Những lầm lẫn thông thường của người mới về thị trường Crypto

Đôi khi hiểu lầm lại là cần thiết để điều đúng khắc sâu hơn trong tâm trí ta. Có phải đài báo truyền hình truyền thông nhắc đến Bitcoin và tiền ảo quá nhiều khiến bạn tìm thấy blog của tôi không? Nếu bạn là người mới, thì những sự thu hút đó không mấy khó hiểu. Nhưng đừng dừng lại ở những hiểu biết nông cạn của truyền thông.

Tôi đã không còn tin tưởng ở truyền thông kể từ khi tham gia vào thị trường tài chính (mà tiêu biểu là Bitcoin). Truyền thông nếu không bị thao túng thì cũng chỉ là những tường thuật chậm trễ phản ứng của đám đông mà thôi. Truyền thông đa phần ít đem lại giá trị kiến thức chuyên môn mà chỉ a dua để đánh lừa quyết định của nhà đầu tư. bạn cần tìm đến những blog, những cá nhân, những kênh phân tích nhận định (khá hiếm hoi), để có được cái nhìn sâu sắc hơn.

Trong bài này, tôi chia sẻ những hiểu lầm của cá nhân tôi khi lần đầu bước chân vào thị trường Crypto, mà tôi nghĩ không chỉ người mới mà thôi, đôi khi ngay cả những người đã ở trong thị trường một thời gian vẫn chưa ngộ ra được.

Lầm lẫn về quy mô giữa “lớn” và “nhỏ”

Rất nhiều bài báo và dự đoán của nhiều nhân vật tầm cỡ khẳng định bitcoin là bong bóng tài chính, nhiều người còn nói “là bong bóng tài chính lớn nhất mọi thời đại”. Tôi cũng đồng ý rằng bitcoin tăng trưởng như một mô hình bong bóng thật! nhưng xét về quy mô thì tôi thấy nó không lớn lắm đâu. Có chăng chỉ là số lần tăng trưởng của bitcoin hơn hẳn tất cả những bong bóng tài chính khác trong lịch sử nhân loại – tăng gần 60 lần trong 3 năm. Còn nếu đem toàn bộ sự tăng trưởng nó quy ra USD thì nó chẳng bao nhiêu tiền cả, đó là chưa kể tôi còn ngỡ ngàng hơn khi biết vốn hóa thật sự lại ít hơn kết quả phép nhân đã nói rất nhiều ở bài viết “Bức tranh vốn hóa“. Để tôi lý giải rõ ràng hơn chút nữa về việc này.

Thứ nhất, tương tự như thị trường chứng khoán (nếu bạn xem bitcoin như một loại cổ phiếu). Vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp phản ánh giá của cổ phiếu doanh nghiệp đó, mà giá thì có thể thay đổi theo kì vọng của nhà đầu tư, nên con số này không phản ánh hoàn toàn giá trị thực của doanh nghiệp. Bitcoin cũng vậy, tính đến thời điểm viết bài này, đây là cuộc chơi của một cộng đồng “không hề đông” so với quy mô toàn thế giới, trong cộng đồng đó có một số ít người nắm giữ phần lớn số bitcoin, nên nó bị làm giá liên tục. Bitcoin là anh cả của thị trường còn bị làm giá tăng giảm cả ngàn đô trong vài giờ thì các altcoin khác cũng chẳng ngoại lệ. Điều đó khiến cho vốn hóa biến động theo hàng chục tỉ đô trong vài tiếng khá thường tình. Con số vốn hóa toàn thị trường crypto từ đó cũng bị thổi phồng vì lòng tham của đám đông. Thời điểm đỉnh cao của lòng tham gần đây nhất là tháng 12 năm 2017, vốn hóa toàn thị trường đạt đến 830 tỉ đô la, nhưng số tiền thật sự đang được luân chuyển bên trong thì thấp hơn rất nhiều.

Một ví dụ minh họa dễ thấy, là đồng BTG (tức bitcoin gold). Từ khi được forked ra từ BTC với tỉ lệ 1:1 (ai có 1 BTC thì được nhận thêm 1 BTG) nó có giá ngay ban đầu là 480$, circulating supply của nó sẽ là khoảng 17 triệu (vì cũng tương đương với BTC), nhân hai con số này lại với nhau chúng ta sẽ có kết quả vốn hóa của BTG lên đến hơn 8 tỉ đô. Thật là ảo diệu, ở đâu đương không hiện ra 8 tỉ đô, mà ngay lúc ban đầu forked có ai giao dịch hay mua bán gì đâu. Kinh ngạc hơn, thời điểm tôi viết bài này, BTG hiện có giá 26$ và vốn hóa chỉ gần 450 triệu đô!!!

Chưa hết, thứ hai, có một “mánh khóe” khiến cho cách tính vốn hóa vô tình bị lặp lại thêm một lần. Đó là cái khúc mắc đặc thù của thị trường crypto này khi người ta chấp nhận giao dịch các cặp alt/btc. Giả sử, tưởng tượng trong một một kịch bản dễ tính toán hơn, là khi mọi đồng coin đều có thể được giao dịch trực tiếp ra usd (fiat) và không có chuyện giao dịch các cặp alt/btc, thì có lẽ con số vốn hóa toàn thị trường không bị thổi phồng lên quá lớn. Nhưng vì chính sự xuất hiện của việc giao dịch các cặp alt/btc khiến cho việc tính toán giá trị vốn hóa vô tình bị lặp lại. Nghĩa là thế này, lần thứ nhất tôi bỏ usd ra mua BTC, như vậy tôi đã đem tiền của mình đóng góp vào vốn hóa thị trường. Rồi khi tôi tiếp tục dùng số BTC đó để mua altcoin nào đó, hành động này chỉ đơn giản là dùng cái này để đổi lấy cái kia và nó không hề mang ý nghĩa đóng góp thêm một đồng nào vào thị trường cả. Thế nhưng, khi tính toán, đồng altcoin mà tôi đã mua bằng BTC đó lại được quy ra usd tương đương với số satoshi tôi đã trả, để rồi lại cộng dồn nó vào chung với vốn hóa của BTC. Vậy có khác nào tính thêm một lần nữa số tiền mà tôi đã thực sự bỏ vào thị trường.

Chính hai lý do trên đây, mà tôi dám khẳng định, số tiền mặt thật sự bên trong thị trường crypto thấp hơn rất nhiều con số vốn hóa mà các trang web và báo đài cung cấp. Khi báo chí giật tít tiểu như “thị trường mất hơn 20 tỉ đô trong vài giờ” thì bạn cần hiểu nói vậy chỉ là cho “ngầu” nhằm “khè” những ai thiếu hiểu biết, chứ thực tế không phải đâu. Nếu bạn đã hiểu về những lập luận trên của tôi sẽ hình dung vấn đề này khác xa.

Nói đến đây, tôi lại nghĩ, thị trường vẫn còn rất non trẻ, đầy tiềm năng (dĩ nhiên cũng tương đương với rủi ro), cuộc chơi vẫn còn dài, cơ hội vẫn còn nhiều cho những ai đủ bản lĩnh và kiến thức.

Lầm lẫn giữa giá cả và giá trị

Hiện ngay khi tôi viết bài này, tổng số loại coin được khai báo trên coinmarketcap lên đến 1977 loại khác nhau, chưa kể đến rất nhiều altcoin trôi nổi khác chưa được liệt kê. Thực tế mà nói, không hề khó để tạo nên một altcoin bất kỳ, cái khó nhất là có cộng đồng nào chấp nhận nó không và đội ngũ phát triển có đủ tiềm lực duy trì hay không.

Khi thị trường bước vào mùa hưng phấn, liên tục các dự án altcoin mới ra đời, ngay đến cả white paper (sách trắng) còn có template (mẫu), chỉ cần một nhóm vài người bằng nhiều thông tin không cần xác thực cũng đủ tạo nên một đồng coin hào nhoáng trong mắt nhà đầu tư. Sau đó những đồng altcoin liên tục thi nhau list lên sàn giao dịch, giá thì bị thao túng không ngừng bằng trò pump & dump. Tôi nhớ cuối năm 2017, các altcoin chỉ cần đưa lên sàn và thổi giá, chắc chắn người được hưởng lợi nhiều nhất chính là đội ngũ phát triển và “cá mập” làm giá. Còn sau đó ra sao thì ra. Người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là những ai đến sau, chia vốn của mình vào nhiều dự án altcoin đến nỗi không quản lý hết, và cũng không kịp thoát trước khi nhận ra downtrend đã đến tự lúc nào.

Tôi cũng muốn đưa ra lời cảnh báo của cá nhân mình sự bùng nổ số lượng các đồng altcoin. Tôi đã theo dõi và thống kê số liệu các altcoin ra đời và chết đi trong khoảng dữ liệu của 06 năm. Tôi cho rằng, chính sự bùng nổ số lượng các altcoin đã góp phần không nhỏ và việc gia tăng vốn hóa.

Nhưng tôi cho rằng không có thứ gì cứ tăng mãi thế, như vậy là quá nóng, khác gì một mô hình bong bóng, đặc biệt trong tình hình miếng bánh vốn hóa toàn thị trường đã thu nhỏ lại rất đáng kể. Giờ đây (10/2018) tất cả các đồng coin như một đại gia đình đông con mà thiếu ăn. Sẽ nhiều đứa “chết đói”, đứa nào yếu nhất thì chết trước, đứa nào mạng lớn thì chết sau, đứa nào được “nâng đỡ” thì còn sống tiếp. Điều đó lại càng khiến cho câu hỏi “giá trị hay không giá trị” trở nên thật mập mờ, vì trên đời có thứ gì vừa rất nhiều và vừa rất quý đâu. Tôi đang e sợ một đợt khai tử hàng loạt số lượng các altcoin, không có nghĩa là sẽ chết hết toàn bộ nhưng tôi tin ít ra xu thế tương phản là cần thiết để đảm bảo cho quá trình tăng trưởng bền vững hơn. Nếu điều đó vẫn không xảy ra, nếu dự đoán của tôi sai, tôi và bạn cũng không mất gì. Nhưng tâm trạng dè chừng này tôi cho là cần thiết để bạn thu nhỏ quy mô và loại bỏ bớt những đồng coin không đáng trong rổ đầu tư của mình. Thực tế , một vài sự kiện tiêu biểu như nhiều sàn giao dịch quyết định delist hàng loạt các altcoin, hay danh sách các altcoin chết ngày càng tăng được đăng tải trên website https://deadcoins.com/, hay sự bỏ bê của đội ngũ phát triển không cập nhật gì mới trên github trong một thời gian dài…đó là dấu hiệu để đợt “thanh trừng” này lọc ra hết những dự án yếu kém, lừa đảo, bánh vẽ, để chào đón đợt tăng trưởng dài hơi hơn cho toàn bộ thị trường. Tôi dự đoán và cũng mong là như thế.

Mọi người hầu hết bị đánh lừa bởi chữ “tiềm năng”. Một đồng coin nào đó tăng giá không có nghĩa là nó “tiềm năng”. Tiềm năng chỉ thật sự được kiểm chứng khi nó phục vụ lợi ích cho con người và cung cấp giải pháp thiết thực để giải quyết nhanh và ổn thỏa một vấn đề nào đó. Hiện tại, tôi chưa thấy một sự chấp nhận chính thức nào trên quy mô lớn đối với crypto currency, trừ ra là bitcoin và một vài đồng coin nền tảng đang được tháo gỡ rào cản pháp lý, và được đội ngũ phát triển dồn tâm huyết về vấn đề công nghệ bên trong, nhằm đem được vào cuộc sống nhưng vẫn vô cùng hạn chế, chứ nói gì đến hàng ngàn altcoin khác.

Minh chứng như vàng, không thể nói vàng “tiềm năng” nữa mà giá trị ứng dụng cực kỳ quan trọng, nhưng bạn xem đồ thị của vàng đi, nó vẫn có thể giảm vài chục % là điều bình thường chứ có tăng mãi. Dầu thô cũng vậy. Cổ phiếu công nghệ Facebook cũng vậy. Không phải cái gì ai đó nói “tiềm năng” thì cứ phải tăng.

Dù sao đi nữa, tôi vẫn tin vào sự thay thế của tiền mã hóa trong tương lai, nhưng tôi biết sẽ không thể nào chỉ trong một hai năm tới ngay sau khi bạn đọc xong serie này. Sẽ cần lâu hơn thế.

Giá trị thì cần có thời gian để khẳng định, còn giá cả thì bị quyết định bởi tâm lý đám đông. Nếu bạn xác định mình là người đầu tư, nghĩa là mua một đồng coin nào đó là vì tin tưởng ở giải pháp nó đem lại sẽ hữu dụng trong tương lai, bạn cần kiên nhẫn, sự kiên nhẫn này sẽ tính bằng đơn vị năm. Còn nếu bạn xác định mình là một trader, tức một người đầu cơ, thì cần hiểu rõ bản chất tâm lý đám đông bên trong những biến động giá để tìm điểm mua và điểm bán.

Lầm lẫn giữa giữa “mắc” và “rẻ”

Lầm lẫn này vô cùng tai hại. “mắc” và “rẻ” trong thị trường crypto mang tính vô chừng, không có một giới hạn nào để gọi giá đó là “mắc” hay “rẻ” hết. Cũng như bạn cố gắng trả lời câu hỏi “đâu mới là giới hạn của lòng tham” và “đâu là tột cùng của nỗi sợ hãi”, hơn nữa cảm xúc con người cũng vô cùng khó đoán, tham thì không biết điểm dừng, còn sợ hãi thì sẵn sàng vứt bỏ. Thế nên, bài học đắt giá đầu tiên và hết sức cơ bản khi mua bán tiền mã hóa: đó là đừng bao giờ mua hoặc bán vì cảm thấy giá này là rẻ hay mắc. Tôi đưa ra đây vài ví dụ:

XRP đạt giá 1$ vào tháng 12 năm 2017, nó đã tăng hơn gấp 3 lần từ vùng giá 0.27$. Hầu hết đều nghĩ đây là mức giá quá cao, quá mắc để mua. Tôi cũng không dám mua ở mức giá này, thậm chí đến khi giá điều chỉnh về 0.5$ tôi vẫn chưa dám mua, vì nghĩ XRP đã đạt đỉnh của bong bóng (đó cũng là cái dở của tôi). Tôi nghĩ rằng bất cứ ai mua được ở 0.27$ cũng đã vội chốt lời hết ở vùng 1$.

Nhưng thực tế, kịch bản vượt xa sự tưởng tượng của mọi người.

Bạn thấy đó, 1$ nếu đem so với 0.27$ thì rõ ràng là quá mắc, nhưng so với 3$ thì nó vẫn là quá rẻ. Do đó, kinh nghiệm của tôi, chẳng bao giờ tôi mua hoặc bán dựa trên cảm tính giá đó là mắc hay rẻ cả. Ông bà ta có câu “dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người”, cũng như thế, tôi biết khi tôi lấy “thước đo” của chính mình để dự đoán “lòng tham” và “nỗi sợ hãi” thì tôi đã thất bại từ khi bắt đầu.

Tôi cho bạn thấy một ví dụ khác, khi thị trường trong chiều hướng xuống lâu dài, gần như hiếm ai chấp nhận mức giá mà bitcoin sẽ trở về. Nhiều nhà phân tích liên tục bị đánh gục khi đưa ra mức giá mà họ gọi là “đáy”, chỉ vài ngày sau nó liền trở thành “đỉnh”. Nói đến đây, làm tôi nhớ đến một câu nói khác của Newton, ông nói “Tôi có thể tính toán sự chuyển động của các vì sao, nhưng không thể đo lường được sự điên rồ của con người!”. Bitcoin Gold (BTG) là điển hình cho một sự điên rồ như thế. Bạn tôi đã chấp nhận mua BTG ở mức giá 40$ sau khi nó đã suy giảm trầm trọng đến 10 lần.

Sau đó vài tuần, bạn tôi đã chia hai lần số tiền đầu tư, lỗ đến 50% tài khoản.

Nhân đây, tôi cũng nói thêm. Thị trường tiền mã hóa còn rất sơ khai, nó thể hiện rõ nhất tâm lý đám đông theo cách cổ điển nhất, đối với một số traders kì cựu mà tôi theo dõi trên twitter, họ cho rằng thị trường tiền mã hóa là cơ hội kiếm lời hiếm có và tốt nhất trong lịch sử đầu tư của loài người. Tôi không chắc họ có thật sự thành công hay không. Nhưng xét trên phương diện trading, nếu bạn và tôi nắm bắt được tâm lý đó trong bất cứ giai đoạn nào, thì biến động mang tính “điên rồ” như thế lại chính là miếng lợi nhuận béo bở mà khó tìm thấy được ở những mảng kinh doanh nào khác hay những thị trường tài chính khác. Cho nên nếu cứ mãi nhấn mạnh chiều hướng tiêu cực thì cũng không sai, nhưng vì quy luật rủi ro nó tỉ lệ thuận với lợi nhuận, nên nói theo chiều hướng tích cực thì cũng rất đáng xem xét.

Trở lại với lầm lẫn giữa “mắc” và “rẻ”, tôi muốn nhắc lại, đừng bao giờ mua hoặc bán vì cảm thấy giá này là rẻ hay mắc. Và đừng quên hai ví dụ trên tôi vừa mới trình bày.

Tạm kết

Đây là những lầm lẫn cơ bản mà phần đông người mới hay mắc phải. Chúng ta vẫn còn rất nhiều điều để nói với nhau. Những điều tôi chia sẻ trên đây như là “máu” và “nước mắt” của rất nhiều mất mác của những ai đã trải qua. Mong rằng bạn sẽ bước tiếp mà không phạm sai lầm.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments