Kỹ năng Zoom đồ thị để tìm điểm vào đẹp

Tôi viết bài này để chia sẻ về một kỹ năng rất căn bản, đó là zoom chart để tìm điểm vào đẹp. Zoom chart ở đây là cách diễn đạt của tôi hàm ý: chúng ta nên xem bên trong những cây nến khung giờ lớn (W1, D1, H4) đang diễn biến thế nào (H3, H2, H1, 30m…) để tìm điểm vào lệnh.

Một trong những lý do mà anh em newbie hay thua, đó là vội vàng khi vào lệnh. Anh em vội vàng vì sợ vụt mất cơ hội. Nhưng đến khi vào lệnh rồi thì giá lại không diễn biến như mong đợi và anh em lại “phải chi hồi nãy”. Tôi nghĩ vấn đề ở đây có hai trường hợp. Trường hợp một là anh em phân tích sai nên thất bại. Trường hợp hai là anh em nhận định đúng nhưng vì vị thế không đẹp nên những dao động giá sau đó làm anh em thấp thỏm đứng ngồi không yên. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình đối với trường hợp hai. Đó là một kỹ năng rất đơn giản: quan sát chart theo khung thời gian từ lớn đến nhỏ.

Nên trade theo khung thời gian nào?

Đừng hỏi như vậy. Lý do là anh em nào hỏi như vậy là tự đóng khung mình một cách máy móc, khiến cho việc trade của anh em trở nên kém hiệu quả. Tôi biết người ta phân loại các loại trader theo thời gian (kiểu như trade giữ lệnh qua ngày, giữ lệnh trong ngày…) nhưng cá nhân tôi thì nghĩ: cứ cố giữ lệnh cho đến khi thấy tín hiệu không ổn (thực ra tôi vẫn đang luyện tập điều này, điểm yếu của tôi là vẫn hay chốt non).

Không quan trọng là khung thời gian nào, quan trọng là tín hiệu xuất hiện khi nào và nó có thể đem lại sự đảm bảo xu hướng đó sẽ tiếp diễn trong bao lâu. Thế nên, có thể tôi hay để chart H1, 30m trước mắt nhưng khi quan sát vào lệnh, tôi xem tất cả các chart từ W1 đến 15m, thậm chí 3m. Giống như một người đang cố quan sát một cách tổng quát cho đến chi tiết.

“Nhịp điệu” của thị trường.

Đây là một khái niệm khó diễn đạt. Tôi cũng không đủ chuyên môn đề tìm đúng thuật ngữ cho nó. Nhưng đại ý là thế này. Không phải tất cả khung giờ được đặt sẵn (trên tradingview chẳng hạn) đều là một tiêu chuẩn cố định để làm căn bản tính toán các số liệu. Cũng không phải mọi khung giờ đều thể hiện chính xác những hiện tượng tâm lý đám đông để trader dễ dàng nhận ra. Chính vì thế, trader có trực giác tốt sẽ dò ra khung giờ nào “cộng hưởng” tốt với tâm lý toàn thị trường. “Cộng hưởng” ở đây có thể hiểu nôm na là những thời khắc quan trọng của giá rơi đúng (hoặc gần đúng) vào thời điểm chuyển nến. Từ đó, sẽ có lúc tôi liên tục theo dõi H3 (chứ không phải H4), lại có lúc tôi liên tục theo dõi H2 (thay vì H3)…tương tự như thế. Có những lúc tôi theo dõi thị trường ở 45m vì nhận thấy những hiện tượng kỹ thuật diễn ra rõ nét nhất. Cũng như thế, tôi áp dụng với những khung lớn hơn D3, D6, W2…miễn sao tôi dám chắc “nhịp điệu” của thị trường đang cộng hưởng với đúng khung giờ đó.

Một điều nữa, tính nhịp điệu này thay đổi liên tục theo thời gian.

Chớp lấy thời cơ

Thời điểm để anh em có được vị thế đẹp đôi khi nó không tồn tại lâu, mà nếu anh em có bắt gặp được giá tốt đó thì cũng chưa chắc anh em đã mua/bán được hết lượng mong muốn. Nhưng vấn đề nó bàn sau. Ở đây, tôi ví dụ một lần hiện tượng phân kỳ kép xảy ra trên cả khung giờ lớn cho đến khung giờ nhỏ.

