Xin được nói thẳng #1: Về Web3

Khi bạn đọc những bài viết tìm hiểu web3 là gì, thì họ sẽ dẫn dắt bạn từ những khái niệm như web 1.0 rồi web 2.0 rồi khiến cho bạn cảm thấy thuyết phục rằng là web 3.0 là một thứ tự kế tiếp. Là tương lai! Cách dẫn dắt này khiến lý trí của bạn xếp web 3 và tất cả những thứ liên quan đến web 3 là một phần tất yếu sẽ xảy ra, và bạn tự nghĩ “mình thật may mắn khi tiếp cận sớm những khái niệm này!”.

Bạn đã trải nghiệm tí nào về web 3 chưa? Hãy đọc kỹ lại những bài viết trong khi bạn search “web 3 là gì?”, bạn sẽ chỉ nhận thấy những thuật ngữ mới chung chung xuất hiện nối tiếp nhau, rồi thỉnh thoảng sẽ có vài đường link dẫn đến những dự án crypto nào đó. Đó là cách truyền thông thị trường muốn bạn biết về web 3: Biết đủ nhiều để cảm thấy mình thật “tri thức”, và đủ ít để không phải thắc mắc gì thêm.

Thử minh họa với ZeroNet và những dự án web 3 tương tự

Nếu được, chúng ta có thể dành chút thời gian để nói về ZeroNet.

ZeroNet được phát triển từ năm 2015, hoàn toàn là mã nguồn mở, là dự án xây dựng mạng ngang hàng. Cho đến hiện tại, liệu có dự án nào trong thị trường mang những đặc tính web 3 một cách rõ ràng và thực nghiệm nhiều năm nay như ZeroNet không? Mỗi địa chỉ trang web trong ZeroNet hoạt động như một khóa công khai, thực ra cũng chính là địa chỉ ví Bitcoin. Người dùng ẩn danh thông qua mạng Tor. Người dùng kiểm soát dữ liệu của mình, nó phi tập trung, không bị kiểm duyệt, có thể gửi nhận crypto bằng chính địa chỉ của mình, và hơn hết có cả một cộng đồng lâu đời với nội dung ngày càng dồi dào. Bạn có thể download về xài thử. (Nên biết, có rất nhiều những dự án như ZeroNet, nó không đơn độc).

Và đây là những vấn đề của ZeroNet:

  • Một mạng lưới duyệt web phi tập trung như thế đem lại sự tự do “khó cưỡng”. Chỉ cần có người dùng là dữ liệu của mình còn, không sợ bị mất đi. Vì dữ liệu web lưu trữ phi tập trung. Khi bạn truy cập vào trang web nào đó, nghĩa là bạn download nó về xem. Và chính dữ liệu đó được seeding tiếp cho những người xem khác (như Bittorrent). Bạn vừa là máy chủ của chính mình và của người khác. Thế nên, nội dung XXX trên đây rất phong phú. Các tập thể “phản động” cũng chẳng sợ kiểm duyệt. Một môi trường lý tưởng để bạn dễ dàng tiếp cận những cộng đồng độc hại (mang danh nghĩa tự do) nhất thế giới. Dĩ nhiên, Trung Quốc cấm ZeroNet.
  • Cá nhân tôi cũng download về xài. Một thời gian thì thư mục ZeroNet trong ổ cứng lớn dần, càng truy cập nhiều thì dữ liệu lưu trữ càng nhiều. Nhiều hình ảnh và dữ liệu được lưu lại để chính bản thân ổ cứng của tôi trở thành cái server của người khác. Và tôi thấy mình trở thành một phần của mạng lưới ngang hàng này. Nhưng tốc độ truy cập không cao, có cảm giác như mình truy cập internet ở cái thời còn xài dial-up.
  • Không có cách nào để dữ liệu của bạn bị “lãng quên” trong ZeroNet một khi nó đã có seeders.
  • Không có cách nào để tìm kiếm nhanh như Google được. Mà phải duyệt nội dung qua một web dẫn nguồn và phân loại, kiểu như đang xài deepweb.

Nhìn chung, nó rất lý tưởng để cởi trói những giới hạn của “tự do” cho một cộng đồng nào đó muốn thoát ly kiểm duyệt. Nhưng đừng quên, trước sau gì bạn cũng cần nhà cung cấp internet (Vietel, VNPT….). Cộng đồng reddit của ZeroNet từng có khảo sát về việc xây dựng một token riêng nhưng bị phản đối. Họ sợ rằng chuyện lợi ích token sẽ phá hủy cộng đồng của họ.

Những chuyện rất dễ hiểu nhưng bị phớt lờ vì … không được nhắc đi nhắc lại

Stephen Diehl với tư cách là một người trong ngành đã trình bày rất thuyết phục và rõ ràng trên blog của mình về ba vấn đề lớn (hay là có thể xem là những bước lùi) của Web 3.

  1. Vấn đề tính toán
  2. Vấn đề băng thông
  3. Vấn đề lưu trữ

Ở đây tôi không cố gắng trình bày lại làm gì cho dư thừa, nhưng nhấn mạnh bằng một vài cách diễn đạt dễ hiểu hơn. Cụ thể là tôi sẽ sử dụng những diễn giải về Web 3 trong bài viết “Web 3.0 là gì? Tiềm năng thay đổi nhân loại của Web3” được đăng trên Coin98.

