Blockchain và cuốn sổ nợ của quán ăn bà Tám Tiền làng Phan Thị

Trong chỉ năm năm trở lại đây, từ điển học thuật về công nghệ thông tin bổ sung hàng loạt những định nghĩa mới. Đó là kết quả của làn sóng công nghệ 4.0. Nó mở ra nhiều tiềm năng đợi chờ những bộ óc thế hệ trẻ thi thố. Công nghệ Blockchain với đóng góp không nhỏ của Satoshi Nakamoto nói riêng và cộng đồng crypto trên toàn thế giới nói chung, đã phổ cập nhiều kiến thức mà tưởng rằng chỉ có giới chuyên môn mới quan tâm. Thực ra, dù muốn hay không, bạn cũng sẽ quan tâm mà thôi.

Buổi offline lần thứ 6 tại All in Station với chủ đề “Private Blockchain vs Public Blockchain” tưởng rằng sẽ kén người nghe. Nhưng tôi cũng khá bất ngờ vì sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, thậm chí có bạn đề cập đến nhiều vấn đề khá chuyên sâu vì muốn giải quyết bài toán ý tưởng của mình. Có thể thời gian tới, nhóm chúng tôi sẽ còn nhiều buổi offline với chủ đề công nghệ như vậy nữa, để góp phần cho sự phổ cập kiến thức về blockchain ở Việt Nam.

Chúng tôi muốn đảm bảo mọi người hiểu rõ blockchain là gì trước khi bàn sâu hơn thế nào mới là Private Blockchain và Public Blockchain. Thế nên đã chủ động đề cập câu hỏi cơ bản này trước. Vì không thể trong vài giờ đồng hồ, mọi người có thể đi hết các khái niệm thế nào là node, hash, confirmation (POW, POS)…nên chúng tôi quyết định lựa chọn một cách diễn đạt chung nhất và dễ hiểu nhất (tất nhiên là phải chính xác nữa).

Blockchain là gì?

Blockchain là một cách thức để lưu trữ dữ liệu mà dù ở dưới bất kỳ trường hợp nào, dữ liệu được lưu trữ đó cũng không thể mất đi, không thể bị sửa đổi một cách bí mật, và không thể chịu tác động bởi số ít. Nếu bạn có đọc tập 2 của bộ truyện tranh Thần đồng đất việt. Cuốn sổ nợ của quán ăn bà Tám Tiền làng Phan Thị bị cháy mất, và bà ta không thể nhớ được tất cả những ai đã nợ mình để đòi nên khóc toáng lên. Đó là hình thức lưu trữ tập trung sơ đẳng nhất của con người cho đến ngày nay. Dù rằng đã là thế kỷ 21, nhưng các ngân hàng hay doanh nghiệp đều đa phần đang sử dụng phương thức của bà Tám Tiền chứ không hơn gì mấy. Nhưng may thay, Trạng Tí xuất hiện, vì Tí đã từng một lần nhìn qua cuốn sổ nợ nó, nên cậu bé thần đồng này nhớ tường tận không sót một ai. Thế là nhờ có Trạng Tí, bà Tám Tiền có lại đầy đủ danh sách những ai mượn nợ bà.

Đáng tiếc là thế giới ngày nay không phải ai cũng có khả năng như Trạng Tí. Thế nên chúng ta đã thông minh hơn bằng cách thay vì lưu trữ dữ liệu ở một chỗ, chúng ta phân tán nó ra thành nhiều chỗ khác nhau và có liên kết với nhau. Và đó trở thành hình thức lưu trữ phi tập trung đầu tiên của con người trong thế kỷ này (dù rằng nó vẫn còn sơ đẳng). Và người ta đặt cho nó một cái tên: Blockchain.

Blockchain cơ bản là thế. Tưởng chừng như đơn giản nhưng nó lại giải quyết cho con người bài toán cực kỳ phức tạp: đó là bài toán về niềm tin. Thời đại ngày nay, thông tin chính là tiền bạc. Bạn sẽ phải đau đầu khi chia sẻ thông tin cho một ai đó và không có gì chắc chắn họ sẽ sử dụng đúng nó theo như một hợp đồng đã được kí kết trên giấy. Thế nên, thay vì thế, bạn quyết định chia sẻ thông tin cho đối phương dưới dạng một hình thức phi tập trung mà một khi tất cả các bên cùng tham gia vào hệ thống này mặc nhiên sẽ bị giám sát dưới con mắt của tất cả những ai còn lại. Triết lý ở đây là sự trung thực của con người sẽ giao phó cho thuật toán và được xử lý bởi máy vi tính.

Private Blockchain và Public Blockchain là gì?

Bây giờ đề cập tới Private Blockchain và Public Blockchain. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên nhắc tới Public Blockchain trước.

Khi khái niệm Blockchain được hiện thực hóa ở quy mô lớn nhất thì người ta bắt đầu nhắc nhiều hơn đến Bitcoin. Có thể xem nó như là một mạng lưới phi tập trung công khai lớn nhất hiện nay. Bạn biết đấy, từ lý thuyết tới thực tiễn luôn là một con đường chông gai. Dù rằng sự phát triển bong bóng của giá trị Bitcoin đã minh chứng cho hoài bão của con người về một hệ thống tuyệt hảo mà ở đó, chính bạn và tôi đều có thể dựa vào xây dựng cho riêng mình một ngân hàng cá nhân không lệ thuộc ai. Nhưng đến nay điều đó vẫn “chưa” xảy ra. Nếu bạn còn hơi mù mờ vì cách diễn đạt này, tôi xin đề xuất cuốn sách giáo khoa về Bitcoin có tên “Internet của tiền tệ”.

Dù sao đi nữa, chúng ta cũng có quyền tin tưởng vào một tương lai không xa. Khi công nghệ này hoàn thiện hơn. Thì không chỉ trong tài chính mà trong nhiều lĩnh vực cuộc sống khác, sự minh bạch và công bằng sẽ phổ cập cho tất cả mọi người chính bằng công nghệ Blockchain. Cá nhân tôi vẫn chờ đợi một Pubic Blockchain như thế.

Về Private Blockchain, thì như cái tên của nó, khuôn khổ để áp dụng công nghệ sẽ ở quy mô nhỏ hơn. Ví dụ như một vài doanh nghiệp liên kết và chia sẻ dữ liệu với nhau. Họ sẽ thảo luận với nhau tất cả những quy luật trong việc chia sẻ dữ liệu đó. Rồi họ áp toàn bộ quy luật đó vào một mạng lưới liên kết mà mỗi bên như một “phiếu bầu” để đưa ra quyết định. Trong bối cảnh đó, tất cả mọi thay đổi đều được ghi chép lại và được tất cả các bên biết đến và xác nhận.

Dầu vậy theo tôi, với khái niệm “private blockchain” thì nó tự mâu thuẫn với chính nó ngay trong vấn đề ngôn từ. Blockchain thì đại diện cho sự minh bạch tuyệt đối và bình đẳng giữa các bên mà không hề bị chi phối. Nhưng người ta lại “nhốt” cái ý tưởng đó vào trong chữ “private” thì có khác nào “ngụy biện”. Nhưng, ở một mức độ hợp tác chấp nhận được, private blockchain vẫn đem lại sự hữu dụng trong chừng mực nào đó. Có thể minh chứng cho sự thành công này bằng một cái tên khá nổi tiếng: Ripple.

Niềm tin đối với công nghệ Blockchain

Blockchain lại được biết đến thông qua Bitcoin, mà người ta biết đến Bitcoin chỉ để kiếm tiền hơn là tìm kiếm một giải pháp cho nhu cầu thanh toán. Từ đó, blockchain thay vì đi đúng sứ mạng cải cách đời sống của con người thì nó lại bị nhiều tài phiệt tận dụng sự hào nhoáng của làn sóng 4.0 làm bàn đạp kiếm tiền.

Cá nhân tôi tin công nghệ này sẽ còn đi xa, gần đây rất nhiều ông lớn đã công khai thừa nhận đổ tiền vào Blockchain, cùng với đó có rất nhiều khái niệm khác đi kèm để hoàn thiện một bức tranh tương lai: như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật…Công nghệ cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị và kinh tế, khi ta thấy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mang đậm màu sắc của công nghệ.

Tương lai của con cháu của chúng ta sẽ còn nhiều điều hay ho khác, blockchain sẽ tồn tại và là một trong số đó. Tôi tin thế.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments