Bạn phải xác định cho mình cách đầu tư trong thị trường điền mã hóa ngay từ lúc bắt đầu. Tôi đã không lường tới điều này khi bỏ vốn của mình vào thị trường. Việc xác định một hướng đi vô cùng quan trọng, nó sẽ chỉ ra bạn mất bao nhiều thời gian để theo dõi và xử lý với thị trường. Nếu bạn là người mới, có lẽ sẽ khó hình dung ra, từ bài viết này tôi muốn đưa ra cho bạn một vài định hướng để bạn suy xét và lựa chọn một định hướng phù hợp với công việc và cuộc sống của chính mình.
Khi đưa ra một định hướng đầu tư liên quan đến tài chính, bạn cần hiểu những quy luật bất biến sau đây. Nó bất biến có nghĩa là bất kỳ thái độ hay suy nghĩ nào từ bạn chống lại những quy luật này đều có thể dẫn bạn đến thất bại. Nó bất biến cũng có nghĩa là bất kỳ lời quảng cảo có cánh nào hàm ý ngược lại với nó đều có khả năng cao là lừa đảo và chiếm đoạt tiền của bạn. Những quy luật này do chính tôi học hỏi và tự nghiệm ra sau hơn một năm từng trải với đủ cung bậc của thị trường (một năm vẫn là quá ít).
Và nếu như, khi đọc lướt qua những tiêu đề sau, mà bạn thấy quen quen hoặc quá quen, thì cũng xin đừng lướt vội, đôi khi nhìn chằm chằm vào chính mình trong gương bạn lại nhận ra một khuôn mặt lạ lạ, cũng vậy đó, suy nghĩ về một quy luật quen thuộc bằng một tư duy mới nó lại thành ra một điều mới.
Tôi đã luôn trade với một tâm thế được rằng buộc bởi những quy luật sau đây:
Quy luật số 1: Traders có lãi luôn luôn là số ít.
Bạn sẽ thấy mình đã đọc điều này ở đâu đó, thấy nó cũng bình thường, “biết rồi, khổ lắm”. Chính tôi cũng vậy thôi, nhưng khi bước vào thị trường tài chính, nhất là thị trường tài chính với mô hình bong bóng như Bitcoin, tôi mới thật sự “thấm” quy luật đó.
Có một sự thật có vẻ “khó hiểu” và phũ phàng thế này: Bitcoin đã tăng rất mạnh suốt những năm gần đây cho đến khi lập đỉnh cuối năm 2017. Nếu bạn biết về Bitcoin trước đó và bắt đầu đầu tư thì bạn cũng nhân số tài sản lên gấp 10 lần. Một bài toán tưởng chừng như đơn giản, cứ mua và để đó, khi nào x10 thì bán, nhưng chẳng có mấy ai giải được đâu. Tôi không quên hai cảm giác trái ngược nhau ở hai thời điểm đầu tư của mình hồi tháng 8 và tháng 9 năm 2017, hào hứng bao nhiêu thì cuối cùng lại hụt hẫng bấy nhiêu.
Chỉ có khoảng 10% là thật sự kiếm được tiền đáng với thời gian và công sức mình bỏ ra. Có thể bạn nói bạn cũng kiếm lời và thuộc vào 10% trong số đó, nhưng điều tôi nghi ngờ là giá trị của khoảng thời gian bạn tiêu tốn để có được số lời đó (sau nhiều lần lãi lỗ và mệt óc) thì liệu có đáng không nếu bạn dành cho công việc khác, nên như thế vẫn là lỗ. Con số 10% mà tôi dám khẳng định là đến từ rất nhiều những khảo sát do chính tôi thực hiện và quan sát được ở nhiều cộng đồng crypto trading trong và ngoài nước. Có những thời điểm tôi nhận thấy còn ít hơn như vậy nữa.
Thành công trong serie này mang ý nghĩa là “có lời”. Và phải là có lời xứng với công sức bỏ ra hoặc bạn chỉ bỏ ra rất ít thời gian để ra vào lệnh mà vẫn thu về phần trăm lợi nhuận đáng kể. Và nói đến đây, vấn đề của chúng ta trở nên phức tạp hơn, khi chúng ta đòi hỏi mình phải thuộc về số ít. Có quá nhiều yếu tố cần thiết phải hội tụ đủ để một phen đầu tư kết thúc tốt đẹp, ngặt nỗi tất cả những yếu tố đó lại không đủ chỗ cho một tâm trí hạn hẹp không chịu thay đổi chính mình. Và bạn có biết, tâm trí hạn hẹp theo lối tư duy sáo mòn là ai không? Chính là đám đông đó! Là 90% còn lại chỉ có thua và lỗ mà thôi. Và cũng đã từng là chính tôi nữa.
Cũng đã có lúc tôi nghĩ, đôi khi tôi thuộc về 10%, đôi khi lại thuộc về 90% kia nhưng thực ra lại là một hiểu lầm khác. Nếu bạn cảm thấy mình trong tình trạng đó thì để tôi xác định giúp bạn: bạn vẫn chưa chiến thắng đâu. Tôi đang muốn nói đến những nhà đầu tư mà đến khi tổng kết lại khối tài sản và chi phí dành cho thị trường, họ vẫn thấy hoàn toàn xứng đáng. Vì nếu lãi và lỗ là điều gì đó cứ lặp đi lặp lại trong những giao dịch của bạn, đến nỗi tự bạn không thể thực hiện sự lượng giá cách tổng quát tất cả những chi phí và vốn liếng của mình, thì nghĩa là bạn vẫn lỗ. Đó là điều rất nhiều người bị đánh lừa, cứ cố gắng ở lại thị trường và phung phí thời gian cho rất nhiều giao dịch. Đến một lúc nào đó, biến động quá mạnh xảy ra, một lần lỗ sẽ gấp nhiều lần lãi, họ nhận ra mình đã tư duy hoàn toàn sai lầm. Mong sao, bạn đừng như vậy.
Được rồi! Bạn đã hiểu ý của tôi: “Thành công không bao giờ dành cho số đông”, vậy bạn sẽ nghĩ mình cần nổ lực trao dồi những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao và đến cả chuyên sâu để mình luôn được nằm trong số ít, suy nghĩ vậy là đúng. Nhưng lại có nguy cơ khiến bạn vấp phải sai lầm ở quy luật số 2 này.
Quy luật số 2: Newton vẫn là kẻ mua đỉnh bán đáy.
Không lầm đâu! Tôi đang nói về nhà toán học lừng danh Newton, nổi tiếng khắp nhân loại bằng phát hiện về lực hấp dẫn gắn liền với câu chuyện quả táo rơi, chứ không phải một trader nào khác trùng tên.
Đây là câu chuyện của trader Newton, tôi sẽ cho bạn thấy nó giống với câu chuyện của chúng ta đến thế nào:
Khoảng tháng 2 năm 1720, Newton sở hữu cổ phiếu của South Sea Company, cổ phiếu hot nhất nước Anh thời bấy giờ. Sau đó chỉ vài tháng ông kiếm được 7000$ lợi nhuận giống như bạn x2 tài khoản với Bitcoin từ mức giá 2.500$ lên 4.900$ vậy. Sau khi Newton đã chốt lời, cổ phiếu South Sea Company vẫn không ngừng bức phá và tiếp tục tăng mạnh, Newton quyết định đầu tư tiếp tục với số tiền lớn hơn rất nhiều so với đợt trước, khi chứng kiến bạn bè ông không ngừng gia tăng số lãi vì giữ được cổ phiếu thêm vài tháng nữa. Nhưng ông không ngờ ông cũng chẳng khác gì tôi hay bạn lỡ mua Bitcoin ở mức giá 15.000$ hồi đầu tháng 12/2017. Và vài tháng sau đó, Newton chấp nhận cắt lỗ chua chát với tổn thất đến 20.000$, ứng tính tương đương gần 3 triệu đô so với thời giá hiện tại. Người ta đồn rằng, kể từ đó, ông nghiêm cấm bất kỳ ai nói từ “South Sea” trước mặt mình. Thế nên nếu ông ấy còn sống chắc cũng không thích thú gì cái serie này của tôi.
