Cá nhân tôi rất mong muốn thị trường tăng trưởng trở lại và nhanh chóng. Tuy nhiên cũng cần phải loại bỏ yếu tố mong muốn (cảm xúc) ra khỏi những phân tích (lý trí) để đảm bảo nhìn nhận được khách quan. Tôi liệt kê ra đây những kịch bản cho sự gia tăng vốn hóa mà tôi nghĩ có thể sẽ xảy ra.
Cần những yếu tố gì để thị trường tăng trưởng trở lại? Chúng ta không thể cứ mãi “khấn” mà thị trường tăng trưởng trở lại được. Muốn quay về bờ tôi nghĩ ít nhất cũng cần có những yếu tố sau:
1.Cần có “người chơi” mới
2.Cần thời gian để giá vượt qua những mức cản phía trước
Yếu tố thứ nhất đại diện cho động lực thúc đẩy các mức giá (không gian), yếu tố thứ hai đại diện động lực duy trì sự tăng trưởng cứ tiếp tục (thời gian).
Vài nhận định về đợt tăng giá vừa qua:
Những ngày qua chúng ta thấy rất nhiều nổ lực nhằm tạo nên hành lang về cả pháp lý vẫn niềm tin để dọn dẹp thông thoáng cho dòng tiền tươi chảy vào thị trường vốn đang ảm đạm. Nhưng có vẻ không mấy khả quan, trừ ra chỉ là tạo tâm lý FOMO cục bộ và đợi chờ rồi thất vọng.
Thường thường, market cap của thị trường tăng vì hai lý do: thứ nhất là do giá tăng, nghĩa là chỉ đơn thuần là hoạt động làm giá, hoặc một thời điểm nào đó dòng vốn bên trong thị trường bị đổ dồn về một phía do tin tức đẩy giá một đồng coin tăng cao. Theo đó, đem nhân giá đồng coin đó với Circulating Supply trong thời điểm đó vô tình tạo nên một kết quả bị thổi phồng, rồi lại được cộng dồn vào coin market cap. Nên chúng ta tưởng như là vốn hóa tăng nhưng thực ra đó là chỉ hệ quả ảnh hưởng của những vận động dòng tiền nội tại. Đơn cử trường hợp BCH (bitcoin cash) vừa qua. Đến ngày 5 tháng 11, BCH chiếm phần lớn khối lượng giao dịch toàn thị trường, giá BCH tăng hơn 20% làm vốn hóa toàn thị trường tăng nhẹ nhưng tôi nghĩ đây là chỉ hoạt động đổ dồn dòng vốn, còn khối lượng tiền thực sự đổ vào từ bên ngoài hoàn toàn không nhiều.
Một ví dụ nữa là việc gia tăng vốn hóa của altcoin gần đây. Cá nhân tôi giải thích thế này. Bitcoin đi ngang quá lâu với biên độ hẹp, khiến nhiều nhà đầu cơ tìm kiếm cơ hội bằng cách đổ dồn sang altcoin để trade các cặp alt/btc. Thông thường năm trước, hoạt động này diễn ra rất mạnh mẽ nhưng có vẻ lần này tôi nhận thấy không rõ nét lắm. Rất ít người ăn được, trong hơn 2000 coin thì dù có 100 coin tăng đi nữa cũng là quá ít và khó dò ra được, tỉ lệ rủi ro cao, trừ khi bạn gia nhập một kênh làm giá nào đó (rủi ro vẫn cao).
Ở lý do thứ nhất nêu trên, việc gia tăng vốn hóa kiểu thế sẽ nhanh chóng kết thúc và sau đó vốn hóa sẽ còn thấp hơn trước đó. Vì làm gì có tiền tươi nên chỉ là gia tăng cục bộ để xả lên những ai fomo qua hoạt động làm giá các cặp trade thanh khoản thấp, hoặc để bán tháo một đồng coin mới được forked ra từ chính BCH (nếu forked thành công). Nghĩ cho kĩ thì khá đáng lo trong bối cảnh thị trường thế này. Dầu vậy, cũng không thể phủ nhận những gia tăng này tạm gây nên một sự lạc quan nhất thời ảnh hưởng đến nhiều alt tăng theo usd.
Vậy có cách nào khác để vốn hóa gia tăng?
Lý do thứ hai đảm bảo hơn để vốn hóa được gia tăng dài hạn, đó là nhà đầu tư mới tự tin và dễ dàng đổ tiền vào thông qua một cách thức hoàn toàn mới không như hồi nào tới giờ. Vì sao phải là cách thức mới? Vì cách thức cũ đã tự chứng minh nó không còn hiệu quả nữa.
Tôi sẽ cho bạn thấy phương cách cũ được thực hiện thế nào.
Bắt đầu với MLM, truyền thông –> những lợi nhuận hấp dẫn ban đầu thấy được –> cộng hưởng với những tin kiểu như: forked, lên sàn, cải tiến công nghệ, đạt roadmap, những dự đoán “trên trời” của các nhân vật nổi tiếng –> tài phiệt làm giá –> giá cứ thế lên đỉnh.
Chúng ta là những người trong cuộc, đã quá thuộc bài rồi, cũng đã quá đủ đau đớn vì cắt lỗ rồi nên những “chiêu trò” cũ rít cũ rơ của thị trường không xi nhê gì nữa cả. Ngay cả việc dòng vốn chảy thế nào, từ Bitcoin sang altcoin từ altcoin về lại bitcoin rồi chốt lời từ bitcoin ra usd…Và không lẽ thị trường lặp lại y chang một kịch bản như vậy, điều này rất khó. Cá mập sẽ đói mất nếu ai cũng biết đường đi nước bước của thị trường. Do đó, con bò không thể sống nếu nó cứ nhai lại mớ thức ăn đã nuốt vào rồi ợ ra, nó cần cỏ mới.
Chúng ta cần một phương cách mới cho dòng vốn đổ vào. Và phương cách này phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
1.Thuyết phục được những ai đang đứng ngoài về tiềm năng ứng dụng của tiền điện tử.
2.Thuyết phục được những ai đang ứng ngoài về cơ hội đầu tư từ tiền điện tử.
Tôi tách rời hai yếu tố tiềm năng và cơ hội đầu tư vì không phải lúc nào chúng cũng tương hổ. Kiểu như ETH ai cũng bảo tiềm năng nhưng nó vẫn chia tới gần 10 lần. Nếu bạn là người trong cộng đồng bạn sẽ chịu cái thiên kiến định hướng chủ quan từ cộng đồng. Nhưng nếu bạn đọc những bài viết về tiền điện tử trên các báo lớn như zing, kenh14, dantri, vnexpress, hay cả trên vtv…những bình luận và phản hồi đều theo kiểu “lừa đảo”, “đáng đời”, “cờ bạc”, “đa cấp”…Nghĩa là có một đám đông gấp rất nhiều lần cộng đồng chúng ta không hề sẵn sàng để đổ tiền vào tí nào cả. Chưa kể có một phần đông cộng đồng chúng ta chỉ mong quay về bờ, nghĩa là chỉ mong “được trả lại tiền” rồi tính sau. Thậm chí ETF có được thông qua đi nữa thì cũng không có nghĩa giá sẽ trở về đỉnh rất nhanh chóng, tôi nghĩ vậy.
Cuộc chơi chưa tàn, tôi vẫn tin thế, tôi vẫn còn tiền trong thị trường nhưng kì vọng của tôi giới hạn hơn. Nên có lời khuyên, tôi nghĩ nếu bạn lãi được 10%-15% tài khoản thời điểm này hãy chốt lời là hơn, hoặc ít ra cũng chốt 1/2, đừng ngâm lệnh.
Đối với kịch bản này, thời gian là điều tất yếu, sẽ tính bằng nhiều năm để “giáo dục” những người bên ngoài thị trường, để những start-up về blockchain bắt đầu chứng minh được sự thành công về mặt thực tiễn, để truyền thông trở nên tích cực hơn theo đúng nghĩa cần phải có.
Vậy, có kịch bản nào tăng giá mà không cần nhiều người chơi mới?
Kịch bản này tôi nghĩ ít khả năng xảy ra hơn, đó là kịch bản thao túng. Khi đó chúng ta sẽ hiểu thị trường chỉ như một nồi cơm của một số cá nhân tầm cỡ nào đó. Vì còn ngon ăn nên chưa đập.
Về cơ chế thao túng thì giống như câu chuyện này. Cây cầu tại St. Peterburg của nước Nga không hề hấn gì khi một đoàn xe tăng chạy ngang qua. Nhưng đến khi đoàn quân hành quân theo nhịp đếm “một, hai, một hai…” trên cây cầu thì nó sập ngay sau đó. Lý do là vì tần số dao động của cây cầu vô tình trùng khớp với tần số dao động (nhịp) của bước chân toàn quân đoàn. Đó là bài toán “cộng hưởng” lực. Từ đó, bài toán của tài phiệt cũng thế thôi: đó là quy luật tâm lý. Làm thế nào để tác động ít nguồn lực nhất mà gây ra hiệu quả lớn nhất đến toàn thị trường.
Nhiều người hay nghĩ: muốn đẩy giá BTC chắc cá mập phải chấp nhận mua lỗ chỗ đã bán xuống cho đến khi nào thấy tăng (hoặc ngược lại), nghĩ như vậy là ngược với tư duy cơ bản của kinh doanh: chi phí phải thấp nhất mà hiệu quả phải cao nhất. Nên mánh khóe ở đây là, bơm thử (hoặc xả thử) trước để test trend, sau đó bơm tiền (hoặc rút tiền) và đúng thời điểm để cộng hưởng với tâm lý lạc quan (hoặc bi quan) của đám đông vừa mới chớm, nghĩa là vẫn phải theo trend. Thổi bùng một thị trường hoặc đánh sập một thị trường, tài phiệt đều sử dụng cái bài căn bản đó.
Nếu như kịch bản thao túng lặp lại kiểu như thế thì chẳng qua chúng ta cũng như lũ gà chuẩn bị lên thớt tiếp. Tôi lại nghĩ nó khó xảy ra là vì chúng ta ốm o gầy mòn hết cả rồi, còn gì đâu mà thịt. Nên nếu có tăng thì rất khó để bức phá những kỷ lục giá quá khứ.
Riêng trong tình hình hiện tại, tôi chỉ vào tiền khi giá BTC giao dịch và giữ được mức trên BB giữa của nến tuần (khoảng 6k7-6k8), nghĩa là số đông chấp nhận một mức giá vượt hơn trung bình của rất nhiều tuần trước đó, thì mới chia vốn vào lệnh dần.
Bài này chỉ là những suy tư cá nhân nên vẫn là ý kiến chủ quan của tôi, bạn hãy góp ý bằng comment xem sao.
Cập nhật 19.11.2018
Tôi nghĩ chắc cũng nên cập nhật tình hình cho anh em nào theo dõi bài này. Bitcoin đã không đạt đến mức giá mà tôi muốn mua. Dầu vậy, Bitcoin cũng đi theo kì vọng của tôi dự đoán cách đây hơn 1 tháng tại status này.
Nếu quá khứ lặp lại đúng như vậy, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ khá lâu. Tuy nhiên tôi không quá lo lắng, thị trường có sóng là có thể “sống” được.
Nhân đây, tôi cũng xin mạo muội đưa ra những đường giá xa hơn, nhưng chắc nếu có đúng chỉ là may rủi :))
Chờ xem sao nhé!