Thay vì nói “lỗ”, “thua” thì anh em hay dùng chữ “SML”, tôi hiểu nhưng mà không thích dùng lắm, chắc tôi già rồi (9x). Việc biết trước tín hiệu “càng sớm càng tốt” giúp anh em tránh lỗ. Hai phần trước tôi đã liệt kê qua những cách sử dụng sự biến đổi của hai đường MACD Line và Signal Line (giao cắt nhau, MACD Line cắt zero…) để trả lời câu hỏi “Giá sẽ lên hay xuống?”. Trong phần tiếp theo này, tôi đi sâu hơn vào tín hiệu phân kỳ, tôi tin nó sẽ cho anh em tín hiệu sớm hơn để vào lệnh.
Lần trước tôi có viết về cách sử dụng phân kỳ RSI để vào lệnh, nhiều anh em trong nhóm có vẻ “tôn thờ” nó quá, tôi vẫn muốn nhắc lại, chẳng có tín hiệu nào chắc chắn cả, chúng ta luôn dự trù cho mình đường lùi bằng DCA và đôi khi là cắt lỗ.
Bản chất của sự phân kỳ
Vì sao người ta dùng chữ “phân kỳ”? Tôi nghĩ là vì muốn ám chỉ đến dự đoán sự giao thoa giữa hai thời kỳ – thời kỳ giảm đã qua và chuẩn bị cho thời kỳ tăng (hoặc ngược lại). Sự giao thoa đó vô tình để lại “dấu vết” trên thị trường mà một người có kiến thức phân tích kỹ thuật có thể thấy được. Họ thấy được qua nhiều lăng kính, trong đó lăng kính MACD-H là sự lựa chọn khá rõ ràng. Và vì tất cả chỉ là dự đoán nên sẽ có đúng có sai.
Sự phân kỳ của MACD-H, trong mắt tôi nó mang tính thẫm mỹ cao hơn hết tất cả những chỉ báo. Vì nó “đẹp” hơn, dễ nhìn thấy hơn. Thế nhưng nếu so sánh nó với sự phân kỳ của RSI thì cá nhân tôi lại tin tưởng nhiều ở RSI hơn, ít ra thì cũng ở trong thị trường Crypto này.
Từ bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cho anh em hai thuật ngữ khá thú vị mà bác sĩ Elder (cũng là một trader) đã gọi tên sự phân kỳ của MACD-H, đó là “bẻ gãy lưng gấu” và “bẻ gãy lưng bò”, ở cuối cùng tôi cũng sẽ đề cập đến một số thuật ngữ của riêng tôi mà tôi tự đặt ra dựa vào kinh nghiệm cá nhân (chứ tôi chẳng biết sách vở gọi nó là gì!).
Và vì tôi muốn anh em thấy rõ cái trước mắt: là sự phân kỳ đôi khi có những thất bại của nó, dầu người ta xếp nó vào một trong những tín hiệu rất tin cậy, nên bên cạnh những ví dụ thể hiện sự thành công của phân kỳ, tôi cũng ví dụ thêm những lần nó thất bại, như vậy anh em sẽ có cái nhìn toàn diện hơn.
“Bẻ gãy lưng gấu”
Cuộc chiến giữa “gấu” (làm giảm giá) và “bò” (làm tăng giá) khiến trader trở thành những kẻ cơ hội, anh em chẳng thuộc về một phe nào luôn luôn. Kẻ cơ hội sẽ biết lựa chọn bên nào chuẩn bị ưu thế hơn và sắp thắng. Sự phân kỳ với tên gọi “bẻ gãy lưng gấu” trong trường hợp này thể hiện ưu thế đang “dần dần” nghiêng về phe “bò”, điều đó không có nghĩa là bò chiếm ưu thế hẳn (vì thế thì giá tăng mất rồi mua gì nữa), nhưng là “gấu” đang yếu dần và “bò” đang muốn lấy lại thế thượng phong. Vậy nên, anh em nhớ câu này, cho đến khi anh em thấy lưng “gấu” đã bị bẻ, hãy chuẩn bị tiền để chia vốn vào lệnh. Cụ thể hơn, tôi chia tiến trình quan sát để vào lệnh này trong 3 bước.
Bước 1: Quan sát cuộc chiến
Sở dĩ nhiều anh em thua và bắt dao rơi là vì lao thân vào trong khi cuộc chiến giữa “gấu” và “bò” đang diễn ra mà không nhìn trước ngó sau. Chúng ta chỉ vào lệnh khi nào có căn cứ hữu lý để dự đoán được phe nào sắp chiếm ưu thế. Trường hợp này gấu đang thắng thế rất mạnh, giá giảm sâu, hãy cứ để cho gấu diễn.
Tất cả các bước đều đòi hỏi sự kiên nhẫn của trader, bởi lẽ, chúng ta chỉ vào lệnh khi nào biết chắc cơ hội thắng cao. Tôi trình bày ví dụ này trong khung 45m, như vậy anh em không thể cứ mãi ngồi nhìn chart từng phút được, khi giá xuống, hãy làm việc gì khác, vài tiếng sau quay lại check chẳng hạn, vì lúc này chúng ta không vào lệnh vội, mà để mặc cho gấu chiếm ưu thế.
Bản chất của bước này được lý giải như sau: lực bán đang rất mạnh, MACD Line và Signal mở rộng xuống dưới, trường hợp này cắt luôn cả mức zero, nghĩa là MACD Line còn thấp hơn cả mức trung bình của chính nó, vào lệnh lúc này khác nào bắt dao rơi, anh em hãy quan sát cho đến khi histogram thấp dần (tức khoảng cách giữa MACD Line và Signal đang dần co cụm lại, gấu đang yếu dần).
Lưu ý ở bước này: anh em bắt đầu quan sát kỹ lưỡng hơn sau khi histogram đã hoàn thành đỉnh âm đầu tiên của nó, nghĩa là nó đang nhích dần lên để trở về mức zero.
Bước 2: Xác nhận “bẻ gãy lưng gấu”
Đây là một bước quan trọng và là yếu tố cần thiết bắt buộc để mô hình phân kỳ MACD-H được hoàn thiện. Đó là khi các trụ histogram tiến dần về mức zero và vượt qua mức zero để mở ra một giai đoạn ngắn các trụ histogram dương. Anh em đừng FOMO vội, màn kịch vẫn chưa xong, chúng ta hãy tiếp tục quan sát để xác nhận “lưng gấu đã bị bẻ gãy”.
Nhiều anh em FOMO ngay ở bước này, và hoảng loạn mà cắt lỗ sau đó. Với sự phân kỳ của MACD-H, anh em sẽ thấy sự kiên nhẫn đáng giá như thế nào trong thị trường này. Anh em muốn hái quả ngọt, hãy đợi cây lớn.
Lý giải cho hiện tượng này như sau: Một số nhà đầu tư khi thấy giá xuống, hoặc là họ chấp nhận mua mức đó (khoảng 10k3 cho đến 10k7) vì họ có cái nhìn dài hạn hơn, hoặc là họ nghĩ giá đã giảm đủ và đến lúc hồi, họ quyết định mua vào đồng thời kéo theo nhiều trader non kinh nghiệm mua theo. Giá chỉ được đẩy lên một cách cục bộ vì không thể thắng nỗi lực bán xuống vẫn còn đó. Thế nhưng, hiện tượng này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đã có sự phản kháng từ phe “bò”, chỉ là sự phản kháng này chưa đủ mạnh mà thôi.
Lưu ý ở bước này: bước này là bước rất cần thiết để hoàn thành mô hình phân kỳ MACD-H, nếu thiếu nó, cục diện có thể sẽ diễn ra theo hướng khác. Bên cạnh đó, như tôi đã nói, thay vì FOMO hãy tiếp tục quan sát cho đến khi Histogram tiến dần về zero trở lại. Khi đó, chúng ta bắt đầu chuẩn bị tiền, để sẵn sàng chia vốn vào lệnh, chỉ mới chuẩn bị thôi nhé.
Bước 3: Quyết định vào lệnh mua
Bước này nói thì đơn giản, nhưng nó thực sự là “nghệ thuật” chứ không còn là “thủ thuật”. Nhưng căn bản thì nó như sau: khi anh em thấy Histogram âm trở lại nhưng không thể âm sâu hơn lần bán xuống trước đó. Mô hình phân kỳ đáy MACD-H hoàn chỉnh khi giá tạo đáy sâu hơn nhưng Histogram lại tạo đáy thứ hai cao hơn.
Lưu ý ở bước này: Hãy chia vốn vào lệnh ngay sau khi xác định được đáy histogram thứ hai cao hơn đáy histogram trước đó, cụ thể là ngay tại trụ histogram ngắn hơn có dấu hiệu hồi trở lại về mức zero. Tôi nhắc lại: ngay khi trụ histogram có dấu hiệu nhích lên từ sau đáy thứ hai.
Lý giải cho hiện tượng này: Anh em có thể hình dung đây như cơn giãy chết cuối cùng của gấu, nó không còn đủ lực để bán xuống nữa nên sự chênh lệch giữa MACD Line và Signal Line đã giảm hẳn so với lần bán xuống trước đó, bên cạnh đó, lực mua (bò) đang mạnh lên mà bằng chứng là nó đã tạo đỉnh histogram dương vừa mới đó, thế nên đây là thời điểm vàng để chia vốn vào lệnh trước khi bò hoàn toàn thắng thế và anh em kiếm lời.
Như vậy, bằng cách kiên nhẫn chờ đợi sự phân kỳ đáy MACD-H, anh em đã có thể mua được giá đáy 10k2xx, và rõ ràng tín hiệu này sớm hơn nhiều so với việc anh em chờ đợi MACD Line và Signal Line cắt nhau (bài trước) khi giá đã lên đến 10k4xx.
Những yếu tố ràng buộc cần thiết
Tôi nghĩ đến đây có thể anh em đã nắm được căn bản hiện tượng “bẻ gãy lưng gấu”, thế nhưng anh em đừng vội rời màn hình mà áp dụng ngay, tôi thấy cần thiết phải nhấn mạnh lại những yếu tố ràng buộc không thể thiếu để đảm bảo tín hiệu này sẽ đạt được độ chính xác cao nhất.
- Đòi hỏi một sự phục hồi rõ ràng: đó là bước thứ 2, nếu sự phục hồi này (dù chỉ tạm thời nhưng) không xuất hiện, có thể kịch bản sẽ rẽ sang một hướng khác, hay khả năng cao sẽ không xảy ra như anh em dự tính, giá sẽ giảm mạnh tiếp nữa chẳng hạn. Lý do là sự phục hồi này là bằng chứng cho thấy sự phản kháng của bò (lực mua) đã xuất hiện.
- Đòi hỏi một đáy histogram cao hơn và giá tương ứng thấp hơn: nếu đáy thứ hai mà không cao hơn đáy thứ nhất lại còn thấp hơn, bão mạnh đã tới, không thể đảm bảo vị trí anh em mua là đáy, vì gấu vẫn còn quá mạnh.
- Đòi hỏi sự kiên nhẫn: xin lỗi tôi không thể “dạy” anh em điều này, đây là kỷ luật cá nhân.
Sự thất bại trong mô hình phân kỳ đáy MACD-H
Sự thất bại này cũng không phải quá đáng sợ khiến anh em phải cắt lỗ, cái đáng sợ hơn là khi anh em “quá tự tin” mà thôi.
Diễn biến trên đã đáp ứng tất cả các yêu cần cần có để vào lệnh: giá tạo đáy sâu hơn và histogram đã tạo đáy cao hơn. Anh em có thể chia vốn vào lệnh nhưng giá không lên ngay, nó xuống một nhịp nữa trước khi lên vì lực bán vẫn chưa hết. Thay vì hoảng loạn cắt lỗ, kỷ luật trade có thể giúp anh em thoát ra hoặc mua được nhiều hơn để tối ưu lợi nhuận.
Thực ra trong ví dụ này, nếu anh quan sát và làm theo đúng tín hiệu thì có thể mua được giá vùng 9kxxx, ngay sau đó anh em vẫn có lời và thoát tốt ở vùng 9k4xx. Đó là lý do tôi luôn lưu ý trong tất cả các bài viết của mình, là anh em phải giữ kỷ luật trade trong việc DCA quản lý vốn và cắt lỗ. Ở trình độ cao hơn, anh em sẽ không còn quá phụ thuộc vào mô hình nhưng sẽ biết hành động theo tín hiệu.
“Bẻ gãy lưng bò”
Hẹn anh em ở phần tiếp theo của bài viết, tôi sẽ trình bày cho anh em thấy hiện tượng này xảy ra thế nào, những yếu tố cần thiết và một vài khái niệm mới gợi mở để anh em tìm tòi khám phá.
Có thể đọc xong bài này anh em đã đoán được thế nào là “bẻ gãy lưng bò”, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua phần tới của bài viết, vấn đề không luôn đơn giản như đa số chúng ta vẫn lầm tưởng.
like !
Bài viết rất hay, mong anh tiếp tục ra thêm nhiều bài viết nữa cho anh em trader có điều kiện giao lưu học hỏi.
Rất hay, thanks những chia sẻ tâm huyết của anh
bác cho xin links phần 1 và 2
Có trong serie mà bác!
xin cảm ơn tác giả
Chào bác tùng
Vd trong các serie macdaps dụng vào tt forex họp lý ko
Chào bác tùng
Vd trong các serie macdaps dụng vào tt forex họp lý ko?
Chào sơn, mình chưa quen với biến động của forex, cá nhân mình còn ít kinh nghiệm trong thị trường tài chính. Nên không dám ví dụ. Hiểu tới đâu thì nói tới đó thôi.