Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật là dự báo biến động giá tài chính trong tương lai dựa trên việc kiểm tra biến động giá trong quá khứ. Giống như dự báo thời tiết, phân tích kỹ thuật không dẫn đến dự đoán chính xác tuyệt đối về tương lai. Thay vào đó, phân tích kỹ thuật có thể giúp các nhà đầu tư dự đoán những gì có khả năng xảy ra với giá theo thời gian. Phân tích kỹ thuật sử dụng một loạt các biểu đồ hiển thị giá theo thời gian.
Phân tích kỹ thuật được áp dụng cho cổ phiếu, chỉ số, hàng hóa, hợp đồng tương lai hoặc bất kỳ sản phẩm giao dịch nào mà giá cả bị ảnh hưởng bởi các lực lượng cung và cầu. Dữ liệu về giá (hay như cách John Murphy gọi – “market action” hành động thị trường), đề cập đến bất kỳ sự kết hợp nào giữa giá mở cửa (open), giá cao nhất (high), giá thấp nhất (low), giá đóng cửa (close), hoặc Lãi suất mở của một cổ phiếu nhất định trong một khung thời gian cụ thể. Khung thời gian có thể dựa trên thời gian trong ngày (1 phút, 5 phút, 10 phút, 15 phút, 30 phút hoặc hàng giờ), dữ liệu giá hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng và kéo dài vài giờ hoặc nhiều năm.
Các giả định chính của phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật được áp dụng cho chứng khoán trong đó giá chỉ chịu ảnh hưởng của các lực lượng cung và cầu. Phân tích kỹ thuật không hoạt động tốt khi các lực lượng khác có thể ảnh hưởng đến giá của chứng khoán. Để thành công, phân tích kỹ thuật đưa ra ba giả định chính về chứng khoán đang được phân tích:
-
Thanh khoản cao – Thanh khoản thực chất là khối lượng. Các cổ phiếu giao dịch mạnh (Heavily-traded) cho phép các nhà đầu tư giao dịch nhanh chóng và dễ dàng, mà không làm thay đổi đáng kể giá của cổ phiếu. Các cổ phiếu giao dịch yếu (Thinly-traded) thì khó giao dịch hơn, bởi vì không có nhiều người mua hoặc người bán tại bất kỳ thời điểm nào, vì vậy người mua và người bán có thể phải thay đổi giá mong muốn một cách đáng kể để thực hiện được giao dịch. Ngoài ra, các cổ phiếu thanh khoản thấp thường có giá rất thấp, điều đó có nghĩa là giá của chúng có thể dễ dàng bị thao túng hơn bởi các nhà đầu tư cá nhân. Các lực lượng bên ngoài tác động trên các cổ phiếu giao dịch yếu làm cho chúng không phù hợp để phân tích kỹ thuật.
-
Không có những thay đổi giá nhân tạo (Artificial Price Changes) – Chia tách cổ phiếu, cổ tức (dividends) và phân phối (distributions) là thủ phạm phổ biến nhất của sự thay đổi giá nhân tạo. Mặc dù không có sự khác biệt về giá trị chung của khoản đầu tư, nhưng thay đổi giá nhân tạo có thể ảnh hưởng đáng kể đến biểu đồ giá và làm cho phân tích kỹ thuật khó áp dụng. Loại ảnh hưởng giá này từ các nguồn bên ngoài có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách điều chỉnh dữ liệu lịch sử của trước khi giá thay đổi.
-
Không có tin tức cực đoan – Phân tích kỹ thuật không thể dự đoán các sự kiện cực đoan, bao gồm các sự kiện kinh doanh dạng như CEO của công ty đột ngột qua đời, và các sự kiện chính trị như là hành động khủng bố. Khi chịu tác động mạnh của tin tức cực đoan, các nhà phân tích kỹ thuật phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi biểu đồ lắng xuống và bắt đầu phản ánh lại giá ở một trạng thái “bình thường mới”.
Điều quan trọng là xác định xem một chứng khoán có đáp ứng ba yêu cầu này hay không trước khi áp dụng phân tích kỹ thuật. Điều đó không có nghĩa là phân tích bất kỳ cổ phiếu nào có giá bị ảnh hưởng bởi một trong những lực lượng bên ngoài này là vô ích, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của phân tích đó.