  • Web 3.0 là phiên bản được ra đời để giải quyết các vấn đề của Web 2.0. Với Web 3.0, quyền lực được đưa về tay người dùng, bản thân người dùng chính là người sở hữu (owners) cho thông tin của mình và không thể bị can thiệp bởi bất kỳ ai.“. Chỉ cần một chút trải nghiệm ZeroNet như tôi đã làm ở trên cũng đủ hiểu thảm họa của việc chính bản thân người dùng sở hữu dữ liệu. (chuyện “trừ khi” tôi sẽ nói sau). Nhưng hẳn bạn biết gì sao chúng ta có được tốc độ truy cập internet như hiện nay không? Đó là vì hệ thống servers được đầu tư hàng tỷ đô, đến nổi người ta giấu nó dưới đại dương để giải nhiệt, hoặc xây dựng những công trình kiên cố để bảo vệ hệ thống máy chủ, và cả những đường dây xuyên lục địa. Riêng cá nhân tôi sẽ trả khoản 14$ mỗi tháng để duy trì lượng truy cập cho cái blog nhỏ bé này. Nếu bạn cấp quyền truy cập cho cả thế giới vào dữ liệu công khai của mình để xem bức ảnh gia đình bạn mới khoe, thì hẳn bạn bỏ ra rất nhiều chi phí cho cái phần cứng lưu trữ đó. (còn chuyện “trừ khi” là khi một vật liệu lưu trữ nào đó vừa nhỏ bằng ngón cái nhưng khả năng lưu trữ khổng lồ và không hề hấn gì khi một lúc nào đó nhận được traffic khủng, đồng thời nó rẻ như cái usb mà thôi! Và ngay cả khi chuyện “trừ khi” đó xảy ra đi nữa thì web 3 vẫn còn nhiều cái vô lý khác phải giải quyết, như là ai sẽ trả tiền cho cái cơ sở băng thông đó?…). Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn của chuyện tự lưu trữ dữ liệu này là nó biến toàn bộ internet thành “deepweb” + P2P. Bạn chỉ nhận được ví dụ để chứng minh web 3 ưu việt là chuyện chuyển token, chứ họ sẽ không bao giờ nói đến giải pháp nào để lưu trữ phân tán – vốn mới là cái mà họ đã định nghĩa ngay từ đầu. Còn nếu toàn bộ vấn đề chỉ là chuyện chuyển token phi ngân hàng thì đó không phải là toàn bộ của web 3.
  • Thoát khỏi sự kiểm soát là một thảm họa còn lớn hơn xiết chặt sự kiểm soát. Stephen Diehl đặt câu hỏi rất hay: “Ai sẽ cấm những tài khoản cổ vũ cho chế độ Phát Xít hay Phát Xít mới?”. Không ai cả, vì họ tự do và ẩn danh trong dữ liệu của mình. Bạn có thể dành vài giây và nhận ra nhiều ví dụ còn kinh khủng hơn thế. Thế nên, Web 3 là một bước lùi về công nghệ nếu cố đặt nó trong khẳng định là tương lai của internet.

Trong suy nghĩ cá nhân mình, phi tập trung chỉ là một thỏa thuận mới giữa sự tự do và việc chịu kiểm soát.

Thực ra các dự án Web 3.0 đang làm gì?

Nói thẳng qua là bạn cũng chẳng cần quan tâm đến mấy chuyện trên lắm đúng không? Vì cái bạn quan tâm là lợi ích trong một trò chơi tài chính mà những lý luận trên chẳng qua chỉ là chiếc áo đồng phục cho những ai muốn chơi cùng. Điều mà những dự án web 3 đang làm là xây dựng một con đường cao tốc chạy thẳng vào thủ đô của mỗi gia đình – đó là túi tiền của bạn. Chỉ có vậy thôi.

Polkadot cực kỳ rườm rà phức tạp, nhưng có những đạo diễn và biên kịch rất giỏi để viết nên những câu chuyện khiến người nghe cảm thấy đây là thế giới của sự tiến bộ. Có lẽ người nghe nghĩ tiến bộ thì đi kèm với đôi chút rối rắm cũng không sao. Vì sao họ xây dựng parachain, relaychain, parathread, bridge ư? Họ muốn những cuộc đấu giá, crowdloan, họ tạo ta Moonbeam để người ít kiến thức lập trình cũng dễ dàng thành người mở con đường. Trong suy nghĩ của mình, họ đang khiến cho càng nhiều con đường cao tốc đi thẳng vào túi tiền của bạn càng tốt. Nếu bạn quan tâm tới DOT, nhưng bạn đang không có sẵn DOT mà chỉ là những Altcoin khác, họ vẫn có cách để từ đó bạn dễ dàng tiếp cận. Vì cái họ cần là dòng tiền.

Những dự án Web 3 khác cũng vậy. Cái họ đang xây dựng không phải cốt lõi nền tảng của Web 3, chỉ là “những con đường” như tôi nói ở trên mà thôi.

Hãy như con cáo hoặc như bồ câu

Nếu như bồ câu thì dễ rồi, đó là khi bạn mặc kệ mấy cái giải thích trên đi. Mặc kệ thị trường này luôn cũng được. Như bồ câu vậy, yêu hòa bình, thân thiện.

Còn không thì phải như con cáo. Nghĩa là bạn hoàn toàn hiểu những luận điệu ngớ ngẫn của truyền thông thị trường về Web 3.0 nhưng vẫn đạp lên cái làn sóng đó được để rút nhanh và kiếm tiền. Thật khó để tôi luyện bản thân đủ ranh mãnh để thành con cáo. Chứ đừng có nuôi cái cảm giác lâng lâng vì thấy mình phát hiện ra một thứ “tiềm năng” rồi kiếm được chút tiền và nghĩ mình là nhà đầu tư đón đầu xu hướng. Vì lần tiếp theo sẽ quật ngã bạn.

Những bài tiếp theo trong serie “Xin được nói thẳng!” này tôi sẽ nói về Metaverse, NFT… và nhiều câu chuyện khác.