Những nguyên nhân cho tình trạng thua lỗ và mất tiền trong cộng đồng Crypto

Hiện tượng gì cũng phải có nguyên nhân. Những nguyên nhân thua lỗ mà tôi sắp đề cập đây là đặc thù cho thị trường tiền mã hóa của cộng đồng Việt chúng ta. Tôi trình bày xuất phát từ cái nhìn chủ quan của mình nên ắt sẽ có thiếu sót và sai sót. Nhìn càng rõ nguyên nhân bao nhiêu, thì càng biết hướng đi cho giải pháp bấy nhiêu.

Tôi xác định mình đang viết cho người mới. Nếu bạn đọc những nguồn khác, họ sẽ ngay lập tức rủ rê bạn đăng ký cái này cái kia, nhưng tôi thì không. Trước khi bạn đăng ký tài khoản và nạp tiền vào bất cứ đâu, bạn cần biết mình sắp sửa phải đối mặt với cái gì trước đã. Do đó, bài này, tôi sẽ nói về “cộng đồng tiền ảo” chúng ta.

Vì sao tôi lại nhấn mạnh cộng đồng Việt Nam? Vì thế này…

Về cộng đồng của chúng ta

Nhận xét chung nhất, cũng là bản tính của người Việt mình, rất lanh lợi bắt kịp xu thế. Rất hào hứng với thời cuộc. Rất hết mình không ngại liều lĩnh trong đầu tư. Rất ham học hỏi nhưng chịu nhiều giới hạn. Rất nhạy cảm và dễ tổn thương nhưng lại rất dữ dội và dễ cay cú. Rất đông!

Theo thống kê của similarweb về lượng truy cập sàn giao dịch binance.com, cho đến thời điểm tháng 8 năm 2018, Việt Nam nằm trong Top 4 toàn thế giới. Đã có thời điểm, chúng ta nằm trong TOP 3 của sàn Bittrex.com và Poloniex.com, TOP 1 của các trang tiền ảo đa cấp (những cái tên MLM này đều đã ngỏm).

Riêng đối với coinmarketcap.com – một trang web hay được các traders sử dụng để theo dõi dữ liệu các đồng coin, Việt Nam ta đứng thứ ba.

Tôi không biết có nên tự hào hay không? Nhưng đông người truy cập nhất cũng có nghĩa là đông người thua lỗ nhất, số tiền VND bị thất thoát vô cùng lớn. Có nhiều câu chuyện buồn vì MLM tôi không muốn kể, mà tôi nghĩ cũng chẳng ai muốn nghe lại hoài. Lại thêm nhiều chuyện buồn vay mượn để rồi “đu đỉnh” (*một từ mà các nhà đầu tư muốn diễn tả việc mua một đồng coin với giá rất cao không biết khi nào mới quay về lại mức giá ấy) không đủ tiền trả lãi. Lại thêm chuyện người Việt lừa lọc nhau không chút xót thương. Rồi thêm chuyện mở lớp chất lượng kém dụ dỗ học viên, đã không giúp được học viên thì thôi lại còn khiến tài khoản người ta chia năm xẻ bảy…Và sẽ còn rất nhiều những câu chuyện tương tự như thế nữa khi cộng đồng càng đông hơn, thị trường càng phát triển hơn trong tương lai. Thẳng thắn mà nói, đáng buồn nhiều hơn là đáng mừng.

Thủ đoạn là không giới hạn

Bây giờ, tôi sẽ liệt kê ra đây những gạch đầu dòng, mà tôi tin trước sau gì bạn cũng sẽ bắt gặp tình huống như thế. Bạn không nên bỏ qua một cái đầu dòng nào dù rằng danh sách này vẫn chưa đủ đâu. Tôi mong gieo được vào tâm trí bạn chút nhạy cảm cần thiết để không vội quyết định ngay, không vội tin tưởng ngay, không vội like hay chia sẻ ngay.

  • Hãy cẩn thận với những status khoe lãi thường xuyên. Đa phần đều là nhằm mục đích marketing đánh vào lòng tham của người xem. Những status dạng này hay có cách diễn đạt kiểu như là “Đủ bữa sáng rồi!” và khoe một lệnh nào đó lời được vài trăm đến cả ngàn đô, đôi khi là mấy chục đô. Hoặc là kiểu như “anh em nào theo kèo này thì ấm rồi nhé…!” kèm với một đồ thị có nhiều cây nến xanh cao vút tăng đến vài chục phần trăm. Tương tự như thế. Những status như vậy mới đầu chỉ đơn giản làm người xem kích thích, nhưng càng bắt gặp nhiều lần người xem vô tình bị thuyết phục lúc nào không hay. Khi đã có một lượng tương tác nhất định, tài khoản facebook hay khoe đó sẽ kêu gọi ủy thác nhằm lợi dùng niềm tin của người đã từng xem những gì họ đăng. Việc ủy thác này hiện tại là vi phạm pháp luật Việt Nam.
  • Cũng có một số tài khoản mạng xã hội hay khoe lệnh thắng không phải để nhận ủy thác. Bên cạnh đó họ còn khoe cả kiến thức, kinh nghiệm, thường hay phát sóng trực tiếp (livestream) để phân tích đồ thị. Xét về tích cực, đây là nguồn học miễn phí rất hữu ích mà chúng ta nên tham khảo. Nhưng sau đó một thời gian, họ sẽ mở khóa học cả ngàn đô và hứa hẹn mạnh mẽ rằng bạn sẽ kiếm được lời sau khóa học của họ. Cá nhân tôi nghĩ, chúng ta không cần bỏ ra đến số tiền đến hàng chục triệu để học một khóa học căn bản bất kỳ. Mức giá hợp lý và tiết kiệm cho những kiến thức căn bản chỉ khoảng từ 50-100$ mà thôi, thậm chí bạn có thể học miễn phí nếu chịu khó tìm tòi.
  • Hãy cẩn thận với những lời chào mời lãi xuất cao dù của bất cứ ai ngay cả đó là người thân quen của bạn. Hiện tại làn sóng lending đã chấm dứt và khó thể quay lại được vì sự trá hình của nó đã thể hiện quá rõ khi đột nhiên biến mất không một lời lý giải. Nhưng đâu đó vẫn còn. Những dự án kiểu này thường được tiếp tay bởi đội ngũ tiếp thị liên kết (nhận hoa hồng) đông đảo và phải kể đến cả những “tín đồ” tin tưởng tuyệt đối vào lời ong bướm làm giàu không khó.
  • Đừng bao giờ nghĩ rằng khi tham gia vào một nhóm trả phí nào đó thì bạn đã tìm được chỗ dừng chân và an nhàn kiếm sống. Nhóm trả phí cũng là một hình thức kinh doanh chấp nhận được, tôi cũng từng lựa chọn và tham gia một nhóm trả phí thời gian đầu. Nhưng hiện tại rất ít nhóm trả phí thật sự chất lượng. Các admin của những nhóm này thường là những người có tiếng nói trong một cộng đồng, giỏi về marketing, giỏi ăn nói, giỏi “ru lòng người”, nhưng không phải là “thần thánh” gì. Bạn đừng quá thần tượng họ, hay đừng quá tin tưởng họ, chắc chắn sẽ có bạn lúc hối hận mà thôi. Trong suốt thời gian thị trường đổ máu, tôi bắt gặp rất nhiều nhóm “đu đỉnh” vì mua theo sự hướng dẫn của admin. Xét cho cùng, bạn phải luôn là người chủ động dù thời thế có ra sao.
  • Bạn không cần phải tham dự tất cả các buổi hội thảo. Gần đây, xuất hiện rất nhiều hội thảo mang tính tự phát được một nhóm nào đó tổ chức nên, được đặt tên rất bóng bẩy đại loại như là “Ngày hội blockchain Việt Nam…”, “Tìm kiếm cơ hội đầu tư 4.0”… Nếu không phải kiếm tiền từ bán vé thì cũng là để giới thiệu một dự án ICO nào đó, hoặc ít nhất tạo sự hào nhoáng nhằm mở rộng ảnh hưởng ra cộng đồng. Nghĩa là họ chỉ quan tâm sẽ kiếm được gì từ bạn chứ bạn đừng mong sẽ nhận được gì từ họ. Tôi không đánh giá cao chất lượng của những buổi hội thảo đông đảo này. Tôi khuyên bạn nên dự những buổi offline dù ít người, nhưng chủ đề thảo luận xoáy sâu vào trọng tâm hơn, như là chia sẻ về cách sử dụng một chỉ báo kỹ thuật, chia sẻ về kinh nghiệm quản lý vốn, chia sẻ về những thất bại trading…những buổi offline như thế sẽ giúp bạn thêm kiến thức và thêm mối quan hệ hiệu quả hơn, lại còn tiết kiệm thời gian và chi phí cho bạn. Trừ khi bạn là doanh nhân, CEO…muốn gặp gỡ làm ăn hơn là muốn học hỏi trading.
  • Bạn hãy cảnh giác khi có một tài khoản facebook có chút tiếng tăm nào đó inbox bạn và rủ rê bạn theo “kèo”. Thường thì đều là tài khoản giả mạo lợi dụng uy tín của người khác để lừa đảo. Nếu không quan sát kĩ bạn sẽ khó nhận ra. Những tên lừa đảo này cố ý đặt hình banner, avatar giống hệt một influencer, thậm chí ngay cả newfeeds cũng được sao chép y chang với thời gian và nội dung trình bày không chút sai lệch. Bạn hãy chậm một chút để tinh tường thể loại tinh vi này.
  • Khi thị trường sáng sủa hơn, đừng bao giờ tham gia những nhóm “pump & dump”. Tôi gọi như thế vì những cơ hội vào lệnh theo sóng ngắn mà các nhóm này mang lại đều là ngụy tạo. Thông thường, họ xây dựng một cộng đồng trên kênh telegram, nếu không phải “bán kèo” họ mua được từ những nhóm khác có thế lực làm giá các altcoin thanh khoản thấp, thì chính họ trở thành “cá mập” trong những “cái ao nhỏ” giao dịch các cặp alt/btc để biến bạn thành bàn đạp kiếm lời một cách tàn nhẫn. Nghĩa là nếu bạn chấp nhận đi theo cái mà họ gọi là “tín hiệu” thì thực ra chẳng có tín hiệu gì, đó là “kế hoạch” đã được dàn xếp để lừa bạn giúp họ đẩy giá đến mức kì vọng, bạn và nhiều người khác trở thành người mua ngu ngốc để họ bán được coin giá cao.
  • Đừng bị hấp dẫn bởi những lời quảng cáo “miễn phí”. Đằng sau những gì được cung cấp miễn phí như là khóa học, tài liệu, hội thảo, nhóm trade coin, và “kèo”… luôn luôn có một âm mưu riêng để biến bạn thành khách hàng chi trả cho những thứ không cần thiết và đôi khi nguy hiểm. Bạn sẽ nghĩ “có gì đâu, quyết định hoàn toàn tùy thuộc mình kia mà!”. Đúng là vậy, nhưng họ rất giỏi để đưa bạn vào “phễu”, cái sai của bạn nó xuất phát ngay từ lúc bạn bị thôi thúc bởi lòng tham rồi, cho đến nỗi khi đã chi tiền, mãi một thời gian sau bạn mới cảm nhận được mình ngớ ngẫn thế nào. Lúc đó thì quá muộn còn gì!
  • Đừng bị lôi kéo vì những con bot trade tự động và những ứng dụng liên quan đến tín hiệu trade coin. Đừng cung cấp API cho chúng. Đừng vội vàng cài đặt chúng lên điện thoại cá nhân. Đừng nhẹ dạ chia sẻ và quảng bá chúng. Tôi không có ý nói tất cả đều là lừa đảo. Nhưng chắc chắn một điều, chẳng có con bot hay ứng dụng nào để bạn duy trì lợi nhuận đều đặn hết, ngoại trừ bằng chính năng lực của bạn. Sử dụng hay cài đặt nó chỉ khiến bạn tốn thời gian, tệ hại hơn là đánh cắp những thông tin bảo mật và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bạn. Hãy kiểm chứng những ứng dụng chính hãng và tối giản các công cụ hỗ trợ hết mức có thể.
  • …tôi phải đặt thêm dấu ba chấm ở đây để ẩn ý: thủ đoạn là không giới hạn…

Nguyên nhân thua lỗ và mất tiền nằm ở những gạch đầu dòng trên. Khi nói về cộng đồng, mà lại là cộng đồng crypto trading Việt Nam, lẽ ra tôi nên tìm cái gì đó tốt đẹp hơn để ca ngợi, nhưng tôi chẳng thấy gì cả. Mọi người ít nhiều đều lợi dụng nhau. Tôi là người sống lạc quan chứ không phải bi quan. Nhưng vì đây là cộng đồng tài chính, là nơi mà “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nên sẽ không ai cắt ruột mình và hiến người khác hết. Nguyên tắc chung nhất là: bất cứ sự thu hút hay kích thích nào mang hàm ý kiếm tiền không phải chuyện khó khăn, thì đều là giả dối.

Chưa hết.

Nếu nguyên nhân đến từ cộng đồng là nguyên nhân ngoại tại, thì những nguyên nhân nội tại, tức ở bên trong con người tôi và bạn, cũng đã lấy đi không ít số tiền đầu tư.

Về năng lực của các traders…

Đây mới là những cái đáng nói hơn hết. Tôi từng mất tiền nhảm nhí chỉ vì nhầm địa chỉ ví khi thực hiện thao tác chuyển coin từ sàn này sang sàn khác. Nhiều bạn cũng mất tiền vì chủ quan không sử dụng bảo mật hai lớp. Những sai lầm này mà vấp phải thì vô cùng ấp ức nhưng mất thì cũng đã mất rồi, muốn lấy lại cũng không được.

Đó chỉ mới là mức độ thấp nhất nếu nói về năng lực traders. Năng lực đầu tiên hết là bạn cần biết tự bảo vệ tài khoản của mình, cẩn thận trong những thao tác đặc thù khi nạp và rút một đồng coin nào đó. Dù nhắc đi nhắc lại và được nhấn mạnh bởi nhiều traders kinh nghiệm khác nhưng bạn sẽ thấy còn đó những status “cầu cứu” trong vô vọng vì lỗi lầm không đáng có này.

Rồi tiếp một mức độ cao hơn, khi bạn đã rành rọt mấy thao tác cơ bản rồi, thì đến khả năng về trading mức sơ khởi. Về việc này tôi muốn nói chi tiết hơn một chút, đều ra từ kinh nghiệm và quan sát của tôi, cũng là chủ ý của tôi nhằm đưa ra những vấn đề then chốt cần phải giải quyết cho đến cuối cùng của serie. Bạn hãy theo dõi thêm nhiều cái gạch đầu dòng nữa nhé.

  • Đa phần thích ăn xổi – chỉ mong muốn kết quả nhanh chóng trước mắt, không tính đến chuyện lâu dài. Nhờ quan niệm đó mà các nhóm bán “kèo” vẫn sống tốt, vì người theo “kèo” không cần phải học tập rèn luyện gì hết, chỉ vào lệnh theo những điểm giá đã cho, ăn thì hưởng mà không ăn thì thôi, xem như một canh bạc không hơn không kém.
  • Một số bạn đã nếm trải thua lỗ và không sống với quan niệm thích ăn xổi nữa, thì mới bắt đầu bỏ thời gian và tiền bạc để học. Nhưng đa phần là tay mơ. Tôi nhận thấy số lượng traders có kinh nghiệm tràn qua từ các thị trường như Forex, chứng khoán không nhiều bằng số lượng các bạn chưa hề biết gì về thị trường tài chính, ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Một thành phần đông đảo khác phải kể đến nữa là các bạn làm MMO truyền thống chuyển tiền bạc của mình sang Bitcoin vì không cưỡng lại tính hấp dẫn của tăng trưởng. Chung quy lại, hầu hết đều trái ngành trái nghề trước đây, thế nên muốn học lại mất nhiều thời gian và nhiều tiền thua lỗ coi như là “ngu phí”.
  • Khi bạn đã có chút năng lực ban đầu, dù không đáng kể nhưng cũng khiến bạn cẩn thẩn hơn nhiều người, thì bạn lại đối diện với vấn đề khác, đó là những sai lầm tiềm ẩn bên trong những hiểu biết của bạn. Trading khắc nghiệt ở chỗ: sai là mất tiền. Ngay trong ý này, tôi muốn diễn đạt chi tiết hơn nữa:
    • Đa phần các traders học hỏi lẫn nhau, rất ít người hiểu hết bản chất thật sự của các công cụ, áp dụng cách máy móc, nên khả năng lỗ vẫn rất cao.
    • Đa phần các traders thiếu sự chủ động, ít nhạy cảm với thị trường, lệ thuộc rất nhiều vào những hướng dẫn và dự đoán bởi những traders khác có chút tiếng tăm hơn.
    • Đa phần các traders không tự tìm được cho riêng mình một hệ thống giao dịch phù hợp, không tự nâng cao kĩ năng từ những cái đơn giản, mà lại nhồi nhét quá nhiều kiến thức và hệ thống chưa cần tới, dẫn đến mỗi thứ biết một ít mà không có thứ nào thật sự giỏi.
    • Đa phần các traders đều có một phần vốn “đu đỉnh”. Trade trong tâm thế “đã lỗ”, khó tìm thấy niềm hứng thú thật sự ngay khi họ có lãi đi nữa.
    • Đa phần các traders cứng cáp hơn có thể hướng dẫn lại người khác, thì lại thiếu kĩ năng sư phạm, hoặc có thể ngay chính họ cũng chỉ lặp lại những gì đã học được từ ai đó mà thôi.
  • …tôi phải đặt thêm dấu ba chấm ở đây để ẩn ý: kiến thức là không giới hạn…

Thẳng thắn mà nói, năng lực của đa phần traders trong thị trường Crypto Việt Nam rất yếu. Đó với tôi là điều đáng buồn.

Lời kết tạm

Tôi đã trăn trở nên trình bày những gì và theo thứ tự nào, sao cho có hệ thống nhất. Tôi mong muốn ai đọc serie này cũng như được nạp thêm năng lượng, nhất là với các bạn traders mới. Nhìn lại cả hai nguồn gốc của nguyên nhân ngoại tại và nội tại, tôi thấy chẳng khác gì một bức tranh mà trong đó mình như con cừu non giữa một bầy lang sói. Bản thân cừu non đã yếu ớt, mà bầy sói xung quanh cứ chực chờ nuốt sống. Nếu bạn và tôi không mạnh mẽ hơn và không chịu chuyển hóa, chúng ta chắc sẽ chết.

Đừng bỏ qua bài tiếp theo, tôi vẫn còn nhiều điều nôn nóng muốn chia sẻ cho bạn, người mới ạ!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments