Không có gì mới dưới mặt trời – Nobi học Ichi (Phần 1)

Ichimoku quả là một hệ thống phức tạp (tôi từng biết) mà càng nghiên cứu sâu tôi càng khâm phục tư duy của người Nhật – cụ thể là nể phục tài năng cụ Goichi Hosoda. Cá nhân tôi cũng tốt nghiệp cử nhân tiếng Nhật đại học Sư Phạm, nên tiếng Nhật và văn hóa Nhật cũng biết chút ít. Tôi xem serie này như là những ghi chú của cá nhân để chép lại các suy nghĩ và giải thích chủ quan của mình về hệ thống đặc biệt này. Tôi không cố ý (cũng không đủ khả năng) sắp xếp một cách bài bản, chỉ ngẫu hứng ghi lại những cái mình tâm đắc mà thôi. Thế nên, tôi cũng chưa có nhiều ví dụ để đưa vào cho cụ thể và trực quan, hy vọng theo thời gian, tôi sẽ có được những ví dụ thực tế, hay ho và hữu ích hơn cho anh em tham khảo (chỉ cần anh em tiếp tục theo dõi cái blog nhỏ bé này của tôi).

Trước mắt, đừng hiểu lầm cái đã..

Thực ra, anh em đừng hiểu lầm là tôi vừa tìm ra công thức nào đó để trade thắng luôn luôn, nếu anh em đọc serie này vì muốn kiếm một tri thức mới trong cách áp dụng ichimoku nhằm đánh bại thị trường thì thôi đừng đọc nữa, mất thời gian. Nhưng nếu anh em đã tìm hiểu nhiều tài liệu, mà vẫn không hiểu bản chất của ichimoku, thì thử đọc qua serie này và lắng nghe cách mà tôi lý giải xem sao, dĩ nhiên tôi chẳng dám khẳng định mình đúng, nhưng ít ra những lý giải này cũng đã giúp tôi kiếm lời, và cảm thấy “dễ chịu” hơn một chút khi không phải gượng ép áp dụng một cách máy móc những kiểu như là “nếu … thì ..” đầy rẫy trên các bài hướng dẫn khắp internet mà vẫn không tự trả lời được vì sao.

Phát biểu hai nền tảng căn bản tạo nên hệ thống

Trước mắt là hai, giả sử sau này mà tôi thấy mình đã thiếu điều gì đó, chắc chắn tôi sẽ bổ sung. Nghe hơi thiếu chuyên nghiệp nhưng tôi cũng chẳng phải chuyên nghiệp gì, chỉ trào ra những điều này qua chiêm nghiệm và áp dụng của bản thân.

Tôi cho rằng, hai nền tảng sau chính là bộ khung để xây dựng nên hệ thống ichimoku.

Triết lý về tính “trung bình” hoàn toàn khác biệt

Nobi là cậu bé hậu đậu, giờ lại đi học ichi, tôi nghĩ ít nhiều trong các suy tư này cũng sẽ có phần “hậu đậu” đâu đó, mong được anh em comment góp ý, phản biện.

Sau một thời gian quan sát cách mà hệ thống này hoạt động, cũng như đã hơn một năm kinh nghiệm sử dụng qua nhiều chỉ báo kĩ thuật (mà chủ yếu bắt nguồn từ phương Tây), tôi thấy hệ thống ichimoku áp dụng triết lý “trung bình” rất khác so với những indicators mà chúng ta hay sử dụng như MACD-H, RSI, ADX, EMA …

Để giải thích của mình dễ hiểu, tôi muốn so sánh về triết lý y học của phương Tây và phương Đông. Phương Tây chữa bệnh bằng cách bệnh chỗ nào chữa chỗ đó, hiện tại hư chỗ nào phẫu thuật chỗ đó, nghĩa là về khía cạnh nào đó, họ coi từng bộ phận cơ thể như một phần riêng biệt có thể chữa trị độc lập. Nếu có vi trùng vi khuẩn gì gây bệnh thì họ tìm cho ra rồi dùng biện pháp cô lập nó, tiêu diệt nó. Liên hệ với trading, đó chính là lý do mà triết lý trading phương Tây rất coi trọng những biến động giá hiện tại, đến nỗi họ không chấp nhận chỉ sử dụng SMA (đường trung bình đơn giản) mà phải sử dụng EMA (đường trung bình hàm số mũ) để nhấn mạnh biến động giá ở hiện tại. Đó cũng là lý do mà họ coi trọng giá đóng cửa, coi trọng thời khắc quyết định cuối cùng của một phiên để lấy đó làm căn cứ cho ra đời rất nhiều indicators khác nhau, hơn là xem xét hết những mức giá khác đã xảy ra cũng ngay trong các phiên đó.

Còn phương Đông (mà anh em và tôi cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều) thì triết lý chữa bệnh lại khác, họ không cô lập cũng không quá xem trọng đến hiện tượng ngay hiện tại để đưa ra phương pháp chữa trị, họ lại đi tìm kiếm sự cân bằng âm dương trong cơ thể, rồi cao siêu hơn, họ tìm kiếm sự cân bằng giữa cơ thể hài hòa với vũ trụ. Nếu phương Tây tìm cách nào đó cho lòi ra con vi khuẩn, thì họ mặc kệ con vi khuẩn hiện tại đó mà đi tìm cách cho cơ thể điều hòa khí huyết, cân bằng tinh thần và thể chất một con người để hài hòa với thiên nhiên, rồi khẳng định khi nào đạt đến sự cân bằng đó con vi khuẩn tự khắc sẽ chết. Vậy đó, chỉ với triết lý đó mà thách thức cả bệnh ung thư, xem đó là hậu quả của sự mất cân bằng.

Thế nên, liên tưởng vào trading, ichimoku như một đại diện tiêu biểu để đối trọng với tất cả những indicators tây phương khác ở chỗ này. Ichimoku bỏ qua giá đóng cửa, nghĩa là bỏ qua thông tin quan trọng ở thời khắc cuối cùng của một phiên, mà chú trọng nhiều hơn đến biên độ tối đa và tối thiểu của phiên đó, nghĩa là họ bao quát hết cường độ của biến động giá. Nếu như có một hiện tượng giá nào đó xảy ra ở hiện tại, họ cũng không nôn nóng tìm cho ra nguyên nhân ngay thời khắc đó, mà chỉ cố so sánh nó với toàn bộ sự cân bằng ở một góc nhìn rộng hơn, rồi mới đưa ra quyết định.

Sự cân bằng đó của họ phức tạp lắm, không đơn giản như cách tính trung bình của tây phương. Phương tây quá quan tâm tới hiện tại vì cho rằng hiện tại mới là thời điểm để quyết định vào lệnh hay không, thì phương đông đề cao sức hút của tính quân bình như là quy luật bất biến của vạn vật. Phương Tây vì quá quan tâm thời điểm hiện tại nên hầu như họ bỏ qua những suy đoán về thời gian trong các chỉ báo, còn phương đông thì xem sự cân bằng không chỉ bao hàm cả về không gian (tức biến động giá theo chiều dọc đồ thị) mà còn bao hàm cả thời gian (tức khoảng cách giá theo chiều ngang đồ thị). Thế nên, tôi mới kết luận, triết lý về “trung bình” trong ichimoku hoàn toàn khác biệt, vô cùng khác biệt.

Anh em nghĩ con đường nào đúng đắn hơn? Một bên thực dụng, một bên tầm nhìn, một bên thức thời, một bên kiên nhẫn. Anh em đừng nghĩ tôi chủ tâm mô tả hơi tiêu cực về trading phương Tây là muốn hạ bệ họ, vì thực ra họ vẫn có rất nhiều traders thiên tài như Jessi, như Gann đấy thôi.  Xét cho cùng, lựa chọn con đường nào nó lại tùy vào chính bản thân, chính quan niệm sống và trải nghiệm của mỗi người. Tôi chẳng thiên vị đâu.

Trên đây là điều thứ nhất.

Ý niệm về “cơn tâm lý”

Còn đây là điều thứ hai.

Xin lỗi vì ngôn từ của tôi quá hạn hẹp nên không biết diễn đạt điều này thế nào. Tôi tạm gọi là “nó”. Nếu sự cân bằng nêu trên phức tạp ra sao thì “nó” phức tạp ngàn lần hơn. “Nó” chỉ có hai trạng thái tích cực và tiêu cực, “nó” không ngừng biến đổi khó lường, nhưng luôn theo quy luật.

  • “Nó” có tính lặp lại, nghĩa là “nó” đã từng thế nào trong quá khứ thì trong tương lai cũng sẽ xảy ra như thế.
  • “Nó” có tính mô típ, dù không phải lúc nào cũng tuyệt đối nhưng lại khá đa dạng, số lượng mô típ này có thể đếm được.
  • “Nó” có tính đồng dạng, nghĩa là “nó” đã xảy ra với quy mô nào thì cũng có thể xảy ra ở bất cứ quy mô nào khác lớn hơn hoặc nhỏ hơn như thế với cùng một mô típ.
  • “Nó” có tính đối xứng, nghĩa là “nó” đã tích cực với mức độ và duy trì ra sao thì cũng có thể xảy ra một cách trái ngược đầy tiêu cực với mức độ và sự duy trì tương xứng như thế.
  • “Nó” có tính vận động và biến đổi không ngừng tưởng chừng như bất quy tắc nhưng thực ra lại luôn theo quy luật.
  • “Nó” vô hình nhưng tác động thì hữu hình.
  • “Nó” tưởng như xa lạ nhưng lại ngay trong mỗi chúng ta, thất bại của chúng ta là không đồng điệu được với “nó” ở quy mô ngang bằng hoặc lớn hơn.

