NGHỊCH LÝ: Tăng giá vì mất niềm tin

Bài viết này tôi đưa ra một vài suy nghĩ cá nhân và liệt kê một số hiểu biết của mình sau khi thảo luận và chia sẻ với nhóm, mục đích cũng để giúp anh em có cái nhìn đa chiều hơn. Tôi sẽ không thiên về một bên nào cả, nhưng trình bày mọi yếu tố tích cực lẫn tiêu cực sao cho khách quan nhất để anh em có quyết định của riêng mình.

Gần đây nhiều nhóm có dự đoán một cơn sóng tăng trung hạn kể từ mốc 6k3, 6k4, và có thể kéo dài đến cuối năm. Quả thật đúng là có tăng rất mạnh, lên hẳn 7k8 trên sàn BFX. Nhưng tôi không cho đó là dự đoán đúng một cách có căn cứ. Đúng vì có căn cứ đúng hoàn toàn khác đúng vì miễn sao nó đúng. Có thể anh em nhận định sai nhưng lập luận hữu lý thì vẫn có giá trị hơn anh em kết luận đúng theo kiểu “ngáp phải ruồi”.

Thông thường một nhận định tăng sẽ đến từ niềm tin, hay ít nhất có một sự lạc quan cục bộ nào đó từ đám đông. Sau một năm trong thị trường, tôi nhận thấy một cơn tăng giá luôn có nhịp sóng đầu tiên, sau đó đi ngang và nếu có sụt thì cũng chỉ ở tầm quanh mức 5% – 7% trước khi tiếp tục những sóng tăng trung hạn. Nhưng thị trường hay ở chỗ, cứ hễ khi nào tôi cảm thấy mình khám phá ra một quy luật nào đó, thị trường lại đem đến những bất ngờ mới như để chứng minh “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.

Cái gì vừa mới xảy ra?

Tôi có thể ví dụ cụ thể như sau. Cách mà chúng ta hình dung về dòng tiền từ trước đền giờ thường theo các hướng này. Dĩ nhiên vẫn có nhiều hướng khác nhưng vì tôi muốn nhấn mạnh về vấn đề usdt gần đây nên sẽ trình bày những dòng tiền chính liên quan.

Fiat –> BTC và ALT: cách thức này thường được thực hiện trên các sàn OTC (như remitano). Sau đó trader có thể sử dụng BTC để mua ALT. Và thoát ra bằng con đường ngược lại thế.

Fiat –> mua USDT –> dùng USDT mua BTC (hoặc ALT) –> dùng BTC mua ALT:  từ trước đến nay chúng ta vẫn xem USDT ổn định (dù chỉ tương đối vì có thời điểm lên hẳn 27k, 29k vnd). Cách này traders phải chịu hai lần rủi ro, lần thứ nhất là biến động giá của BTC, lần thứ hai là biến động giá của ALT/BTC, khi uptrend thì rất dễ thắng nhưng khi thị trường downtrend thì khả năng thua rất cao với rủi ro gấp đôi như thế. Tôi không ưu tiên trade theo cách này lắm, tôi cảm tưởng như mình đang cố đi vào một cái hang rất sâu chịu nhiều gập gềnh khúc khuỷu và phải thoát ra một cách an toàn và có lãi : bán ALT ra BTC –> bán BTC ra USDT –> bán USDT ra Fiat. Chỉ cần một trong các bước trên mà lỗ là lợi luận của tôi bị ảnh hưởng ngay lập tức, thậm chí đang lãi thành lỗ. Kiểu như có lần tôi mua USDT với giá 26k vnd, tôi dùng usdt đó mua BTC là lãi được 20%, nhưng đến lúc bán ra vnd thì giá usdt còn 22k, vậy coi như công cốc. Đó là chưa kể nhiều anh em còn đi mua ALT/BTC mà lỗ nữa thì thành ra lỗ kép. Thực tế mà nói, khả năng lỗ kép là rất cao.

Khó khăn của chúng ta không dừng lại ở đó, rất hiếm hoi dòng tiền chạy theo cách như ngày 15 tháng 11 vừa rồi (lịch sử đã có). Nghĩa là USDT bị phân tán ra hai hướng, một phần người ta bán tháo ra Fiat (cụ thể là usd), một phần người ta muốn tài sản của mình chuyển qua những đồng coin khác đáng tin hơn usdt. Theo cách của Bamboo diễn đạt thì nó đi thế này:

Fiat <– USDT –> BTC và ALT

Vậy là chúng ta phải chịu thêm một rủi ro biến động nữa, thị trường crypto quả thật lắm chống gai. Chính vì sự nhạy cảm của đám đông, và phản ứng rất thái quá, vốn là bản tính của thị trường Crypto, mà BTC và một số ALT tăng giá tính theo usdt, trong khi usdt tính theo usd thì giảm. Nghịch lý xuất hiện ở đây, là giá tăng vì tiêu cực. Như vậy, đi nó đi ngược hoàn toàn với quy luật phát triển thị trường. Thị trường muốn mở rộng vốn hóa, muốn hưng phấn trở lại, thì tâm lý lạc quan phải trở lại. Đợt tăng giá vừa rồi đáng lo hơn là đáng mừng. Nghĩ thế nên tôi không fomo. Tôi không đi vào phân tích FUD, tại sao FUD, FUD vừa rồi ở đâu ra, mất thời gian, cái tôi quan tâm là FUD ảnh hưởng thế nào và tôi nên làm gì.