Cơ sở của phân tích kỹ thuật
Lý thuyết Dow đã đặt nền móng cho những gì sau này trở thành phân tích kỹ thuật hiện đại. Lý thuyết Dow đã không được trình bày dưới dạng một sự hợp nhất hoàn chỉnh, mà thay vào đó được chắp ghép từ các tác phẩm của Charles Dow trong nhiều năm. Trong số nhiều lý thuyết do Dow đưa ra, có ba lý thuyết nổi bật:
-
Giá phản ánh mọi thứ
-
Biến động giá không hoàn toàn ngẫu nhiên
-
“Cái gì” quan trong hơn “Tại sao”
Giá phản ánh mọi thứ
Lý thuyết này tương tự như các hình thức Strong và Semi-Strong của tính hiệu quả thị trường. Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng giá hiện tại phản ánh đầy đủ tất cả các thông tin. Bởi vì tất cả các thông tin đã được phản ánh trong giá, nên nó đại diện cho giá trị hợp lý và tạo thành cơ sở để phân tích. Xét cho cùng, giá thị trường phản ánh kiến thức tổng hợp của tất cả những người tham gia, bao gồm nhà đầu cơ, nhà đầu tư, nhà quản lý danh mục đầu tư, nhà phân tích bên mua, nhà phân tích bên bán, chiến lược gia thị trường, nhà phân tích kỹ thuật, nhà phân tích cơ bản và nhiều người khác…Phân tích kỹ thuật sử dụng thông tin được thu thập bởi giá để diễn giải những gì thị trường đang nói với mục đích hình thành quan điểm về tương lai.
Biến động giá không hoàn toàn ngẫu nhiên
Hầu hết các nhà phân tích kỹ thuật đều đồng ý với nhau rằng giá đi theo xu hướng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích kỹ thuật cũng thừa nhận rằng có những giai đoạn giá không theo xu hướng. Nếu giá luôn luôn ngẫu nhiên, việc kiếm tiền bằng phân tích kỹ thuật sẽ vô cùng khó khăn. Trong cuốn sách “Schwager on Futures: Technical Analysis”, Jack Schwager nói:
Một cái nhìn về tình trạng của thị trường: đó là thị trường có thể chứng kiến một thời gian dài biến động ngẫu nhiên, xen kẽ với khoảng thời gian ngắn hơn của những biến động không ngẫu nhiên … Mục tiêu của các nhà phân tích biểu đồ là xác định những thời kỳ đó (ví dụ: những xu hướng chính…).” (Tr. 12)
Một nhà phân tích kỹ thuật tin rằng có thể xác định một xu hướng, đầu tư hoặc giao dịch dựa trên xu hướng và kiếm tiền khi xu hướng mở ra. Bởi vì phân tích kỹ thuật có thể được áp dụng cho nhiều khung thời gian khác nhau, nên có thể phát hiện cả xu hướng ngắn hạn và dài hạn.
Biểu đồ IBM (như hình trên) minh họa quan điểm của Schwager về bản chất của xu hướng. Như bạn thấy, có một xu hướng lên dần bao trùm toàn biểu đồ, nhưng nó cũng xen kẽ với các phạm vi giao dịch (Trading Periods). Ở bên trong các phạm vi giao dịch là các xu hướng tăng nhỏ hơn trong xu hướng tăng lớn hơn. Xu hướng tăng được tiếp tục khi giá cổ phiếu phá vỡ vượt lên trên phạm vi giao dịch. Một xu hướng giảm bắt đầu khi giá cổ phiếu phá vỡ dưới mức thấp của phạm vi giao dịch trước đó.
“Cái gì” quan trọng hơn “Tại sao”
Trong cuốn sách Tâm lý học phân tích kỹ thuật, Tony Plummer đã diễn giải rằng: “Một nhà phân tích kỹ thuật biết giá của mọi thứ, nhưng giá trị thì không!”. Các nhà phân tích kỹ thuật, chỉ quan tâm đến hai điều:
- Giá hiện tại là bao nhiêu?
- Lịch sử của biến động giá thế nào?
Giá là kết quả cuối cùng của cuộc chiến giữa các lực lượng cung và cầu đối với cổ phiếu của công ty. Mục tiêu của phân tích là dự báo hướng của giá trong tương lai. Bằng cách tập trung vào giá và chỉ có giá mà thôi, phân tích kỹ thuật đại diện cho một cách tiếp cận trực tiếp.
Các nhà phân tích cơ bản quan tâm đến lý do tại sao giá lại như vậy. Còn với các nhà phân tích kỹ thuật lại thấy các lý do được đưa ra bởi phân tích cơ bản rất đáng ngờ. Nhà phân tích kỹ thuật tin rằng tốt nhất là nên tập trung vào những gì đang xảy ra và không bao giờ quá quan tâm lý do tại sao. Tại sao giá tăng ư? Đơn giản là có nhiều người mua (cầu) hơn người bán (cung). Rốt cuộc, giá trị của bất kỳ tài sản nào chỉ là thứ mà ai đó sẵn sàng trả cho nó. Đâu cần biết tại sao?!!
Cách bước chung cơ bản để đánh giá kỹ thuật
Nhiều nhà phân tích kỹ thuật sử dụng cách tiếp cận từ trên xuống, ưu tiên bắt đầu bằng phân tích vĩ mô trên diện rộng. Các phần lớn hơn sau đó được chia nhỏ ra cho đến những bước cuối cùng trên quan điểm tập trung và vi mô hơn. Một phân tích như vậy có thể bao gồm ba bước:
- Phân tích thị trường trong góc nhìn rộng và tổng quát thông qua các chỉ số chính như S&P 500, Dow Industrials, NASDAQ và NYSE Composite. Đối với các thị trường khác thì những chỉ số chính sẽ khác.
- Phân tích ngành để xác định các nhóm mạnh nhất và yếu nhất trong thị trường rộng lớn hơn.
- Phân tích các cổ phiếu riêng lẻ để xác định các cổ phiếu mạnh nhất và yếu nhất trong các nhóm được chọn.
Vẻ đẹp của phân tích kỹ thuật nằm ở tính linh hoạt của nó. Bởi vì các nguyên tắc phân tích kỹ thuật có thể áp dụng phổ biến, mỗi bước phân tích ở trên có thể được thực hiện bằng cách sử dụng cùng một nền tảng lý thuyết. Bạn không cần phải được bằng cấp kinh tế để phân tích biểu đồ và các chỉ số thị trường. Bạn không cần phải là CPA (Certified Public Accountants) để phân tích biểu đồ chứng khoán.
Biểu đồ là biểu đồ. Khung thời gian là 2 ngày hoặc 2 năm không thành vấn đề. Không quan trọng bạn đang xem xét một cổ phiếu, chỉ số thị trường hay hàng hóa nào. Các nguyên tắc kỹ thuật như hỗ trợ, kháng cự, xu hướng, phạm vi giao dịch và các khía cạnh khác có thể được áp dụng cho bất kỳ biểu đồ nào. Thành công đòi hỏi bạn phải học tập nghiêm túc, cống hiến và một tâm hồn cởi mở.
Phân tích biểu đồ
Phân tích kỹ thuật có thể phức tạp hoặc đơn giản như bạn muốn. Ví dụ dưới đây đại diện cho một phiên bản đơn giản hóa. Vì chúng ta chủ yếu quan tâm đến việc mua cổ phiếu, nên trọng tâm sẽ là phát hiện các tình huống tăng giá.
Xu hướng chung: Bước đầu tiên là xác định xu hướng chung. Điều này có thể được thực hiện với các đường xu hướng, đường trung bình động hoặc phân tích các đỉnh/đáy. Ví dụ, xu hướng tăng vẫn tiếp diễn miễn là giá vẫn nằm trên đường xu hướng dốc lên hoặc trên một đường trung bình nhất định.
Hỗ trợ (Support): Là các khu vực giá có sự tắc nghẽn (congestion), và mức giá thấp trước đây nằm dưới mức giá hiện tại, nó đánh dấu các mức hỗ trợ. Một sự phá vỡ dưới mức hỗ trợ sẽ được coi là giảm giá (bearish) và gây bất lợi cho xu hướng chung.
Kháng cự (Resistance): Các khu vực giá có sự tắc nghẽn (congestion), và mức giá cao trước đó nằm trên mức giá hiện tại, nó đánh dấu các mức kháng cự. Một sự bứt phá trên ngưỡng kháng cự sẽ được coi là tăng giá (bullish) và gây tích cực cho xu hướng chung.
Động lượng (Momentum): Động lượng thường được đo bằng một bộ dao động (oscillator) như MACD. Nếu MACD cao hơn đường EMA9 ngày (đường trung bình động hàm số mũ) hoặc dương, thì động lượng sẽ được coi là tăng hoặc ít nhất là cải thiện.
Áp lực mua/bán: Đối với cổ phiếu và các chỉ số có số liệu khối lượng có sẵn, một chỉ báo sử dụng khối lượng được sử dụng để đo áp lực mua hoặc bán. Chẳng hạn, Khi Chaikin Money Flow (CMF) trên 0, áp lực mua đang chi phối. Áp lực bán sẽ đang chi phối khi nó dưới 0.
Sức mạnh tương đối (Relative Strength): Các mức giá tương đối là một dòng kẻ hình thành bằng cách chia chứng khoán cho một chuẩn mực nhất định. Đối với cổ phiếu, thường là giá của cổ phiếu chia cho S&P 500. Biểu đồ của dòng kẻ này trong một khoảng thời gian sẽ cho chúng ta biết liệu cổ phiếu đang hoạt động tốt hơn (tăng) hay kém hơn (giảm) chỉ số chính.
Bước cuối cùng là tổng hợp các phân tích trên để xác định các điều sau:
- Sức mạnh của xu hướng hiện tại.
- Giai đoạn của xu hướng hiện tại.
- Tỷ lệ được mất (Reward-to-risk) tại một vị thế.
- Mức độ tiềm năng của một vị thế dài hạn.
Phân tích kỹ thuật từ trên xuống
Đối với mỗi phân khúc (thị trường, ngành và chứng khoán), một nhà đầu tư sẽ phân tích các biểu đồ dài hạn và ngắn hạn để tìm ra các biểu đồ đáp ứng các tiêu chí cụ thể. Phân tích trước tiên sẽ xem xét thị trường một cách tổng quát, có lẽ bắt đầu với S&P 500. Nếu thị trường rộng lớn hơn đang ở trong một xu hướng tăng giá, phân tích sẽ tiến hành lựa chọn biểu đồ ngành.
Những lĩnh vực thể hiện nhiều hứa hẹn nhất sẽ được chọn ra để từ đó phân tích các chứng khoán riêng lẻ. Khi danh sách ngành được thu hẹp thành 3-4 nhóm ngành, việc lựa chọn cổ phiếu riêng lẻ có thể bắt đầu. Với lựa chọn 10-20 biểu đồ chứng khoán từ mỗi ngành, có thể lựa chọn 3-4 trong số các cổ phiếu hứa hẹn nhất trong mỗi nhóm. Tiếp đó, thực hiện việc cắt giảm cuối cùng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm ngặt của các tiêu chí được đặt ra. Theo kịch bản này, chúng ta sẽ còn lại 9-12 cổ phiếu để lựa chọn mà thôi.
Điểm mạnh của phân tích kỹ thuật
Tập trung vào giá
Nếu mục tiêu là dự đoán giá trong tương lai, thì nên tập trung vào biến động giá. Diễn biến giá thường đi trước những phát triển cơ bản của chứng khoán. Bằng cách tập trung vào hành động giá, các nhà phân tích kỹ thuật sẽ tự động tập trung vào tương lai. Thị trường được coi là một chỉ báo dẫn đầu và thường dẫn đầu nền kinh tế từ 6 đến 9 tháng. Để bắt kịp thị trường, còn gì hợp lý hơn khi nhìn trực tiếp vào biến động giá.
Mặc dù thị trường dễ bị phản ứng đột ngột, nhưng những nguyên nhân thường bộc lộ trước những động thái quan trọng. Một người phân tích kỹ thuật sẽ coi các giai đoạn tích lũy là bằng chứng của một sự tăng trưởng sắp xảy ra, và các giai đoạn phân phối là bằng chứng của sự suy giảm sắp xảy ra.
Cung, cầu và hành động giá
Nhiều nhà phân tích kỹ thuật sử dụng giá mở cửa (open), giá cao nhất (high), giá thấp nhất (low) và giá đóng cửa (close) khi phân tích hành động giá của chứng khoán. Thông tin được lượm lặt từ mỗi mẫu thông tin nhỏ. Một cách riêng biệt, những điều này sẽ không thể nói được nhiều. Tuy nhiên, nếu kết hợp lại với nhau, các mức giá open, high, low, close sẽ phán ánh những lực lượng cung cầu.
Ví dụ chú thích ở trên cho thấy giá cổ phiếu đã mở cửa với một khoảng cách tăng. Trước khi mở (open), số lượng lệnh mua vượt quá số lượng lệnh bán và giá được nâng lên để thu hút nhiều người bán hơn. Nhu cầu đã sôi động ngay từ đầu. Mức giá cao nhất (high) trong ngày phản ánh sức mạnh của nhu cầu (người mua). Mức thấp trong ngày (low) phản ánh sự sẵn có của nguồn cung (người bán). Giá đóng cửa (close) đại diện cho giá cuối cùng được thỏa thuận bởi người mua và người bán.
Trong trường hợp này, mức giá đóng cửa (close) nằm hẳn dưới mức cao nhất (high) và gần hơn với mức thấp nhất (low). Điều này cho chúng ta biết rằng, mặc dù nhu cầu (người mua) rất mạnh trong ngày, nhưng nguồn cung (người bán) cuối cùng đã thắng thế và buộc giá giảm trở lại. Ngay cả sau áp lực bán này,giá đóng cửa (close) vẫn ở trên giá mở cửa (open). Bằng cách nhìn vào hành động giá trong một khoảng thời gian dài, chúng ta có thể thấy cuộc chiến giữa cung và cầu diễn ra. Ở dạng cơ bản nhất, giá càng cao phản ánh nhu cầu (demand) càng tăng và giá càng thấp thì phản ánh nguồn cung (supply) càng tăng.
Hỗ trợ/Kháng cự
Phân tích biểu đồ đơn giản có thể giúp xác định các mức hỗ trợ và kháng cự. Chúng thường được đánh dấu bằng các khoảng thời gian giá bị tắc nghẽn (trở thành phạm vi giao dịch – trading range), trong đó giá di chuyển trong phạm vi giới hạn suốt một thời gian dài, cho chúng ta biết rằng các lực lượng cung và cầu đang bế tắc. Khi giá di chuyển ra khỏi phạm vi giao dịch, nó báo hiệu rằng cung hoặc cầu đã bắt đầu chiếm thế thượng phong. Nếu giá di chuyển lên dải trên của phạm vi giao dịch, thì nhu cầu đang chiến thắng. Nếu giá di chuyển xuống dưới thấp hơn, thì nguồn cung đang chiến thắng.
Lịch sử giá trực quan
Ngay cả khi bạn là một nhà phân tích cơ bản chân chính, thì một biểu đồ giá có thể cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Biểu đồ giá là một tài khoản lịch sử dễ đọc về biến động giá của chứng khoán trong một khoảng thời gian. Biểu đồ dễ đọc hơn nhiều so với bảng số. Trên hầu hết các biểu đồ chứng khoán, các cột khối lượng thường được hiển thị ở phía dưới. Với bức tranh lịch sử này, thật dễ dàng để xác định những điều sau đây:
- Phản ứng trước và sau các sự kiện quan trọng.
- Biến động trong quá khứ và hiện tại.
- Khối lượng giao dịch trong lịch sử hoặc mức độ giao dịch.
- Sức mạnh tương đối của một cổ phiếu so với thị trường tổng thể.
Giúp xác định điểm vào lệnh
Phân tích kỹ thuật có thể giúp bạn thời gian xác định một điểm vào lệnh thích hợp. Một số nhà phân tích sử dụng phân tích cơ bản để quyết định mua gì và phân tích kỹ thuật để quyết định khi nào nên mua. Phân tích kỹ thuật có thể giúp phát hiện ra mức cầu (hỗ trợ) và cung (kháng cự) cũng như sự đột phá. Chỉ cần chờ đợi một sự đột phá trên ngưỡng kháng cự hoặc mua gần các mức hỗ trợ để có thể cải thiện lợi nhuận.
Nó cũng quan trọng để bạn biết lịch sử giá cổ phiếu. Nếu một cổ phiếu mà bạn nghĩ là tuyệt vời trong 2 năm qua đã giao dịch không đổi trong hai năm đó, thì có vẻ như Phố Wall sẽ có ý kiến khác. Nếu một cổ phiếu đã tăng đáng kể, sẽ khôn ngoan để chờ đợi một pullback (giá hồi lại sau khi tăng). Hoặc, nếu cổ phiếu đang có xu hướng xuống thấp hơn, có thể xuống tiền để chờ đợi đảo ngược xu hướng.
Điểm yếu của phân tích kỹ thuật
Phân tích thiên vị
Cũng giống như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật là chủ quan và những thành kiến cá nhân của chúng ta có thể được phản ánh trong phân tích. Điều quan trọng là phải nhận thức ra được những sai lệch khi phân tích biểu đồ. Nếu nhà phân tích luôn lạc quan đứng về phe bò, thì xu hướng tăng sẽ làm lu mờ phân tích. Mặt khác, nếu nhà phân tích luôn bi quan đứng về phe gấu, thì phân tích luôn thiên về xu hướng giảm.
Diễn giải theo nhiều hướng mở
Thực tế rằng phân tích kỹ thuật có thể giải thích theo nhiều hướng mở. Mặc dù đã có các tiêu chuẩn, nhưng nhiều lần hai nhà phân tích kỹ thuật nhìn vào cùng một biểu đồ và vẽ ra hai kịch bản khác nhau hoặc nhìn thấy các mẫu hình giá khác nhau. Cả hai sẽ có thể đưa ra các mức hỗ trợ và kháng cự hợp lý, cũng như các điểm chính để biện minh cho vị trí của họ. Trong khi điều này có thể gây nản lòng, cần chỉ ra rằng phân tích kỹ thuật giống như một nghệ thuật hơn là một khoa học, gần giống với kinh tế học. Là cốc nửa trống hoặc nửa cốc đầy? Tất cả nằm trong mắt của người quan sát.
Quá muộn
Phân tích kỹ thuật bị chỉ trích vì nó quá muộn (luôn đi sau giá). Vào thời điểm xu hướng được xác định, một phần đáng kể của động thái đã diễn ra. Sau một động thái lớn như vậy, thì phần thưởng cho tỷ lệ rủi ro không còn lớn nữa. Độ trễ cũng là một sự phê phán đặc biệt trong Lý thuyết Dow.
Luôn luôn có những mức độ khác
Ngay cả sau khi một xu hướng mới đã được xác định, vẫn luôn có một cấp độ “quan trọng” khác sắp xảy ra. Các nhà phân tích kỹ thuật luôn luôn trong những quan điểm tranh cãi và không bao giờ có lập trường đủ vững chắc. Ngay cả khi họ đang lạc quan về sự tăng giá (bullish), cũng sẽ luôn có một số chỉ báo nào đó thẩm định lại ý kiến của họ.
Sự hối hận của Traders
Không phải tất cả các tín hiệu kỹ thuật và mẫu hình đều hiệu quả. Khi bạn bắt đầu nghiên cứu phân tích kỹ thuật, bạn sẽ bắt gặp một loạt các mẫu hình và chỉ báo với các quy tắc để áp dụng.
Ví dụ: Tín hiệu bán được đưa ra khi giá phá vỡ đường neckline của mô hình vai đầu vai. Mặc dù đây là một quy tắc, nhưng nó không kiên định và có thể chịu sự chi phối của các yếu tố khác như khối lượng và động lượng. Cũng trong cùng một lối đó, nhưng những gì hoạt động cho cổ phiếu này lại có thể không hoạt động cho một cổ phiếu khác. Đường trung bình động 50 ngày có thể hoạt động tuyệt vời để xác định hỗ trợ và kháng cự cho IBM, nhưng đường trung bình động 70 ngày lại hoạt động tốt hơn đối với Yahoo. Mặc dù nhiều nguyên tắc phân tích kỹ thuật là có tính phổ quát, nhưng mỗi chứng khoán sẽ có những đặc điểm riêng.
Kết luận
Các nhà phân tích kỹ thuật coi thị trường bao gồm 80% tâm lý và 20% tính logic. Các nhà phân tích cơ bản thì coi thị trường là 20% tâm lý và 80% tính logic. Tâm lý hoặc logic có thể đem ra để tranh luận, nhưng không ai thắc mắc gì về giá hiện tại của một chứng khoán. Rốt cuộc, giá có sẵn cho tất cả mọi người đều nhìn thấy, không ai nghi ngờ tính hợp pháp của nó. Giá được thiết lập bởi thị trường và phản ánh kiến thức tổng hợp của tất cả những người tham gia và chúng ta đang không giao dịch với các đối thủ nhẹ ký ở đây. Những người tham gia này đã xem xét mọi thứ có thể và quyết định giá nào để mua hoặc bán. Đây là những lực lượng cung và cầu đang hoạt động. Bằng cách kiểm tra hành động giá để xác định lực lượng nào đang chiếm ưu thế, phân tích kỹ thuật tập trung trực tiếp vào điểm mấu chốt: Giá bao nhiêu? Nó đã ở đâu? Nó đi đâu vậy?
Mặc dù có một số nguyên tắc và quy tắc phổ quát có thể được áp dụng, nhưng phải nhớ rằng phân tích kỹ thuật là một hình thức nghệ thuật hơn là một môn khoa học. Là một hình thức nghệ thuật, nó trở thành đối tượng để giải thích. Tuy nhiên, nó cũng linh hoạt trong cách tiếp cận và mỗi nhà đầu tư chỉ nên sử dụng những gì phù hợp với phong cách của mình. Phát triển một phong cách cần có thời gian, nỗ lực và cống hiến, nhưng rồi phần thưởng có thể sẽ rất đáng kể.