Bạn thấy không? Câu chuyện đầu tư của Newton rất giống với số đông cộng đồng đầu tư tiền mã hóa nói chung trên toàn thế giới, dường như quy luật bong bóng tài chính luôn đem lại kịch bản y như thế cho hầu hết thất bại của nhà đầu tư. Dù bạn sở hữu một trí thông minh tột đỉnh như Newton đi nữa thì không có nghĩa bạn không thuộc về số đông thất bại. Nếu xét kịch bản trên trong một quy mô biến động giá nhỏ hơn (khung giờ nhỏ hơn) thì nó vẫn hoàn toàn hợp lẽ. Đó là khi tôi mua được giá tốt bằng kiến thức kĩ thuật và nhận định thị trường của mình, sau đó tôi chốt lời vì nghĩ rằng mình đã lãi kha khá, rồi tôi ngỡ ngàng nhận ra mình vừa chốt non rất đáng tiếc, tôi quyết định vào lại lần nữa nhưng không biết giá đã đi gần hết sóng thứ năm, chưa kịp nhận ra tình hình thì lãi đã trở thành lỗ. Thế đấy! Đó là sự thật của Newton và của tôi.
Nếu bạn đã thấm quy luật 1, và cố gắng hoàn thiện mình bằng kiến thức và trí khôn đến mức nào đi nữa, thì đừng quên câu chuyện của Newton, đừng quên quy luật số 2 này.
Có lẽ đến đây bạn sẽ tự đưa ra một vài lý giải cho vấn đề “Vì sao bác học Newton vĩ đại của chúng ta lại có quyết định đầu tư ngớ ngẩn đến thế?”. Có thể bạn sẽ đưa ra nhiều lý do về tâm lý, về lòng tham, nhưng tôi nghĩ lý do chính là vì Newton mắc phải sai lầm của quy luật số 3 sau đây.
Quy luật số 3: Không thể cãi lại thị trường!
Dường như cứ mỗi lần tôi nhận ra một quy luật nào đó từ thị trường thì thị trường luôn trả lời tôi bằng một khải tỏ mới mẻ hơn khiến tôi thấy mình chưa bao giờ hiểu cho đầy đủ. Thế này nhé, quy luật 1 khiến tôi lao đầu vào học hỏi đủ các indicators và đọc mọi nhận định của các tài khoản trên twitter hay facebook, quy luật 2 khiến tôi trở thành một trader khiêm nhường không dám vỗ ngực với ai dù kiến thức của mình đã bắt đầu vượt xa một số người, nhưng đến quy luật 3 này tôi lại khám phá ra: mình thật sự là một đứa cứng đầu và bảo thủ.
Newton không chấp nhận sự thật rằng ông đang cố hold số cổ phiếu “South Sea” trong khi nó đang lao dốc, ông không thừa nhận mình đã sai mà cứ khăng khăng số lãi vẫn còn trước mắt để nuôi hy vọng hão huyền. Đó là chính là “cãi lại thị trường!”, hay nhiều bài viết diễn đạt theo cách khác là “thị trường luôn luôn đúng!”.
Vậy khi nói “thị trường luôn luôn đúng!” nó có nghĩa là gì?
Quy luật này nhắc cho tôi biết, tôi không phải là người ra quyết định cho thị trường phải đi theo bất kỳ hướng nào tôi muốn. Tôi cần thuận theo thời thế mà đánh, có thể vài phút trước tôi lên kế hoạch cho việc long hay short, nhưng cứ hể bất kỳ sự gợi mở mới nào của thị trường giúp tôi đảm bảo một kế hoạch khác chắc ăn hơn thì tôi cũng lập tức có động thái thay đổi ngay bằng cách cắt lỗ hoặc thoát order hoặc chốt lời. Tôi luôn trong tinh thần đó để sẵn sàng với mọi tình huống. Tôi hiểu “bảo thủ” và “cứng nhắc” trong lập luận dễ khiến tôi trở thành một Newton đu đỉnh bất cứ lúc nào.
Tôi kể ra đây ba câu chuyện có thật minh họa cho hậu quả của việc chống lại xu thế của thị trường.
Câu chuyện 1: Short BTC từ giá 5.900$
Đây là câu chuyện của một người bạn tôi.
Bạn đừng vội trách vì sao người bạn của tôi quyết định short BTC tại giá đó, thực tế xét về kĩ thuật nó hoàn toàn hợp lý, chưa kể đến việc bối cảnh thị trường khi ấy liên tục đưa ra những cảnh báo về bong bóng bitcoin. Và ngay sau lệnh short thì bạn tôi vẫn bắt đầu có lãi (dù không nhiều) chứ không phải lỗ ngay, nhưng cái sai ở chỗ: sau khi thị trường đưa ra sự gợi mở mới ở tuần tiếp theo bằng một cây nến xanh, thì đáng ra bạn tôi nên nghĩ đến việc hoài nghi và phản biện lại những lập luận của mình, để có thể cắt một phần hoặc hai phần ba nhằm giảm thiểu rủi ro. Nhưng bạn tôi đã không thể làm được như thế.
Vì sao? Vì cái tâm lý “buộc thị trường phải đi theo mong muốn của mình” nó quá mạnh mẽ. Chưa kể cây nến đỏ tiếp theo, thay vì trở thành cơ hội để thoát thì nó lại trở thành điềm củng cố cho mong muốn giảm giá của bạn tôi. Dừng tại đây, bạn sẽ thấy nguyên tắc đơn giản mà quý giá rằng: “mong muốn của cá nhân phải luôn đặt dưới sự phán quyết của thị trường”.
Câu chuyện 2: Lỡ kèo ngon từ giá 8.000$
Đây lại là câu chuyện của tôi. Lúc đó là hồi tháng 8 năm 2017, tôi mới chập chững bước chân vào thị trường gần một tháng. Tôi quyết định tham gia một nhóm trả phí để học và trang bị những kiến thức đầu tiên. Kể ra tôi cũng là người ham học hỏi và hiểu giá trị của kiến thức quý báu thế nào. Người thầy của tôi trong group đó VIP đó đưa nhận định BTC sẽ điều chỉnh mạnh từ giá 8.000$, cả group tôi chờ một vị thế thật đẹp để vào lệnh. Lúc đó tôi còn chưa biết đến margin.
Chúng tôi đã rất kiên nhẫn để đợi sự điều chỉnh xảy ra, anh em nào trong nhóm mua được ở giá 6.000$ trở xuống cũng đã chốt lãi hết ở mức 8.000$. Chúng tôi hầu như chắc chắn một mức thấp hơn để mua, nhưng “thị trường luôn luôn đúng”, chúng tôi đành phải ngậm ngùi nhìn giá chinh phục mức cao nhất mọi thời đại (tính đến lúc tôi viết serie này) mà không vào lệnh lại nữa. Chúng tôi quá cẩn thận, nói vậy là để biện hộ thôi, chứ đúng ra tôi đã không đặt mong muốn cá nhân dưới sự phán quyết của thị trường. Giá Bitcoin thì cứ lên còn chúng tôi thì cứ trông đợi xuống. Chính điều đó khiến chúng tôi bỏ lỡ những mốc 15.000$ và 19.000$ đầy đáng tiếc.
Câu chuyện 3: Đu đỉnh từ 14.000$ – 17.000$
Có rất nhiều nhà đầu tư trong cộng đồng trade coin Việt Nam vẫn đang nắm giữ Bitcoin ở mức giá này. Một phần nguyên nhân đến từ việc Bitcoin đã tạo đỉnh quá cao khiến người ta lú lẫn giá nào là rẻ, giá nào là đắt. Vì so với 19.000$ thì 14.000$ hay 17.000$ vẫn là quá rẻ, hầu như rất nhiều trader già dặn kinh nghiệm còn mạnh miệng khẳng định bitcoin sẽ không còn giá 8.000$ (thực tế khi tôi thực hiện serie này đã có lúc giá về dưới 6.000$). Nghĩa là cơn hưng phấn vẫn còn rất mạnh mẽ. Thế nhưng, thị trường khi đó đã phán quyết cho một thời kỳ downtrend kéo dài. Mà có mấy ai chấp nhận điều đó đâu.
Bạn thấy đó, trường hợp này chúng ta chỉ có thể bày tỏ sự thuận phục trước quyết định downtrend của thị trường bằng cách cắt lỗ tuyệt đối hoặc ít nhất cũng biết sợ mà cắt lỗ một phần. Sỡ dĩ nhiều nhà đầu tư đành phải đu đỉnh bất đắc dĩ là vì đặt mong muốn cá nhân lên trên phán quyết của thị trường bất chấp có ngược ngạo thế nào đi nữa.
Và điều đó luôn dẫn đến một kết quả tai hại như 3 câu chuyện vừa rôi tôi kể. Margin thì cháy tài khoản, Exchange thì đu đỉnh, còn không làm gì thì lỡ mất kèo ngon. Thế nên, tôi luôn dặn lòng phải biết suy phục thị trường, đừng cố gắng chống lại thị trường, chống lại xu hướng. Thị trường vẫn luôn đúng, nếu có sai thì chỉ có tôi phán đoán sai mà thôi.
Nói đến đây, tôi muốn nhắc lại cho bạn nhớ 3 quy luật tôi đã rút ra được, trước đi đề cập đến quy luật thứ 4.
- Quy luật 1: Traders có lãi luôn là số ít
- Quy luật 2: Newton vẫn là kẻ mua đỉnh bán đáy
- Quy luật 3: Thị trường luôn đúng
Và đây là quy luật số 4. Khi tôi thấm nhuần 3 quy luật kia để thay đổi chính mình sao cho phù hợp và đồng điệu với biến động của thị trường. Tôi cũng không còn bảo thủ và cứng đầu với những kì vọng giá của bản thân. Tôi cũng đã có đầy đủ hệ thống giao dịch cần thiết và vững chắc để dần kiếm lời dù nhiều hay ít. Tôi bắt đầu đi tìm cho mình một phương pháp nào đó mang tính công thức để có thể áp dụng nó trong mọi hoàn cảnh. Thì đó là lúc tôi mắc phải sai lầm của quy luật số 4.
Quy luật số 4: Đừng mãi cố đi tìm “chén thánh”!
Tôi sợ bạn sẽ hiểu quy luật số 4 này theo cách thông thường nhất: “không có công thức hay bí kíp nào để khiến một giao dịch đạt tỉ lệ thắng 100%”. Hiểu vậy là đúng đó, không sai đâu, nhưng chưa hiểu tới cái thâm sâu hơn tôi muốn đề cập.
“chén thánh” là một từ trong giới trading hay sử dụng để chỉ về một hệ thống giao dịch, hay một phương pháp trading nào đó vô cùng hoàn hảo, mà bất cứ ai làm chủ được nó sẽ “thiên hạ vô địch”. Tất cả mọi traders nghiêm túc học tập đều sẽ có giai đoạn quyết tâm đi tìm “chén thánh”. Nếu vậy nghe có vẻ ai cũng vấp phải quy luật số 4 này và phí thời gian để trải qua một giai đoạn không cần thiết. Nhưng không phải, tôi cho rằng giai đoạn “đi tìm chén thánh” với tất cả những ngây thơ và hào hứng của một trader non kinh nghiệm, sẽ là bước đệm lớn để anh ta khám phá ra quy luật này và hoàn thiện mình ở một cấp độ mới mẻ hơn. Thế nên, quy luật này có một tính chất rất đặc biệt khác với những quy luật trên mà tôi đề cập ở chỗ: sai lầm nhưng lại là sai lầm không thể thiếu để tiến bộ. Thế nên, nếu phải đưa ra lời khuyên về vấn đề này, tôi sẽ nói: “hãy cứ đi tìm chén thánh cho đến khi bạn phát hiện ra chẳng có chén thánh nào!”. Tư tưởng này của tôi đại khái giống như điều mà Steve Jobs khuyên các sinh viên trong buổi lễ tốt nghiệp: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ!”.
Khi đặt tiêu đề cho quy luật 4, tôi đã không đặt “Không có chén thánh” nhưng tôi lại đặt “Đừng mãi cố đi tìm chén thánh”. Đây là mới ý tưởng sâu xa hơn tôi muốn nói. Nghĩa là bạn cần biết dừng lại. Tôi đã thử nghiệm ra vào lệnh nhiều lần với RSI, sau đó tôi thấy RSI vẫn còn thiếu cái gì đó mà tôi mơ hồ chưa xác định rõ, tôi lại bổ sung thêm MACD-H, rồi cứ như thế tiếp tục tôi nhồi vào tâm trí mình đủ thứ indicators nhằm mong lấp đầy cái khoảng trống thiếu thốn rất chi là đáng ghét đó…Rồi sau một thời gian, tôi nhận ra mình lún quá sâu vào trường phái chỉ biết có phân tích kỹ thuật, nào là ichimoku, nào là volumn profile, nào là ADX… Tôi nhìn thấy những “pro” khác sử dụng rất hiệu quả các hệ thống giao dịch đơn giản hơn tôi nhiều mà vẫn kiếm được cả ngàn đô hằng ngày. Họ bảo với tôi rằng “hãy để ý nhiều hơn đến dòng vốn và bối cảnh thị trường”. Tôi tiếp tục nghe họ nhằm mong mình sẽ lấp được chỗ thiếu sót của bản thân. Nhưng tôi dù có cố gắng bao nhiêu thì cái nhìn của tôi về bối cảnh thị trường và dòng vốn vẫn vô cùng hạn hẹp. Tôi đã đọc qua tất cả những bài chia sẻ của những người giỏi hơn mình rồi lại nhận thấy mình thiếu sót khi không lập một kế hoạch cân đối giữa rủi ro và cơ hội mà cứ quá chăm chăm tìm cho bằng được phương cách thắng luôn luôn.
Đến đây, tôi thấy mình có trưởng thành hơn một chút. Như ai đó nói “càng lớn ước mơ của chúng ta càng bé lại”. Tôi không còn tìm cách giải quyết vấn đề làm sao để có lãi luôn luôn nữa, mà chỉ dừng lại ở việc xây dựng một phương pháp phối hợp giữa kĩ thuật và quan sát thị trường, sao cho đảm bảo tỉ lệ các lệnh thắng trên 50%. Nhưng tôi đâu ngờ, cái cảm giác trưởng thành hơn đó chỉ khiến tôi như một chú ngựa non háu đá.
Tôi bắt đầu ghi chép nhật ký giao dịch, học thuộc tất cả những mô típ biến động giá. Tôi cẩn thận đến nỗi không một lệnh nào mà tôi không chụp hình ảnh lại trên tradingview ở thời điểm trước, trong, và sau khi vào lệnh. Tôi bắt đầu những lệnh thắng liên tiếp vì sự tiến bộ của mình, đến nỗi có khoảng thời gian không biến động nào trở thành quá ngạc nhiên với bản thân thôi. Bỗng dưng tôi trở thành kẻ kiêu ngạo lúc nào không biết. Tôi nạp thêm nhiều tiền hơn vào tài khoản. Tiếp tục quan sát thị trường, quan sát kĩ thuật và vào lệnh với tất cả sự tự tin. Nhưng lần đó, tôi bắt đầu những lệnh thua đầu tiên sau rất nhiều lệnh thắng. Tôi thấy nó vẫn không đáng sợ lắm và cũng không ảnh hưởng gì đến sự tự tin của cá nhân mình. Tôi không ngờ mình như một con ếch cứ ung dung ngồi trong một nồi nước đang được đun nóng dần lên. Tôi can đảm đến mức cảm thấy mình không cần quan tâm đến cộng đồng nữa, không cần đọc phân tích của ai khác làm gì nữa (vì mình đã có quá đủ phân tích rồi), và cho đến giờ tôi vẫn không quên, mình đã cắt lỗ hai lần thua liên tiếp rất nặng nề (với DASH và với BTC) sau khi nạp thêm nhiều tiền hơn vào tài khoản. Nồi nước sôi lúc nào không hay, con ếch bị luộc chín đầy thuyết phục. Tôi sững sỡ hiểu ra, sự tự tin chính là kẻ thù của traders. Tôi thoát xác trở thành kẻ thất bại cần thiết để học được tính khiêm nhường, và hiểu ra rủi ro là không thể loại trừ.
Đến đây, tôi lại trưởng thành lên chút nữa, và ước mơ của mình lại thu nhỏ thêm chút nữa. Tôi không cố đi tìm “chén thánh” vì biết càng cố tìm thì càng thua. Tôi cũng không tư duy theo kiểu “làm sao để tỉ lệ các lệnh thắng trên 50%” nữa, mà là “làm sao để tỉ lệ các lệnh thua dưới 50%”. Hai phát biểu trên có vẻ giống nhưng khác nhau ở cái tâm thế. Nghĩa là tôi không còn vào lệnh với tâm thế một người luôn sẵn sàng cho chiến thắng, mà là một người đã đủ trải nghiệm để không ngỡ ngàng trước thất bại. Theo thời gian, tỉ lệ thua sẽ giảm dần ngay cả khi tôi không hề chủ ý.
Xuyên suốt tiến trình tôi kể trên rèn cho tôi rất nhiều bài học quý giá, từ tâm lý giao dịch đến kĩ năng giao dịch. Thế nên tôi mới nói nó cần thiết. Và bạn đừng quên, đừng mãi cố đi tìm “chén thánh”, hãy biết dừng lại để chiêm nghiệm những thất bại và cả thành công của bạn. Rồi từ đó, bước đi trong thị trường như một kẻ khiêm nhường mà lợi hại, thắng không kiêu căng, bại không bi lụy. Rồi cứ thế, trading sẽ trở thành một nghề mà bạn kiếm sống tốt được, không còn là trò cờ bạc ăn thua sát phạt như nhiều người đứng bên ngoài thị trường hay lầm tưởng.
Tôi nghĩ bạn nên đọc lướt lại một lần nữa những quy luật vừa rồi
Tôi xin kết thúc 4 quy luật mà bản thân tôi đã có sự từng trải. Nếu bạn đọc những tài liệu dạy trading khác sẽ thấy họ liệt kê rất nhiều thứ nữa, có lẽ tôi không giỏi như họ để có thêm nhiều phát hiện khác. Nhưng tôi nghĩ, bạn “thấm” được 4 quy luật trên bằng thực nghiệm (chứ không phải là thuộc lý thuyết) thì bạn đã có thể vượt hơn rất nhiều traders về tư duy cơ bản của nghề trading rồi đó. Nên thay vì biết nhiều hơn, sao chúng ta không biết đủ để tự suy ra những điều khác mang tính chất hệ quả.
Mong bạn hiểu hết được những chia sẻ của tôi khi đọc đến đây, vì như vậy tôi mới dám chắc bạn hiểu đúng những gì sẽ được trình bày cho đến phần còn lại của serie này.
Chúng ta chỉ mới nhấc bước chân đầu tiên thôi nhé! Hãy đọc bài tiếp theo trong cuộc hành trình này.
bài này tôi giống 90%, sao mà đúng quá. Đồng cảnh ngộ