Ban đầu tôi định đặt tiêu đề là “suy xét những trường hợp kiếm được tiền khi đầu tư tiền ảo”, nhưng nghĩ lại tôi muốn nhấn mạnh về chuyện mất tiền hơn. Trước sau gì bạn cũng sẽ lựa chọn một trong những con đường tôi sắp đề cập. Tôi xin liệt kê ra đây các trường hợp giàu lên và nghèo đi mà tôi biết và kinh nghiệm trong thị trường Crypto Việt Nam. Sau khi đọc hết nó rồi, bạn hãy dành chút thời gian comment suy nghĩ của bạn, về việc nên hay không nên lựa chọn con đường nào. Còn nếu bạn chưa hiểu, hãy cứ comment tôi sẽ trả lời, vì tôi hiểu tầm quan trọng của một câu trả lời dành cho người mới.
Trường hợp 1: Thắng lớn nhờ bùng nổ dòng tiền đổ vào thị trường, nhưng sau đó…
Đó là những nhà đầu tư đã mua Bitcoin và dùng Bitcoin để đầu tư Altcoin trong thời gian đầu của mô hình bong bóng. Nếu bạn không biết Altcoin là gì thì tôi xin giải thích một chút. Alt là viết tắt của chữ alternative có nghĩa là “thay thế”. Từ này muốn chỉ những coin thay thế khác không phải là Bitcoin. Ví dụ: ETH (ethereum)…hiện có hơn 1900 altcoin đang được giao dịch trên thị trường khi tôi thực hiện serie này. (update: con số này tăng liên tục từng ngày).
Không cần mua sớm quá, vì mua sớm thì bán sớm, không dễ gì giữ cho tới lúc BTC đạt đỉnh và càng không dễ gì để biết đâu là đỉnh. Cái ngộ đặc thù của thị trường Crypto là biến động với biên độ khá lớn. Thế nên, bạn mua được giá tốt không bằng với việc bạn bắt được trend mạnh. Do đó, thời điểm còn quan trọng hơn cả giá.
Tôi không muốn đề cập sâu đến việc mua altcoin nào? Giá tăng bao nhiêu lần? thoát từ altcoin sang bitcoin rồi thoát ra usd vào thời điểm nào để tối ưu lợi nhuận? Rõ ràng có rất nhiều thủ thuật phải học (nếu muốn biết, bạn có thể đọc thêm serie “Thị trường Crypto, tiền chảy về đâu?“). Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là ngay cả những nhà đầu tư thiếu kiến thức chỉ mua rồi để đó, chẳng cần quan sát kĩ thuật hay thị trường gì, chằng cần phải phân tích gì ghê gớm cũng có thể nhân gấp nhiều lần số vốn đầu tư khi ở trong mùa uptrend, cụ thể là mùa uptrend năm 2017.
Từ đó, tạo nên một tư duy rằng, cứ mua và giữ (mà giới crypto trading gọi là hold) thì thế nào cũng lãi rất to. Và quả đúng như vậy thật, tất cả những ai là holder trong giai đoạn năm 2017 đều cười mãn nguyện, 30-50%/ngày là điều hết sức bình thường. Nhưng bạn cũng nên nhớ điều này, cứ hễ khi nào bạn tưởng mình nhận ra một “chân lý” nào đó từ thị trường, thì có nghĩa đã đến lúc “chân lý” đó không còn giá trị nữa. Khi ai cũng nghĩ holder là mau giàu nhất, thì thị trường lại chứng minh holder là những người “mau nghèo” nhất trong suốt năm 2018.
Từ đó, dẫn đến tình cảnh trớ trêu là, những ai đã chốt lãi được tại đỉnh đi nữa, thì cũng không thể ngờ mức suy giảm lên đến 70% để mà tái đầu tư được tại vùng đáy. Họ vẫn giữ cho mình cái “chân lý” đã hết hạn, ra sức mua và hold ở vùng giá vẫn còn cao chông chênh và mơ tưởng. Buồn thay đó lại là số đông.
Thực ra, tôi cũng không dám chắc gì cả, vì cá nhân tôi vẫn tin ở một sự bức phá bất ngờ hơn của thị trường, nhưng tôi tự hỏi: liệu nhà đầu tư có đủ kiên nhẫn để chờ đến lúc nhìn thấy giá về đỉnh cũ hay không? Thế nên, trường hợp 1 tưởng rằng dễ giàu mà thực ra đâu có dễ. Bạn cũng đừng tưởng với những ai đã có kiến thức sẵn thì ắt sẽ kiếm lời từ uptrend lớn như thế, vì vẫn còn vô vàn những yếu tố khác chi phối (rồi bạn sẽ biết). Có chăng chỉ là tài phiệt và một vài cá nhân may mắn nào đó mà thôi.
Trường hợp 2: Thực ra, chúng ta cũng nên “cảm ơn” MLM, cho dù thực tế là…
Những nhà đầu tư tham gia hệ thống ponzi thời kì đầu và thoát ra sớm trước khi nó sụp đổ. Tôi không cần phải nhắc đến một vài cái tên ví dụ nào ở đây, bạn và tôi hẳn ai cũng biết rồi. Tôi có người anh vợ đổ hết số tiền để dành vào mô hình ponzi và mất hết toàn bộ, nhấn mạnh là toàn bộ chứ không phải là 99%. Chân thành mà nói, chính vì những dự án ponzi hấp dẫn quá mức, mà nhiều người dân thường không hiểu gì về tiền mã hóa cũng trở thành nhà đầu tư góp phần cho sự thổi bùng vốn hóa của toàn thị trường. Thế nên, khía cạnh nào đó, để thị trường đi lên và có sóng lớn thì vai trò của MLM quan trọng không kém.
Không phải ai cũng mất đâu, tôi tin có rất nhiều người giàu lên từ mô hình ponzi khi họ biết dừng lại đúng lúc. Nói đến đây, chúng ta lại nhấn mạnh vấn đề thời điểm. Mà mấy ai xác định đúng thời điểm đế dừng lại, bạn có thể kiểm chứng điều đó bằng thực tế quanh bạn trên khắp các hội nhóm dự án ponzi. Nên trường hợp 2 vẫn là số ít.
Cập nhật: khi tôi viết serie này thì hầu như toàn bộ các dự án ponzi đều đã sụp đổ, nhưng thời điểm tháng 4-5/2019, thị trường có đợt tăng giá mạnh, những cái tên MLM cũ lại “sống dậy”. Chưa biết rồi sẽ thế nào. Nhưng thế nào đi nữa, thì có một điều luôn không đổi: người kiếm được tiền cũng vẫn là số ít.
Trường hợp 3: Những dự án huy động vốn “điên rồ”…
Có những người không tham gia MLM vì họ dị ứng với từ “đa cấp”. Nhưng lại đổ rất nhiều tiền cho các hình thức huy động vốn khác như ICO. Sau này còn có hình thức IEO, và tôi tin tương lai sẽ còn nhiều game khác.
Nếu bạn chưa biết mấy chữ viết tắt ICO, IEO là gì, tôi xin giải thích: ICO là viết tắt của Initial Coin Offering. Một hình thức huy động vốn bằng tiền mã hóa cho các dự án đa phần là liên quan đến ứng dụng công nghệ blockchain. Còn IEO là viết tắt của Initial Exchange Offering, một hình thức chào bán tài sản số (token) trên các sàn giao dịch. Chi tiết bạn có thể tìm hiểu sau, nhưng chung quy lại cũng là crowfunding để tạo cơn tăng giá và kiếm lời.
Sỡ dĩ có nhiều người vẫn kiếm được khá nhiều tiền từ ICO là vì thời điểm (lại là thời điểm) họ tham gia vào thị trường. Khi cả thế giới lạc quan về công nghệ blockchain và tâng bốc việc áp dụng nó vào rất nhiều ý tưởng – vốn là chất liệu để thực hiện ICO một dự án nào đó. Còn tình hình hiện tại, khi tôi thực hiện serie này, tôi khuyên bạn đừng vội tin vào những roadmap “bánh vẽ” nhằm thu về số ETH của bạn. Rất ít dự án thành công, nên rất ít người giàu lên từ đây.
Ngay cả với IEO cũng vậy, với lần đầu sự xuất hiện của Binance Launchpad đã khiến cộng đồng dậy sóng, nhưng không phải sàn nào thực hiện IEO cũng ngon lành, đến lượt Bittrex thì cộng đồng vỡ mộng và đòi tẩy chay. Rất ít thông tin hay dữ kiện để bạn kiểm chứng được đâu mới là dự án ngon.
Trường hợp 4: Làm “thầy” vẫn ngon nhất!
Những chuyên gia dạy trade nổi tiếng thu tiền từ việc giáo dục trading, hoặc mở một dịch vụ hỗ trợ thu hút VIP members. Những người dạy trade thường đảm bảo được cho mình nguồn thu nhập cố định không chịu rủi ro của hoạt động trading (nghe thật mâu thuẫn). Dĩ nhiên, để họ có thể làm thầy người khác, thì bản thân cũng phải đạt đến một trình độ nhất định nào đó. Trong giới này tôi nhận định có hai dạng.
Dạng thứ nhất là những người có kĩ năng sư phạm tốt, hiểu biết về phân tích kĩ thuật, phân tích thị trường. Họ có thể hướng dẫn người khác chưa biết gì về crypto trading. Còn bản thân cá nhân họ thì chưa chắc là một trader xuất sắc. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng chúng ta phải nhìn nhận cái “nhu cầu” của người mới tham gia thị trường để thấy sự hợp lý của việc mở lớp dành cho nhóm đối tượng này. Chính tôi cũng phải tìm thầy để học, tôi cũng hoàn toàn hiểu và chấp nhận những khuyết điểm của họ. Và chắc chắn, trường hợp 4 này vẫn là số ít. Không thể nào ai cũng đủ khả năng làm thầy (nhiều cá nhân mở lớp chỉ dạy qua loa nhằm thu tiền học viên, vậy cũng chẳng khác nào là lừa đảo).
Người mất tiền vẫn là học viên, theo học nhưng thực ra họ không cần bỏ ra số tiền như thế trong khi kiến thức chia sẻ miễn phí thì luôn luôn có sẵn chỉ cần chịu khó đi tìm.
Dạng thứ hai là dạng là tôi muốn đề cập ở trường hợp 5. Họ còn hiếm hoi hơn. Việc dạy trade không phải là nguồn thu nhập chính vì trình độ của họ đủ sức để họ kiếm tiền rất nhiều và bền vững. Theo quan sát của cá nhân tôi, thì đa phần các “thầy” trong thị trường đều có những kết cục bất lợi đến danh tính, dù là dạng nào.
Trường hợp 5: Trader giàu lên nhờ trình độ của mình, nhưng cực hiếm…
Cái khó cho tôi khi viết về trường hợp 5 là chính tôi còn không cảm thấy mình đạt đến trình độ muốn diễn đạt. Nhưng không phải là tôi không hiểu và không thấy.
Việc kiếm được tiền từ thị trường Crypto nói riêng và thị trường tài chính nói chung, không nhất thiết phải chờ đợi một lần nào đó nhân hai hay nhân ba tài khoản. Vì vấn đề thời điểm luôn là vấn đề muôn thuở mang tính “may rủi” và vô cùng khó dự đoán. Những trader chuyên nghiệp sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào uptrend hay downtrend, dù có thế nào họ vẫn kiếm sống được, miễn sao thị trường còn biến động dù hẹp hay rộng.
Mấu chốt của việc kiếm được nhiều tiền này nằm ở tính bền vững của lãi. Có những việc nhỏ nhưng bền vững thì cũng có thể tạo nên một sức mạnh to lớn. Tư duy như vậy rất lợi hại, trader chuyên nghiệp cũng không dễ gì bỏ qua những cơ hội lớn. Và tôi cũng chắc chắn rằng, trường hợp 5 là số ít trong số ít. Đây cũng là trường hợp mà tôi chủ động hướng đến trong cả blog của mình.
Còn đa phần, những người mới không bao giờ vượt qua những thách thức tâm lý ban đầu. Người mới cũng ít chịu nghiêm túc và kỷ luật với kiến thức và thực hành. Người mới thậm chí dù ở trong thị trường lâu năm nhưng cứ mãi không lớn lên được, ỷ lại người khác và thiếu chủ động trong quyết định.
Trường hợp 6: Miner và những câu chuyện buồn…
Thực ra, tôi thấy nếu phải chọn giữa trader và miner thì thà làm trader. Miner xét cho cùng cũng là một dạng trading nhưng cực hơn, phải quản lý nhiều thứ hơn, đòi hỏi nhiều hiểu biết về công nghệ và cả những mánh khóe trong chuyên môn để có được lời. Tôi không phải miner nên không có nhiều kiến thức để chia sẻ. Có thể nhận định vừa rồi sẽ có phần chủ quan.
Đã có lúc người ta tưởng rằng miner thì mặc định được đặt cách khỏi những rủi ro thua lỗ, vì giá coin không thể thấp hơn chi phí đào. Nhưng mọi hiểu biết đều phiến diện. Song song với việc theo dõi giá coin, miner còn chịu thêm một lớp rủi ro của giá máy đào và rủi ro của chính dự án đồng coin mình đang đào. Đó là chưa kể đến chi phí nhân công, giá điện. Dì của tôi là một miner là kết quả không khả quan gì hơn trader trong mùa downtrend cả.
Kết
Vẫn còn những trường hợp khác, nhưng ở phương diện tiếp cận của một nhà đầu tư mới mẻ, thì đa phần lựa chọn 1 trong những con đường trên. Bạn thấy đó, tôi gọi đó là “những trường hợp thua lỗ” vì phần đông người tham gia đều thua lỗ. Xem ra, chân lý “thành công không bao giờ dành cho số đông” tuy đơn giản mà luôn đúng trong mọi lĩnh vực.
Chưa hết đâu, hãy đọc tiếp bài sau và nghe tôi kể những câu chuyện hay ho khác.