Đây là hiện tượng phân kỳ đáy RSI xảy ra trong khung H4

Anh em tinh ý sẽ nhận ra phân kỳ đáy RSI H4, nhưng chưa biết có nên vào lệnh hay không? Hãy zoom cây H4 đó ra

Trong trường hợp này, anh em hãy cố soi trong cây H4 đó và quan sát cho đến khi nó kết thúc (cần thời gian quan sát) để tìm kiếm điểm đẹp mà vào. Anh em đừng vào vội. Đây là bên trong cây H4.

Trong khung giờ nhỏ hơn, tín hiệu phân kỳ đáy cũng xuất hiện

Như vậy, khi đó, từ khung giờ lớn đến khung giờ nhỏ, tín hiệu đảo chiều đã được xác nhận 2 lần. Rất đáng để chúng ta vào lệnh. Chính việc xem xét từ xa đến gần này, đảm bảo anh em có được giá đẹp.

Dĩ nhiên, ở đây tôi chỉ lấy phân kỳ ra làm ví dụ, còn anh em có thể tận dụng tất cả các hiện tượng mà mình học được để áp dụng. Miễn sao nó đồng thuận với nhau từ khung giờ lớn đến khung giờ nhỏ, như vậy tăng xác xuất thắng lệnh cao hơn.

(anh em chưa hiểu phân kỳ là cái gì có thể đọc lại serie về RSI của tôi)

Đừng vội vàng

Có đôi khi tín hiệu trong khung giờ lớn và khung giờ nhỏ ngược nhau, ví dụ như trong khung giờ lớn, tín hiệu đảo chiều đã xuất hiện, nhưng trong khung giờ nhỏ lại cảnh báo xu hướng hiện tại vẫn còn tiếp diễn. Khi đó, anh em đừng vội vàng. Đây là một ví dụ gần đây:

Trong khung D1 báo tín hiệu “bẻ gãy lưng gấu” dự báo sẽ tăng trong những ngày sắp tới.

Trong khung D1 này, tôi nhận thấy

  • Stoch RSI hướng lên mạnh mẽ
  • MACD-H đã ‘bẻ gãy lưng gấu’ (anh em nào chưa hiểu hãy đọc serie “MACD-H – Giá lên hay xuống“)
  • RSI hướng lên + Vol tăng tốt

Như vậy D1 khiến tôi gần như đảm bảo một tương lai tương sáng.

Nhưng, khi zoom cây D1 đó ra, anh em sẽ thấy: việc hành động vội vàng thường đem lại hậu quả không hay

Dù D1 rất tốt nhưng anh em đừng vội vàng, zoom D1 ra thì tín hiệu xấu lại xuất hiện nhiều

Như vậy, bên trong D1 hoàn toàn không có tín hiệu tốt, anh em nên chờ, sự chờ đợi này đem lại nhiều gợi mở mới giúp cho những lập luận sau đó trở nên vững chắc hơn. Chính vì tôi cũng quan sát được như vậy, thay vì vào lệnh Long (vì tưởng rằng D1 sẽ tăng) tôi đã quyết định vào lệnh short. Đây là kết quả của những ngày sau đó.

D1 giá đi ngang rồi down, tuy nhiên không có nghĩa là nó sẽ không tăng trong những ngày tới. Nên Short chỗ này phải canh sát sao.

Như vậy, chính vì chúng ta chậm một chút, quan sát kỹ hơn một chút mà anh em sẽ tránh được đu đỉnh, FOMO…

Đây là một kỹ năng vô cùng đơn giản, anh em nên tập thói quen quan sát thường xuyên các khung giờ từ lớn đến nhỏ để có được tầm nhìn tốt nhất cho quyết định của mình.

Ngày xưa đi học, tôi thường ngồi cuối lớp, đó là lý do tôi không chỉ nhìn thấy cô giáo, mà còn nhìn thấy tất cả những đứa bạn khác đang làm gì trước mặt tôi. Hãy cố gắng nhìn những diễn biến của thị trường bằng con mắt như thế.

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
4 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
__VitoCorleone__

Cám ơn bác nhiều ạ

Tuân Nguyễn

Rất hay và thực tế, cảm ơn bác nhiều, hi vọng có thêm nhiều bài viết chia sẻ cho anh em.

Dan Digital

thanks ad

doanhdoanh

thanks nobi! rất hay