MACD-H – Giá lên hay xuống? (Phần 2)

(Nhân dịp 8 tháng 3, tôi xin gửi lời chúc về tài năng và sắc đẹp cho các chị em trader toàn thị trường)

Một số anh em không thích sử dụng MACD-H vì cho rằng đây là Indicator không có tính chất dự báo do nó đem lại tín hiệu trễ, chỉ có thể sử dụng để xác nhận một “chuyện đã rồi”. Thực ra hiểu vậy hơi tiêu cực, MACD-H rất lợi hại. Tôi sẽ chứng minh cho anh em thấy tôi đã kiếm lời và tránh bão bằng MACD-H như thế nào trong những bài sắp đến.

Tiếp tục phần 1 của serie về MACD-H, phần 2 này tôi sẽ đề cập đến những nguyên tắc căn bản với MACD-H để anh em sống sót trong thị trường. Như tôi có nói, anh em nào đọc phần 1 mà không hiểu lắm thì hơi thiệt thòi, nhưng đọc tiếp phần 2 vẫn có thể áp dụng được. Kiểu như tôi chẳng cần biết bên trong smartphone là gì, nhưng tôi sử dụng nó hằng ngày rất hữu ích.

Trong bài này và những bài tiếp đến, tôi liên tục sử dụng MACD-H 2 Line với thông số 12,26,9 như thông số mặc định để anh em thực chiến. (để phân biệt nó với những MACD loại khác ở kiến thức nâng cao hơn)

Những nguyên tắc căn bản với MACD-H để sống sót

Trọng tâm của serie này là trả lời câu hỏi “Giá lên hay xuống?”. Với tất cả các chỉ báo của thị trường này, anh em không thể trả lời câu hỏi này được khi thị trường không cung cấp cho anh em sự gợi mở mới về giá. Nghĩa là chúng ta không thể hoàn toàn “biết trước” tương lai mà lại không có chút gợi mở nào thêm ở hiện tại. Cái vấn đề của chúng ta là, làm thế nào để khi sự gợi mở mà thị trường đem lại chỉ mới chớm xuất hiện, chúng ta đã có thể dựa ngay vào đó mà biết trước sớm. Biết trước càng sớm càng tốt. Những nguyên tắc mà tôi sắp trình bày với MACD-H sẽ được sắp xếp theo trình tự đó – trình tự “biết càng sớm càng tốt”. (Và cũng đừng quên đọc những lưu ý ở cuối cùng)

Sự xác nhận đảm bảo của MACD Line

Vì là hiệu số của EMA12 và EMA26 nên MACD Line mang ý nghĩa thể hiện sự chênh lệch giữa hai mức giá trung bình. EMA12 là đường trung bình phản ứng nhanh với giá hiện tại. EMA26 là đường trung bình phản ứng chậm với giá hiện tại. Khi EMA12 cắt EMA26 theo hướng từ dưới lên, điều đó chứng tỏ những biến động giá hiện tại đang khiến cho mức trung bình giá của 12 chu kỳ đang vượt hơn cả mức trung bình giá cùa 26 chu kỳ. Thế nên, giá sẽ đi lên. Khi đó, hiệu số của EMA12 – EMA26 sẽ là một kết quả lớn hơn zero. Anh em sẽ thấy MACD Line trỗi dậy từ vùng âm cắt mức zero để vươn lên vùng dương.

MACD Line xác nhận giá sẽ đi lên khi cắt mức zero từ dưới lên

Anh em có thể chia vốn vào lệnh khi thấy tín hiệu này. Tuy nhiên, anh em sẽ nhận thấy điểm yếu của nó. MACD Line chỉ xác nhận được khi giá đã đi một đoạn đáng kể từ đáy 9k4 đến 10k4 nó mới xác nhận xu hướng giá lên. Giả sử chỗ này anh em có chia vốn vào lệnh thì lý tưởng lắm sẽ bán được ở 11k hoặc 11k6, vậy chúng ta bỏ một khúc từ đáy 9k4 mất rồi.

Tương tự thế, với tín hiệu xác nhận giá vào xu hướng xuống, khi MACD Line cắt đường zero theo hướng từ trên xuống (đang dương thành âm), nó sẽ xác nhận xu hướng xuống của giá trong khung giờ tương ứng. Điều đó có nghĩa, mức trung bình giá của 12 chu kỳ (EMA12) đang thấp hơn cả mức trung bình giá của 26 chu kỳ (EMA26).

MACD Line xác nhận xu hướng giá giảm khi cắt mức zero từ trên xuống

Đồ thị này là diễn biến gần đây với sự kiện sàn Binance bị hack (chẳng biết có thật không), nhưng nếu anh em biết chút ít kỹ thuật thì có lẽ sẽ không đu đỉnh mà nhìn giá về 9k4, anh em sẽ cắt/chốt sớm ở khoảng 10k8. Hoặc ít nhất, anh em cũng biết, đây không phải lúc để vào lệnh (Long).

Bây giờ gộp 2 cái đồ thị lại, giả sử anh em chỉ sử dụng MACD Line để tìm điểm ra điểm vào, anh em sẽ vào lệnh lúc 10k4 và sẽ chốt lúc 10k8, trong khi đó giá đi từ đáy 9k4 đến đỉnh 11k6. Anh em vẫn lãi nhưng lại không tối ưu hóa được lợi nhuận. Chính sự chậm trễ này trở thành điểm yếu của MACD Line. Vậy, nó vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “biết càng sớm càng tốt” như tôi nói ở đầu bài. Có cách nào để biết sớm hơn chút nữa không. Trả lời: CÓ. Đó là dựa vào đường Signal line.

Signal Line – Tín hiệu sớm hơn để vào lệnh

Không phải dĩ nhiên mà người ta đặt tên Signal Line với ý nghĩa nó là “đường tín hiệu”. Như phần trước tôi có nói, một trong những bài mà trader hay dùng là so sánh chỉ số với mức trung bình của chính nó. Lý do là nếu làm như thế nó sẽ cho biết tín hiệu sớm hơn. Mà Signal Line chính là ví dụ điển hình. Signal Line là đường trung bình EMA9 của MACD Line. Sự giao cắt giữa hai đường nay mang nhiều ý nghĩa quyết định ra/vào lệnh cho trader. Cụ thể như sau.

Anh em chia vốn vào lệnh khi MACD Line cắt Signal Line từ dưới lên

Ý nghĩa đằng sau sự kiện này như sau: Signal Line vì là trung bình của MACD Line, nên nó phải ứng chậm hơn. Một khi MACD Line cắt Signal line từ dưới lên, nó chứng minh rằng EMA12 và EMA26 đang co cụm lại và mức giá trung bình EMA12 đã (dần dần) thắng hơn EMA26, vậy khả năng cao giá sẽ lên tiếp. Rõ ràng, mua chỗ này sớm hơn rất nhiều nếu chỉ dựa vào tín hiệu của riêng MACD Line. Tương tự, khi dự báo xuống:

Anh em bán khi MACD Line cắt Signal Line từ trên xuống

Hiện tượng này cũng được giải thích tương tự như trên nhưng ngược lại. Có một vấn đề anh em cần lưu ý. Anh em cần kiên nhẫn để sự giao cắt này diễn ra một cách rõ ràng. Vì rất nhiều khi, MACD Line và Signal Line chỉ chập nhẹ vào nhau rồi quyện lấy nhau chứ không cắt thật sự. Một khi tín hiệu không rõ ràng mà anh em hành động sẽ khiến mình chốt non hoặc đôi khi phải cắt lỗ. Bằng chứng ở hai ví dụ trên, khu vực ở giữa hai điểm vào/ra lệnh, MACD Line và Signal Line chồng chập nhau thách thức tâm lý trader. Có đoạn nó đã cắt thật như sau đó cắt lại ngay. Việc giữ lệnh trong giai đoạn như thế đòi hỏi những kỹ năng cao hơn với sự kết hợp của nhiều indicator khác (như RSI chẳng hạn….) mà tôi không muốn bàn xa hơn ở bài này. Tuy nhiên, với sự áp dụng ví dụ trong bài này, anh em chỉ có thể chốt non chứ không có lỗ. Hơn nữa, còn tránh được cơn bão xuống 9k4 (như lần vừa rồi vụ sàn Binance) từ rất sớm (tôi sử dụng khung H4 trong các ví dụ).

Những điều cần lưu ý

  • Tôi nghĩ mình nhắc lại cũng không thừa: không có một tín hiệu kỹ thuật nào đảm bảo 100% cả, anh em cần tuân thủ kỷ luật trade trong quản lý vốn và cắt lỗ. Giả sử MACD Line và Signal Line đã cắt lên, anh em vào lệnh mua, khi đã lời được một đoạn mà nó cắt xuống lại thì bán đi, đừng tham. Còn nếu mọi thứ không như dự tính, bão xảy ra bất ngờ thì hãy cắt sớm nhất có thể hoặc chuẩn bị vốn mà DCA. Sự dứt khoát luôn cần thiết trong thị trường này.
  • Anh em có thể áp dụng những nguyên tắc trên cho mọi khung giờ, nhưng vì độ chậm trễ của hệ thống MACD-H vẫn còn đó, nên việc áp dụng cho những khung giờ nhỏ khiến thách thức tâm lý trader hơn, cũng do đó mà tôi chỉ ví dụ cho bài này ở khung H4, nghĩa là sự xác nhận giá lên hay xuống có thể được đảm bảo trong 1-2 ngày.
  • Không bao giờ thừa nếu anh em có thể tham khảo thêm các indicator khác để tăng mức độ tin cậy khi vào lệnh.
  • MACD-H là một trong những cách cần phải tham khảo để xác định xu hướng của BTC, đặc biệt là những xu hướng lớn. Muốn xác định xu hướng, hãy xem MACD-H.

Tuyệt chiêu vào lệnh với tín hiệu phân kỳ của MACD-H

Như vậy, nếu áp dụng sự giao cắt giữa MACD Line và Signal Line, anh em đã biết được tín hiệu sớm hơn rất nhiều. Nhưng nó vẫn tồn tại điểm yếu ở chỗ, để có thể nhìn thấy sự giao cắt, giá cũng phải đi thêm một đoạn. Và anh em cần kiên nhẫn thêm một thời gian nữa để xác nhận hai đường này nó có cắt thật hay không. Trong thời gian đó, giá vẫn bỏ xa thêm một chút từ điểm mà đáng lẽ ra chúng ta nên vào lệnh.

Như tiêu chí ban đầu tôi đề ra, bằng mọi giá anh em phải biết được tín hiệu “càng sớm càng tốt”, vậy, có cách nào để khi MACD Line và Signal Line chưa cắt nhau, mà anh em vẫn có thể biết giá sẽ lên hay xuống không. Đáng mừng, câu trả lời là CÓ. Khi đó chúng ta sẽ bàn tới tín hiệu phân kỳ của hệ thống MACD Line, Signal Line và histogram. Một trong những “tuyệt chiêu” mà tôi thường xuyên sử dụng để kiếm lời.

Về tuyệt chiêu này, tôi lại hẹn anh em ở phần ba của bài viết.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
5 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
babyshark

Hello bác
Như trong chart của ZCL/BTC này MACD cắt single line nhưng khi đó giá còn đi xuống nữa

https://www.tradingview.com/chart/GBC7ewEz/

Vậy thông tin chưa chính xác ạ hay bị can thiệp bởi cá mập, thi trường ?

Đăng

Mình sử dụng MACD-H kết hợp RSI, ví dụ trong cặp ADA/ETH, mình mua khi đường MACD cắt lên Signal 1 đoạn khá rõ ràng
https://www.coinigy.com/s/i/5aa6acda379f2/
Vậy nếu mình đặt stop loss trước , mình dựa vào cái gì để đặt stop loss (vì mình ko có nhiều thời gian vào quan sát chart thường xuyên để biết khi nào signal và MACD giao cắt nhau để SL hay TP)

Bao

Thanks for your blog !

Thắng Nguyễn

Cảm ơn bài của bác rất hay, tôi sẽ tìm đọc đầy đủ.