Quyền năng của USDT

Trong trading đòi hỏi phải có một thứ biến động trên nền của một thứ cố định (hoặc biến động rất ít). Vì sao người ta không dùng hẳn Fiat cho việc mua bán BTC mà phải đẻ ra usdt. Vì đặc tính công nghệ nội tại, nói dễ hiểu là usd có chuyển tiền qua blockchain như usdt đâu. Nhu cầu của thị trường đòi hỏi phải có một đồng tiền vừa ổn định vừa mang đặc tính của tiền mã hóa, chính vì thế usdt ra đời. Nếu nhìn thị trường chỉ thuần dưới góc độ một cơ hội kiếm lời, thì sự xuất hiện của usdt phải là tất yếu để tài phiệt thi thố. Nhận thấy điều đó, Bitfinex đi trước một bước, chớp ngay cơ hội để làm chủ usdt, thậm chí giờ đây Bitfinex “in tiền” cho mấy sàn khác sử dụng, hỏi không cảm thấy “khó ưa” sao được.

Nói về tỉ trọng, khối lượng giao dịch của usdt không thua gì BTC. Nếu đem usdt mà so với mấy stable coin mới phát hành gần đây thì vô cùng khập khiểng, usdt giao dịch cả hàng tỉ đô thì mấy stable coin có vài chục triệu không nhằm nhò gì. Anh em có thể xem flow money của một ngày giao dịch qua hình sau.

Flowmoney ngày hôm nay (18 tháng 10 năm 2018), một ví dụ ngẫu nhiên để thấy usdt độc chiếm một khối lượng lớn tiền lưu thông.

Về những khuất tất bên trong usdt thì thú thật tôi không thể nào nói hay biết được. Đây là không phải là lần đầu tiên usdt dính phốt, nhưng vì tính chất gần như là độc quyền của nó, vì tầm ảnh hưởng quá mạnh mẽ của nó mà nó bị ganh ghét cũng là điều dễ hiểu.

Cùng với đó, tầm ảnh hưởng quá lớn sẽ kéo theo hệ quả cũng lớn tương đương. Giả sử (nhấn mạnh là giả sử) usdt có “mệnh hệ” gì, thì tôi nghĩ hậu quả sẽ ghê gớm gấp nhiều lần sự kiện sàn M.G ngày xưa sập, là một cú tát trời giáng vào mặt trader, niềm tin sẽ cần rất lâu mới vực lại được. Ngay lúc này đây, anh em cầm usdt không mua bán gì cũng mặc định lỗ, thì nói chi đến chuyện usdt bỗng một ngày trở thành zero.

Tôi không có ý gây hoang mang anh em, nhưng dưới khía cạnh quản trị rủi ro thì chúng ta nên nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ. Anh em có thể rút về fiat để chờ cho những tín hiệu đảm bảo hơn, đáng tin hơn từ thị trường, anh em chẳng mất gì cả. Hoặc ít ra rút về 1/2 như tôi chẳng hạn (chấp nhận số tiền có thể mất), vừa không muốn bỏ lỡ cơ hội vừa không bị mất sạch vốn khi điều tồi tệ nhất xảy ra. Điều đó tùy vào quyết định của anh em. Tôi cảm thấy “thật khó tin” khi usdt sập, nhưng vì thị trường có quá nhiều bất ngờ nên tôi mới giảm thiểu bớt số vốn rót vào thị trường là như vậy, ít nhất là ngay thời điểm này.

Những anh em nào đu đỉnh quá cao, giá đã về cùng tiệm cận, kiểu như 1 tỉ giờ còn có 70 triệu thì đã tiệm cận điểm gần mất luôn rồi. Nên cứ bao gồm luôn cả niềm tin vào usdt như là niềm tin vào thị trường, chứ chẳng biết làm gì hơn.

Về sự xuất hiện của nhiều stable coin

Năm nay biết đâu lại mở đầu cho cuộc chiến stable coin. Tôi nhận định quá nhiều stable coin đem lại bất lợi hơn là có lợi cho thị trường. Khi đó, anh em sẽ phải lựa chọn trade BTC/usdt, hay BTC/usdc, hay BTC/tusd…nghĩa là thanh khoản của thị trường bị xé ra thành nhiều lựa chọn khác nhau. Toàn bộ thị trường vốn đã bị xem là thị trường thanh khoản thấp (vốn hóa nghe mấy trăm tỉ đô chứ thực ra như vậy là rất thấp đối với thị trường tài chính), mà lại còn bị xé thanh khoản kiểu như vậy nữa thì hoạt động trading kiếm lời trở nên khó khăn hơn đối với tài phiệt. Anh em có vài chục ngàn đô thì không bao nhiêu, nhưng người ta có đến hàng trăm triệu đô thì cần một nơi để hấp thụ hết (dùng chữ hấp thụ theo như cách nói của anh HP).

Mặc khác, cá nhân tôi ít khi trade những cặp vol yếu, các công cụ kĩ thuật không đươc rõ ràng nữa, gây khó khăn khi nhận định bằng kĩ thuật. Tâm lý chung của traders chúng ta là đổ dồn về một stable coin nào đó có sức thanh khoản mạnh, việc phân chia là nhiều stable coin khác nhau là đi ngược xu hướng tâm lý trader.

Thêm một điều nữa, nhiều anh em vẫn trông chờ ETF, tôi nghĩ với FUD vừa rồi, thị trường chứng tỏ nó rất nhạy cảm và dễ dàng bị thao túng, càng có thêm lý do để ETF khó mà thông qua khi section 6b5 vi phạm trắng trợn, trừ khi chúng nó “đi đêm” với nhau ai mà biết được. Nên tôi nói dựa trên những gì tôi thấy.

Vậy đó, khi thấy rủi ro thì tôi giảm thiểu rủi ro cho tài khoản của mình. Khi không thể dự đoán được gì, tôi ngồi im chờ thị trường đi trước một bước.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments