Một trong những thông tin đầu tiên cần nắm bắt để có được định hướng chung trước khi vào lệnh đó là thông tin vốn hóa toàn thị trường. Về lý thuyết, thì một khi anh em nhìn thấy vốn hóa đạt đến một con số nào đó thì nó chính là giá trị toàn bộ thị trường quy ra USD. Giả sử khi tôi viết bài này, vốn hóa là 300 tỉ USD. Kỉ lục cho đến hiện tại là gần 830 tỉ USD. Nếu làm một phép trừ đơn giản, chúng ta có thể kết luận: đã có hơn 500 tỉ USD rút ra khỏi thị trường kể từ lúc BTC đạt đỉnh gần 20k USD. Dĩ nhiên tất cả không đơn giản như thế. Một trong những điều thú vị của thị trường tài chính là “nhìn nó vậy chứ thực ra lại không phải vậy!”. Tôi sẽ cố gắng trình bày những hiểu biết giới hạn của mình về vốn hóa để anh em newbie có cái nhìn ban đầu, nếu anh em nào có những hiểu biết giá trị và chính xác hơn hãy góp ý bằng cách comment như một sự đóng góp để hỗ trợ cộng đồng.
Những hiểu lầm về vốn hóa
Thực ra, vốn hóa bao nhiêu hoàn toàn là một con số ảo. Có nhiều vấn đề vô lý trong cách mà các trang công khai thông tin coin (như là coinmarketcap) tính toán để đưa ra số liệu. Nó đơn thuần chỉ là một phép nhân trên lý thuyết giữa số coin đang lưu thông (Circulating Supply) với giá hiện tại, trong đó giá chỉ là sự đồng thuận tạm thời giữa mua/bán và luôn chịu ảnh hưởng liên tục bởi trò chơi pump và dump thông qua các giao dịch nội gián. Nghe khá là mệt mỏi, nhưng anh em phải thừa nhận, chẳng thể nào hiểu vốn hóa với ý nghĩa nó là số tiền mặt đầy đủ đang được giao dịch sôi động trên các sàn.
Một ví dụ minh họa dễ thấy, là con BTG. Từ khi được forked ra từ BTC với tỉ lệ 1:1 (ai có 1 BTC thì được nhận thêm 1 BTG) nó có giá ngay ban đầu là 480$, Circulating Supply của nó sẽ là khoảng 17 triệu (vì cũng tương đương với BTC), nhân hai con số này lại với nhau anh em sẽ có kết quả vốn hóa của BTG lên đến hơn 8 tỉ đô. Thật là ảo diệu, ở đâu đương không lòi ra 8 tỉ đô, mà ngay lúc ban đầu forked có ai giao dịch hay mua bán gì đâu.
Tóm lại, một khi coinmarketcap đưa ra con số vốn hóa cho bất kì đồng coin nào, thì nó đơn giản là phép nhân để quy hết toàn bộ giá trị của coin đó ra usd, chứ không có nghĩa có một lượng tiền mặt lớn như thế sẵn sàng bảo chứng cho nó để lưu thông mua bán trên thị trường. Chưa kể đến việc, không thể nào có chuyện toàn bộ số Circulating Supply đó có thể được thanh khoản hết với đúng tầm giá hiện tại, đó là điều không tưởng. Đó là vấn đề hiểu lầm thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, ở đây tôi đề cập đến cái khúc mắc đặc thù của thị trường crypto này khi người ta chấp nhận giao dịch các cặp alt/btc. Giả sử tưởng tượng trong một một kịch bản dễ tính toán hơn, là khi mọi đồng coin đều có thể được giao dịch trực tiếp ra usd (fiat) và không có chuyện giao dịch các cặp alt/btc, thì có lẽ con số vốn hóa toàn thị trường không bị thổi phồng lên quá lớn. Nhưng vì chính sự xuất hiện của việc giao dịch các cặp alt/btc khiến cho việc tính toán giá trị vốn hóa vô tình bị lặp lại hai lần. Nghĩa là thế này, lần thứ nhất là anh em bỏ usd ra mua BTC, như vậy anh em đã đem tiền của mình đóng góp vào vốn hóa thị trường. Rồi anh em tiếp tục dùng số BTC đó để mua alt nào đó, hành động này chỉ đơn giản là dùng cái này để đổi lấy cái kia và nó không hề mang ý nghĩa đóng góp thêm một đồng nào vào thị trường cả. Thế nhưng, khi tính toán, đồng altcoin mà anh em đã mua bằng BTC đó lại được quy ra usd tương đương với số satoshi anh em đã trả, để rồi lại cộng dồn nó vào chung với vốn hóa của BTC. Vậy có khác nào tính thêm một lần nữa số tiền mà anh em đã thực sự bỏ vào thị trường.
Vấn đề thứ ba khiến cho con số vốn hóa ảo này còn trở nên ảo hơn, chắc anh em cũng biết là vấn đề gì: đó là trò chơi thao túng giá. Đây là cuộc chơi của tài phiệt. Sự thao túng này vẫn diễn ra cho đến thời điểm hiện tại, thậm chí ngay khi anh em đọc những dòng này thì kế hoạch vẫn đang tiếp diễn bằng cách này hay cách khác. Ngay cả BTC là anh cả của thị trường còn bị làm giá tăng giảm cả ngàn đô trong vài giờ thì các altcoin khác cũng chẳng ngoại lệ. Điều đó khiến cho vốn hóa biến động theo hàng chục tỉ đô trong vài tiếng khá thường tình.
Tôi không biết còn những yếu tố nào nữa, nhưng ít nhất ba vấn đề trên cũng đủ để chúng ta có được một vài kết luận tạm thời như sau:
- Khi báo chí giật tít tiểu như “thị trường mất hơn 20 tỉ đô trong vài giờ” thì anh em hiểu nói vậy chỉ là cho “ngầu” nhằm “khè” mấy người thiếu hiểu biết, chứ thực tế không phải như vậy. Anh em đã hiểu về những lập luận trên của tôi sẽ hình dung vấn đề này khác xa
- Tiếp theo, anh em sẽ đặt câu hỏi “số tiền thật sự mà thị trường đang chứa đựng là bao nhiêu?”. Thú thật tôi không biết được, tôi cũng không biết ai có thể biết được. Nhưng chắc chắn một điều, đó là con số nhỏ hơn nhiều so với những số liệu mà coinmarketcap cung cấp cho trader.
- Nếu “vốn hóa thực sự” nhỏ hơn so với con số hiện tại (hiện tại là 300 tỉ đô) thì tôi thấy hơi sớm nếu nói Bitcoin là bong bóng sắp vỡ, nhưng nếu nói nó mang dáng dấp của một mô hình bong bóng tài chính thì lại rất đúng, nhìn đồ thị là thấy ngay. Điều này cũng chứng tỏ thị trường vẫn còn rất non trẻ, đầy tiềm năng (dĩ nhiên cũng tương đương với rủi ro). Bên cạnh đó, chưa kể đến càng ngày càng có nhiều lợi ích nhóm nhúng tay vào.
Như vậy, “vốn hóa” trên coimarketcap có đáng tham khảo không?
Nếu vậy, con số Total market Capitalization hiện đang được cung cấp trên coinmarketcap có đáng tham khảo gì không? À vẫn có! Cái vấn đề ở đây là anh em không cần quá bận tâm số tiền chính xác thực sự đang lưu thông là bao nhiêu, anh em cũng đừng cố biết chuyện không thể biết đó, mà chúng ta quan tâm đến biến động của nó. Con số tổng vốn hóa là ảo nhưng những biến động là có thật. Thế nên, luôn tồn tại một sự đồng dạng trong biến động giữa con số vốn hóa thật và vốn hóa ảo.
Chính sự đồng dạng này đảm bảo cho cho những lập luận của anh em về vốn hóa thị trường vẫn có lý khi anh em áp dụng những vấn đề kĩ thuật cơ bản lên đồ thị vốn hóa. Tôi thường hay áp dụng trendline và fibo (cả sóng elliot) lên đồ thị vốn hóa để tìm những ngưỡng hỗ trợ và kháng cự cho giá BTC. Trong giới hạn bài viết này tôi lại không muốn bàn nhiều hơn về vấn đề kỹ thuật.
Những biến động này có khi là tăng, có khi làm giảm. Ở một chu kỳ thời gian lớn tính bằng tuần, tháng, nó sẽ giúp anh em trả lời các câu hỏi như là: tiền tươi thóc thật có đang đổ thêm vào thị trường không hay đang rút ra bớt? Thị thường có thêm nhiều nhà đầu tư mới không hay đang chán nản? Ở một chu kì thời gian nhỏ hơn tính bằng ngày, giờ, nó giúp anh em lập kế hoạch để vào lệnh. Tôi biết có một vài anh em khá kĩ càng và chăm chỉ, lập hẳn một bảng excel riêng chia làm nhiều cột như vốn hóa, vol, dominance…rồi ghi chú một bên ở mỗi ngày kiểu như là “hôm nay thị trường giảm mạnh, một lượng tiền lớn vừa bị rút ra” hoặc là “hôm nay thị trường tăng nhẹ trở lại, có thể chỉ là nhịp hồi sau đợt giảm, vẫn chưa có nguồn tiền mới bơm vào”…vân vân và vân vân. Chính vì sự theo dõi như thế, sau một thời gian anh em sẽ rèn được cái trực giác nhạy cảm với biến động của vốn hóa toàn thị trường.
Về cơ bản, tôi nghĩ vốn hóa thị trường sẽ tăng
Khi tôi viết bài viết này thì thị trường khá ảm đạm. Nhà đầu tư mới không hề được bổ sung thêm, đa phần cảm thấy sợ hãi khi họ nhìn thấy sự sụt giảm ghê gớm của BTC từ 20k về dưới 6k và mãi cũng không trở lại mốc 5 con số. Có thể tình hình sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm nhiều tháng, nhưng ở khía cạnh tích cực, để đảm bảo cuộc chơi vẫn còn dài, thì vốn hóa sẽ phải tăng.
Vì sao có thể nói như vậy? Anh em thử nghĩ, một tên lắm tiền muốn nhân hai (hay nhiều hơn) số tài khoản thì phải có những tên khác chấp nhận mua với giá cao gấp đôi (hoặc gấp nhiều lần) giá trước đó. Vậy lấy đâu ra những người mua đó, đó chính là những nhà đầu tư mới bị kích thích vì sự tăng trưởng của thị trường. Kịch bản này anh em nào bước vào thị trường được một năm trước đây thì dễ dàng hiểu rõ. Anh em tham gia với số vốn chỉ vài chục ngàn đô, nhưng nếu anh em là nhà đầu tư với số tiền đến hàng tỉ đô (hoặc hàng chục tỉ đô) thì vấn đề thanh khoản hết chỗ đó đòi hỏi những kỹ năng thao túng nhằm đẩy giá bằng những cái đầu tài chính chuyên nghiệp hơn.
Trong quan điểm cá nhân tôi, khi quan sát những động thái từ những nhà đầu tư lớn, những mỏ đào, và cả quan điểm của chính phủ thì cuộc chơi vẫn còn dài. Anh em không cần phải nôn nóng khi những nhà sản xuất máy đào vẫn hào hứng vào cuộc, càng không cần nôn nóng khi những quỹ đầu tư mạo hiểm đổ tiền vào chung với anh em ngày càng nhiều. Việc sụt giảm vốn hóa hiện tại khi tôi viết bài này khiến cho nhiều đầu tư nhỏ lẻ chán nản (vì đu đỉnh quá cao) nhưng tôi chỉ xem đó như một giai đoạn mang tính quy luật đối với sự phát triển của một thị trường tài chính (và đừng hiểu lầm, tôi không phải đứa đu đỉnh đang tự an ủi đâu!).
Một cách diễn đạt rất phổ thông và dễ hiểu hơn cho sự gia tăng vốn hóa đó là: niềm tin vào Bitcoin. Tuy nhiên BTC tăng đến bao nhiêu thì tôi không bàn đến, cá nhân tôi trade theo từng giai đoạn tùy theo tình hình và sự gợi mở của thị trường, tương lai vẫn luôn là bí mật.
Những ai đứng đằng sau bức tranh vốn hóa
Câu hỏi này là một câu hỏi lớn. Tôi chưa được cơ hội nào để nghe ai đó luận về Bitcoin một cách nghiêm túc và có lý, có chăng chỉ là những thuyết âm mưu vô căn cứ. Mà thôi, trong giới hạn của những gì chúng ta biết được, anh em vẫn có thể thấy những đối tượng sau đây là nhân tố tác động đến sự biến động vốn hóa toàn thị trường. Thực tế có nhiều cách chia lắm, như là trader, minner, sản xuất máy đào, cá mập, sàn giao dịch …nhưng tôi thích chia sao cho đơn giản dễ nhớ: kẻ mất tiền và kẻ lấy tiền.
Kẻ bị mất tiền nhiều nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ: Có thể là trader, là holder, minner … hay bất cứ lĩnh vực nào trong Crypto nhưng có điểm chung là chỉ bỏ ra một số vốn nhỏ tương ứng với mức độ cá thể. Tác động của nhóm này không lớn, ngay cả khi có một luồng tâm lý mua bán “đoàn kết” giữa tất cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cũng là động thái đã được “cá mập” đoán trước mà thôi. Nhóm này mang tâm lý của một đám đông hỗn tạp, nhốn nháo, thiếu kinh nghiệm, háu thắng, cay cú, nhiều khi chỉ xem thị trường như trò cờ bạc…thế nên đa phần là thua lỗ bất kể là uptrend hay downtrend. Rất ít người giàu lên hay chỉ đòi hỏi thấp là “sống tốt” được trong thị trường.
Dĩ nhiên tôi ở trong nhóm này. Điều đó đòi hỏi chính anh em phải tự thay đổi mình sao cho khác đi cả về tư duy và cá tính, nếu muốn kiếm tiền với thị trường.
Kẻ lấy được tiền nhiều nhất là tài phiệt: Tôi muốn nói đến những tay có sức ảnh hưởng và có kế hoạch khôn ngoan để thao túng hoặc ít nhất là biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra với thị trường qua từng giai đoạn. Họ là có thể là chính phủ, là quỹ đầu tư, là sàn giao dịch, và các mỏ đào Trung Quốc hiện đang chiếm phần lớn hashrate của mạng lưới. Cụ thể họ làm gì, kết hợp với nhau ra sao thì chẳng thể nào biết được.
Một ví dụ cho thấy họ vốn rất giỏi trong việc kiếm tiền ở thị trường này, là gần đây Mt.Gox tuyên bố trả lại tiền cho nhà đầu tư, một động thái chơi đẹp của sàn. Nhưng câu hỏi cần đặt ra họ lấy đâu ra một số tiền lớn đến gần tỷ đô như vậy trong bối cảnh sụt giảm khủng khiếp của toàn thị trường (có thể là margin, là hợp đồng tương lai …)? Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây: là những cái đầu này sẽ lấy tiền của anh em bất kể thị trường lên hay xuống, tài khoản anh em cứ vơi đi theo kế hoạch của họ.
Những kiến thức về vấn đề này vẫn chưa kết thúc, tôi sẽ đề cập nhiều hơn về các kịch bản tăng giảm vốn hóa trong phần tới của serie.
Mình rất thích bài viết của bạn. Góc nhìn tốt và có đầu tư. Trong quá trình đọc thì mình cũng có nảy ra vài ý kiến muốn viết ra xem ý bạn đánh giá xem mình hiểu có đúng không: – Quan điểm của bạn về tổng vốn hóa và vốn hóa của Altcoin có thể đúng. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn vào thị trường tài chính toàn thế giới để hiểu rõ rằng trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, kể cả có hay không các cuộc khủng hoảng kinh tế, tiền tệ của thế… Read more »
Khi mình nói “Quan điểm của bạn về tổng vốn hóa và vốn hóa của Altcoin có thể đúng” vì lập luận của bạn có một số lỗ hổng: – Ngay từ buổi sơ khai, ETH cũng được ICO bằng BTC. Vậy đến hiện nay thì tổng vốn hóa được thổi phồng lên bằng tổng số coin hay sao ??? 1.6xx lần. Vậy chắc bây giờ tiền của anh em mình đáng ra phải bị chia cũng 1.6xx lần? – Ngay từ năm 2013 thì hình thức mua bán BTC và Altcoin (bao gồm cả Altcoin top như LTC, ETH,… Read more »