tiếp tục bước 3, bằng cách chia đôi khoảng giá bằng nhau mà chúng ta vừa vẽ ra.

Ví dụ:

Để bạn dễ phân biệt, tôi đánh dấu lần chia đôi bước 3 này bằng đường màu xanh dương và đứt quãng.

Tại sao làm vậy?

Chúng ta không thể biết chắc giá sẽ đi tới đâu, nhưng luôn biết cần làm gì tại mức giá nào để cân nhắc giữa rủi ro và cơ hội.

Tôi sẽ lý giải vì sao chúng ta làm vậy, đơn giản vậy thì liệu có hiệu quả không?

Trong phân tích kĩ thuật, khái niệm trung bình quan trọng lắm, Bolinger Band cũng từ đường trung bình mà ra, MACD-H cũng từ cách tính trung bình giá mà ra, đường tenkan và kijun trong hệ thống ichimoku cũng ra từ cách tính trung bình, hay là có một chiêu mà các trader hay sử dụng, đó là so sánh một chỉ báo với mức trung bình của chính nó…nói chung, “trung bình” là cột trụ của nhiều công cụ phân tích kĩ thuật trong trading.

Nếu bạn đã thực hiện chia xong 3 bước như tôi nói, sau đó thử bật các indicator như là ichimoku hay bolinger band hay các đường MA, bạn sẽ thấy những mức giá mà chúng ta vạch ra đa phần trùng khớp với các tính toán của các indicator đó khi giá tiếp tục chạy. Dĩ nhiên, chắc chắn có cả fibonacci nữa!

Vì sao phải thực hiện bước 3? Cũng vẫn và vì tính trung bình. Chúng ta vật lộn với thị trường qua trò chơi của xác xuất. Xác xuất trong thị trường này không cho chúng ta biết bất cứ cái gì 100%. Nhưng trong cái ngẫu nhiên cũng ẩn chứa những cái “tất nhiên” (tôi đang chơi chữ để nhấn mạnh).

Và ngay tại những mức giá màu đen mà chúng ta vạch sẵn kia, nếu không phải là sự bức phá bỏ qua một cách mạnh mẽ (hiếm gặp) thì hoặc là cản/hỗ trợ hoặc là một mức trung bình mới mà thị trường sẽ dịch chuyển đến.

Như thế, trong các trường hợp có khả năng cao xảy ra, chúng ta xây dựng kế hoạch vào lệnh của mình sao cho khả năng cao được phần huề vốn hoặc lãi. Và kế hoạch đó được xây dựng bằng cách chia đôi của bước 3. Vì nếu là cản/hỗ trợ thì chúng ta sẽ lời, còn nếu là mức trung bình mới thì khả năng cao nó sẽ tạm thời dao động giữa hai đường màu xanh.

Vậy kế hoạch cụ thể ra sao?

Một khi đã vạch ra những mức giá như vậy rồi, sẽ có rất nhiều kế hoạch khác nhau tương xứng với rủi ro và lợi nhuận nó đem lại. Nhưng vì ngay từ đầu, tôi lựa chọn tiêu chí an toàn cho người mới, nên tôi sẽ đề xuất một kế hoạch tôi cho rằng an toàn nhất, nhưng bù lại bạn sẽ dành phần lớn thời gian để chờ đợi diễn biến, nên nó không dành cho những ai nóng vội kiểu day trader.

Vậy là chúng ta có hai kế hoạch, một là bán (short) khi giá tiếp cận trong vùng màu đỏ, hai là mua khi giá tiếp cận cận trong vùng màu xanh.

Nếu giá không đến được hai vùng đó thì sao? Thì bạn cũng không mất gì, nhưng nếu giá đến được hai vùng đó thì khả năng chúng ta thắng sẽ cao hơn. Đó là một phần của tính an toàn nhờ chờ đợi (tôi nói một phần vì còn nhiều yếu tố khác).

Rồi nếu giá đến được hai vùng đó thì vào lệnh thế nào? Tôi sẽ nói tiếp về vấn đề này ở những phần tiếp sau của serie. Nhưng trước hết, tôi sẽ đưa ra nhiều ví dụ hơn để minh họa tính hiệu quả và đơn giản thấy được khi bạn áp dụng “những khoảng giá bằng nhau này”. Sau đó, chúng ta sẽ trở lại với kế hoạch ở một cấp độ chi tiết hơn.

(còn tiếp)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Ngoc Tran

Cảm ơn Tùng, chia sẻ của bạn rất hay, mình đúng là kiểu trader dù mò mẫm nhiều năm vẫn gà như mới. Mong được đọc tiếp phần sau của serie.

Long

Cam on anh.