Tôi suy nghĩ mãi, nên tạm gọi “nó” là một “cơn tâm lý”, tôi sẽ dùng từ này rất nhiều cho những bài sắp tới trong serie này. Những phát biểu trên của tôi đều có ẩn ý trong đó, thậm chí tôi hình dung ra cả từng đồ thị một của giá mà tôi đã quan sát, nhưng tôi chưa dám khẳng định nên không mạnh dạn lắm để trình bày. Phần nào tôi thấy mình cũng có chút táo bạo khi đưa ra ý niệm này vì hoàn toàn là chủ quan của riêng rôi.

Ichimoku được manh nha thông qua công việc ghi giá gạo hằng ngày của cụ Goichi Hosoda. Lúc đó thị trường chứng khoán của Nhật còn chưa ra đời. Nên “nó” xuất hiện khi con người xuất hiện kia, chứ không phải khi thị trường chứng khoán xuất hiện. Có lẽ cụ Goichi Hosoda là một người hiếm hoi nhận ra “nó” và đưa cho chúng ta một bản đồ để hy vọng sẽ tìm thấy “nó” trong biến động giá của thị trường.

Dừng lại ở đây, tôi nhắc lại về hai nền tảng để xây dựng nên hệ thống, thứ nhất là quan niệm “trung bình” hoàn toàn khác biệt và thứ hai là “nó” – một cơn tâm lý.

Vài lời chuyển ý…

Tôi là người viết, dù cố gắng diễn đạt cũng không rõ anh em hiểu được tới đâu. Bài viết này nhằm bắt đầu để tôi tự tạo hứng thú cho mình viết tiếp, tôi vẫn chưa định nghĩa Ichimoku Kinko Hyo là cái gì, cấu tạo ra sao. Tôi thấy nhiều bài viết về công cụ này đi ngay vào định nghĩa mà không trình bày cái vấn đề bên trong trước nên từ đó gây chán nản cho người đọc và người học không biết học sao cho đúng.

Hẹn anh em ở bài sau, tôi không hứa khi nào, nhưng sẽ tiếp tục trình bày về ý nghĩa bên trong các đường kẻ và những “đám mây”, cũng như trả lời câu hỏi của một anh em cho rằng “chỉ báo kĩ thuật nào cũng chậm so với giá, nên trading chỉ may rủi mà thôi!”.

4.5 6 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
11 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Eric Lường

Hay anh ah, em đang nghiên cứu về cái công cụ này nhưng thực sự thì nó khá phức tạp, nhưng bài đánh cơ bản theo công cụ này thì dõi theo chard nó khá là nhiễu khi các tín hiệu báo thì giá dương như đã đi xong mất rồi đặc biệt là ở các khung giờ lớn. Em cũng đang cố gắng đào sâu vào bản chất bên trong củng từng bộ phận của ichi để liên hệ đến giá tương lai nhưng điều này thực sự là quá khó. Mong anh sớm ra các phần tiếp theo… Read more »

Phoenix1016

Chào anh
Mong được anh chỉ giáo ạ.

Phoenix1016

Các bài tiếp theo về Ichimoku anh viết tiếp chưa ạ ? Hình như mới đến bài số 2 thôi ạ?

AtoZstock

Bài viết của tác giả rất hay ! được học hỏi rất nhiều về Ichimoku, thanks !

Chân Quý

Tôi cũng đã đi tìm “nó”, biết nó ở quanh ta và ở ngay trong biểu đồ nhảy múa. Bạn không chỉ dạy Ichimoku mà bạn chỉ ra cái chân lý đã tạo ra phương tiện Ichimoku, như những điều mà Dịch học, Kybalion, Lão tử đã chỉ dẫn.
Chân thành cám ơn bạn.

Vuong

Cám ơn anh rất nhiều! Dân dã nhưng sâu sắc, anh đã khiến cho tôi hiểu và cảm được phần nào cái chỉ báo mà xưa nay tôi vốn bỏ qua vì cảm thấy phức tạp này!