Bitcoin Halving và nghịch lý Zeno

Bitcoin như là sự kết hợp của rất nhiều bài toán cổ xưa. Thậm chí chúng ta có tìm thấy những mối liên hệ nhân quả kéo dài từ Cantor cho đến Alan Turing và Kurt Godel, từ giả thuyết Continuum cho đến bài toán P chọi NP,  từ vị tướng Byzantine cho đến nghịch lý Zeno như bài viết này.

Trong bài này, mình sẽ cố chỉ ra một vài điều mà có thể đa phần chúng ta chưa biết (do chưa quan tâm) hoặc đang hiểu lầm, về Bitcoin Halving.

Bài viết này tham khảo hai nguồn: CraigwrightBeInCrypto

Câu chuyện nghịch lý Zeno

Nếu bạn muốn kẻ một đường thẳng từ điểm A đến điểm B, hẳn bạn đi ngang qua trung điểm C nằm ngay giữa AB. Nếu bạn đã đến C rồi, và tiếp tục đến B, hẳn bạn phải đi ngang qua trung điểm D nằm ngay giữa CB…Và với cái lý luận đó, số lượng trung điểm này sẽ là vô hạn.

Hay nói như Aristotle, bất kỳ thứ gì vận động thì nó phải đi được nửa đường trước khi nó đi đến đích. Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng cái nghịch lý ở chỗ: Làm thế nào mà khi cộng gộp vô hạn những lần “nửa đường” đó, thì nó lại thành một thứ hữu hạn được. Hoặc là, làm thế nào mà trong cái hữu hạn lại đủ chỗ để chứa được cái vô hạn chứ? Bạn có thể tự google thêm về vấn đề này.

Ở đây, chúng ta không bàn sâu về bản thân chính cái nghịch lý, nhưng nói về cơ chế gây ra cái nghịch lý. Đối tượng thực tế của chúng ta là Bitcoin Halving. Cái chữ “Halving” chính là “nửa đường” mà chúng ta đang nói tới. Cơ chế Halving có vẻ như được Satoshi lấy cảm hứng từ chính nghịch lý Zeno này (mình suy đoán thôi).

Cái hay của nó nằm ở chỗ, cơ chế Halving cực kỳ đơn giản, cứ chia đôi là xong, nhưng nó giải quyết bài toán cực kỳ phức tạp, mà mình sắp đề cập sau đây.

Những vấn đề phức tạp của bản thiết kế

Có lẽ chúng ta tạm thời gác qua một bên những câu chuyện bên lề (cũng quan trọng chứ không phải không nhưng chưa đi vào trọng tâm bài này) như là: số Bitcoin bị quên lãng, Bitcoin bị làm giá..v..v..

Thử nghĩ một vài hậu quả, trong trường hợp bản thiết kế của Satoshi không có Halving:

  • Nếu phát hành một lần 21 triệu Bitcoin, thì chẳng còn động lực gì cho những người đến sau, chẳng còn công bằng gì cho những người chậm chân, và hơn hết chẳng còn nghĩa lý gì để bảo rằng lượng Bitcoin đang được phân phối một cách phi tập trung nhất có thể.
  • Nếu phát hành một lần 21 triệu Bitcoin, mạng lưới rộng lớn không thể nào được xây dựng khắp thế giới, sẽ không có thế hệ thợ mỏ F1, F2..v..v Mà trong khi, cái quan trọng của Bitcoin chính là mạng lưới nó đã được xây dựng nên. Vì lý do đó, nên người ta mới gọi Bitcoin như là “internet của tiền tệ”.
  • Nếu phát hành hết một lần 21 triệu Bitcoin, một hệ quả khách quan kéo theo, là toàn bộ nền công nghiệp Blockchain có lẽ sẽ không đa dạng và quy mô như bây giờ (dù so với những thị trường khác nó vẫn còn nhỏ bé).
  • Nếu phát hành hết một lần 21 triệu Bitcoin, có thể người ta sẽ lãng quên nó nhanh chóng. Câu chuyện về Bitcoin hẳn chỉ dừng lại trong diễn đàn mạng ở phía bên kia trái đất.
  • Dĩ nhiên, còn những hệ quả và ràng buộc khác, liên quan đến vấn đề kỹ thuật…

Bây giờ, thử nghĩ đến một vài yêu cầu tối quan trọng, mà bắt buộc bản thiết kế này muốn thành công thì phải đáp ứng cho được.

  • Giới hạn nguồn cung chỉ 21 triệu là cần thiết, vì nó tạo tính khan hiếm. Đặc biệt trong bối cảnh, Bitcoin được tạo ra như một câu trả lời cho khủng hoảng tài chính 2008. Nhưng tính khan hiếm tự thân nó là không đủ. Nó cần tính trì hoãn. Trì hoãn để giá trị của nó được giáo dục và được nuôi dưỡng (và vì cả những hệ quả nêu trên). Satoshi đã giải quyết vấn đề tính trì hoãn đó bằng một khái niệm, là độ khó khai thác. Vấn đề này nếu bàn sâu hơn, sẽ đưa đến những lĩnh vực toán học ra khỏi phạm vi bài viết này.
  • Rồi tiếp tục, để tính trì hoãn được thực hiện sao cho hiệu quả. Nó cần có sự tham gia của nhiều người khai thác.
  • Và hai vấn đề xuất hiện, vấn đề 1 là sao để thu hút người khai thác, vấn đề 2 là làm sao người khai thác vừa đóng vai trò phát hành vừa đóng vai trò xác nhận mà vẫn giữ được hiệu quả tính trì hoãn. Vấn đề 1 được giải quyết bằng cách trả thưởng cho họ, giải quyết vấn đề 2 thì phức tạp hơn một chút nhưng sẽ phải cần đến Bitcoin Halving.
  • Và một chuyện rất dễ hiểu nữa, toàn bộ mạng lưới khi đã đạt đến sự hoàn thiện và sôi động nhất định, thì việc trả thưởng cho người xác nhận chỉ phải chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ giá trị. Giống như, không thể nào phí giao hàng lại quá lớn so với toàn bộ món hàng. Không chừng món hàng đó chẳng còn đáng mua. Từ đó, phần thưởng cho người khai thác cần phải ngày càng giảm xuống.

Thế đấy, một loạt vấn đề mà mình vừa trình bày, được giải quyết gọn ghẽ chỉ bằng một cơ chế vô cùng đơn giản: Bitcoin Halving.

Bắt đầu bằng con số 50 hẳn là có ẩn ý!

Mời bạn giải trí với câu chuyện triết gia Zeno đi bộ từ nhà đến công viên. Chỉ là đi bộ đến công viên thôi, nhưng đi bộ theo cách của một triết gia thì nó có phần khá kỳ quặc. (nhớ chọn Việt Sub nếu bạn chưa nghe được tiếng Anh)

Hãy để ý đến những con số được chia nhỏ. Xem khoảng cách từ nhà của Zeno đến công viên, cũng như là khoảng cách giữa thời điểm Bitcoin đầu tiên được khai thác cho đến Bitcoin cuối cùng. Và việc mà Bitcoin được khai thác, cũng giống như lý luận của Zeno khi ông đi đến công viên vậy. Nhắc lại câu của Aristotle, bất kỳ thứ gì vận động thì nó phải đi được nửa đường trước khi nó đi đến đích.

Những con số của bản thiết kế phối hợp với nhau khá hoàn hảo. Hơi rắc rối mục chút nếu bạn không thích số, bạn có thể đọc chậm để kịp dòng suy nghĩ:

  • Khi 210.000 khối đầu tiên được khai thác, phần thưởng cho mỗi khối là 50 BTC, nghĩa là có 210.000 x 50 = 10.500.000 BTC đã chào đời, chiếm 50% tổng nguồn cung.
  • Ở lần Bitcoin Halving thứ nhất, khi 210.000 khối tiếp theo được khai thác, nhưng phần thưởng cho mỗi khối chỉ còn 25 BTC (tức đã Halving – giảm một nửa), nghĩa là có 210.000 x 25 = 5.250.000 BTC tiếp theo chào đời, chiếm 25% tổng nguồn cung. Và như thế, tính tổng cộng thì 75% nguồn cung đã được tung ra thị trường hết cả.
  • Ở lần Bitcoin Halving thứ hai, khi 210.000 khối tiếp theo được khai thác, nhưng phần thưởng cho mỗi khối chỉ còn 12,5 BTC (tức lại Halving – giảm một nửa), nghĩa là có 210.000 x 12,5 =2.625.000 BTC tiếp theo chào đời, chỉ chiếm 12,5% tổng nguồn cung. Tính tổng cộng thì 87,5% nguồn cung đã được tung ra thị trường.
  • Thật thú vị, chúng ta sắp đối diện với Bitcoin Halving lần thứ tư, phần thưởng sẽ không còn là 12,5 BTC nữa, nhưng chỉ còn 6,25 BTC mà thôi. Nghĩa là bốn năm tới, chỉ có 210.000 x 6,25 = 1.312.500‬ BTC sẽ chào đời, chỉ chiếm 6,25% tổng nguồn cung. Tính tổng cộng thì 93,75% nguồn cung sẽ được tung ra thị trường.

Bạn có để ý những con số không?

  • Nếu phần thưởng không nhỏ lại, tính trì hoãn sẽ không hiệu quả, có lẽ BTC đã được khai thác hết từ lâu.
  • Phần thưởng bắt đầu bằng con số 50 là đầy ẩn ý, nó như muốn nhắc người khai thác rằng: “Số phần thưởng mà anh nhận được sau mỗi khối cũng chính là con số phần trăm còn lại của tổng nguồn cung mà anh có thể khai thác được!

Một vài lập luận cho rằng, việc nguồn cung giảm một nửa sẽ làm tăng gấp đôi giá trị của Bitcoin, nhưng họ lại quên mất rằng: cứ sau một lần halving thì nó đánh dấu một lượng nguồn cung lớn hơn đã được tung ra thị trường. Lượng nguồn cung được phát hành đủ nhiều và nhanh trong thời gian đầu để thu hút người khai thác, nhưng đủ ít và chậm trong thời gian sau để duy trì giá trị của Bitcoin.

Thật hay, Zeno đã sử dụng lý luận của toán học thuần túy (như là triết học) để trì hoãn việc ông đi đến công viên, còn Satoshi lại áp dụng cái thuần túy đó để nó trở thành thực tiễn rất hiệu quả trong việc phát hành tiền tệ mà không làm mất đi giá trị của nó.

Một tràng pháo tay cho Satoshi.