Blockchain và có phải vì chúng ta không còn tin nhau nữa?

Gần đây tôi dành nhiều thời gian suy tư hơn về mớ chuỗi khối đang dần ràng buộc mối quan tâm trong mọi lĩnh vực then chốt của nhân loại. Tôi sẽ không diễn đạt những suy tư đó với nhiều ngôn từ chuyên môn theo kiểu “cố tỏ ra nguy hiểm”, tôi muốn nói về một viễn cảnh mà khả năng cao sẽ xảy ra trong thời đại chúng ta, hay chậm nhất cũng là thời đại của đứa cháu đang ngồi cạnh tôi.

Vấn đề của chúng ta không còn là cá lớn nuốt cá bé, mà là ý tưởng và tốc độ (tôi đọc được ở đâu đó không nhớ). Tôi dám cá cược điều đó là vì tôi thấy một thực tế rõ ràng rằng: mọi nguyên vật liệu cơ bản nhất để xây dựng tương lai đã đầy đủ, blockchain đã bù vào một trong những chỗ khiếm khuyết cuối cùng để cơn sóng tăng mạnh nhất của mô hình bong bóng sẽ hoàn thiện (nếu hiểu theo phong cách một crypto traders).

Tôi cho rằng chỗ khiếm khuyết cuối cùng và quan trọng đến nỗi kiềm hãm sự phát triển của rất nhiều ngành nghề xã hội là khiếm khuyết về niềm tin. Đã từ rất lâu rồi con người chúng ta không còn tin nhau nữa? (xin lỗi có thể tôi hơi tiêu cực). Tôi nghĩ dùng từ khiếm khuyết là hẵn còn nhẹ, xem nó như một lỗ hổng, hay một rào cản thì đúng hơn.

Chính tôi gần đây cũng mất dần niềm tin vào hệ thống ngân hàng, một phần cũng vì những thay đổi trong chính sách của nhà nước, phần lớn hơn là vì tình hình tài chính chung trên toàn thế giới. Nền kinh tế với tầm quan trọng không nhỏ của hệ thống ngân hàng đã tồn tại quá lâu so với tốc độ phát triển và sự đỏi hỏi của nhu cầu an toàn, từ đó tạo nên sự lệch pha rõ mồn một mà chúng ta loay hoay không biết giải quyết thế nào. Trong đó, bitcoin là yếu tố trực tiếp để truyền thông những điểm yếu của ngân hàng mà vốn dĩ người ta đang làm ngơ. Nói dễ hiểu, tôi không tin anh khi giao cho anh giữ tiền của tôi nữa. Tôi muốn nó luôn nằm trong tay tôi và toàn quyền sử dụng bất cứ khi nào bởi chính tôi. Thế nên, dẫn đến nhu cầu rằng: tôi cần một nền kinh tế thị trường mà chính tôi phải là ngân hàng, chính tôi có quyền chuyển tiền và nhận tiền mà không cần nhờ đến anh nữa. Khi đó, viễn cảnh là mỗi người sẽ trở thành một “ngân hàng Thụy Sĩ”, và thay vì trao niềm tin vào con người như trước, chúng ta trao niềm tin vào thiết kế của hệ thống. Nghe thật khó chấp nhận, nhưng hiện tại liệu chúng ta có giải pháp nào tốt hơn không? Không!.

Khi tôi học cấp 1, vào những năm 2000-200x, phong trào nuôi tôm sú ở quê tôi cực kì phát triển. Tôi còn nhớ ba tôi đèo tôi trên chiếc xe máy cũ, đến trại tôm giống để lựa con giống và chọn mua giống tốt nhất đem thả đìa. Hồi đó người ta đựng tôm giống trong những bịch ny lông hình ống dài 1m, thổi phồng oxy. Tôi không thể biết trong rất nhiều ao đựng tôm giống được xây bằng xi măng của ông chủ vựa, ba tôi sẽ lựa ra con giống dựa trên những tiêu chuẩn nào. Những gì tôi biết và thấy được chỉ là cuộc nói chuyện giữa ba và ông chủ vựa. Nghĩa là toàn bộ niềm tin vào việc lựa chọn con tôm giống (hẳn là một khâu rất quan trọng) đều được ba tôi trao trọn cho chủ vựa. Tôi không có ý trách thất bại thua lỗ lần đó làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình tôi (thậm chí mang cả một khoản nợ mãi sau này mới trả được) đều là vì ông chủ ấy, nhưng giá như có một thứ gì đó hỗ trợ, thì có lẽ sự lựa chọn của ba tôi đã khác đi. Đó lại là câu chuyện của niềm tin. Thay vì trao niềm tin vào lời nói của con người,  chúng ta muốn trao niềm tin vào thiết kế hệ thống (ý tôi là công nghệ blockchain). Ba tôi sẽ biết rõ số tôm giống này phát nguồn từ đâu, đã trải qua những cơ quan kiểm dịch nào, con đường vận chuyện đến trại giống này bao lâu và ra sao…một cách chính xác nhất. Và dĩ nhiên, ba tôi có thể sẽ sẳn sàng mua với giá cao hơn nhiều và ông chủ vựa cũng từ đó được mà bán được nhiều tiền.

Khi tôi thi học sinh giỏi cuối cấp 1, tôi thi rớt chứ chẳng giỏi giang gì đâu. Tôi chỉ được cái chăm chỉ chứ không thông minh. Bài toán mẫu chỉ cần thay đổi một chút là tôi chịu, không giải được. Sau khi thi xong, cô giáo nhắn cho mẹ tôi (mẹ tôi cũng là một cô giáo trong trường) đến nhà của cô để làm bài lại. Lý do là vì trường muốn thành tích của trường mình cao hơn trường khác trong lúc đang có lợi thế là giáo viên chấm thi thuộc về trường. Tôi hồn nhiên đến nhà cô làm bài lại dưới sự hướng dẫn của cô mà chẳng xấu hỗ gì (hồi đó tôi chưa được sâu sắc lắm!). Đó lại là câu chuyện của niềm tin. Thay vì trao trọn niềm tin vào người ra đề và người chấm thi, chúng ta sẽ muốn trao niềm tin vào smart contract. Khi đó, toàn bộ các khâu từ đặt câu hỏi, thông tin thí sinh, thời gian nộp bài, điểm thi, …. đều được mã hóa và bổ sung vào chuỗi. Sẽ chẳng thể nào kể lại một câu chuyện gian lận tương tự như của tôi nữa, sẽ chẳng thế nào.

Khi tôi trưởng thành hơn, là một sinh viên mới tốt nghiệp và bắt đầu đi xin việc. Tôi học chuyên ngành biên phiên dịch tiếng Nhật (do thi rớt ngành công nghệ thông tin). Nhưng sau khi ra trường lại đúng vào thời điểm vốn ODA của Nhật đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, nhiều công ty Nhật và công ty liên kết với Nhật mọc lên khắp thành phố. Dù không đúng chuyên ngành mình thích lắm nhưng “trong cái rủi lại có cái may”. Tôi chỉ lấy được JLPT N3 (một chứng chỉ thẩm định trình độ tiếng Nhật của bộ giáo dục Nhật Bản dành cho người nước ngoài) cũng có thể có ngay công việc nào đó với mức lương kha khá. Tôi để ý các cuộc phỏng vấn diễn ra dễ dàng, thậm chí ngay cả khi tôi khai khống trình độ của mình là N1 họ cũng không mấy kiểm tra. Về phía người tuyển dụng, dù sau khi tôi đã có được việc làm rồi vẫn còn nhiều cuộc gọi điện đến tôi hỏi về nhu cầu đổi công việc, còn tôi lại không hiểu vì sao CV của mình lại phát tán khắp nơi như thế. Đó lại là câu chuyện niềm tin. Công ty nào đó nhận tôi vì tin những gì tôi trả lời, và tôi trao thông tin cho người khác vì tôi tin họ sẽ giúp được tôi. Sẽ đến lúc người ta không muốn tin vào những CV những lời có cánh nữa thì điều gì sẽ đảm bảo chính xác thông tin về quá trình học tập và kinh nghiệm làm việc của tôi: là công nghệ blockchain!

Sau khi đi làm nhiều năm, có thêm nhiều từng trải và chiêm nghiệm về việc mình là ai giữa cái xã hội này. Tôi cũng nhận ra nhiều vấn đề nóng bỏng của quốc gia. Thật đáng buồn khi chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của tổ chức minh bạch quốc tế (TI) chấm điểm nước ta là 33/100. Giống bạn làm bài thi đại học được 3 điểm vậy, hình như là điểm liệt! Cá nhân tôi cũng sụt giảm nghiêm trọng niềm tin vào chính phủ và cảm nhận những người xung quanh tôi cũng vậy. Tôi không muốn bàn xa hơn về vấn đề thể chế chính trị. Nhưng khi niềm tin của người dân không còn thì chính phủ sẽ vực dậy thế nào đây? Đó lại là câu chuyện về niềm tin. Thay vì tin vào người kiểm phiếu bầu cử, tin vào cá thể lãnh đạo vốn cũng chỉ là một con người, chúng ta sẽ chọn tin vào cơ chế tự động không có sự can thiệp nào có thể xảy ra. Mà đâu phải nước mình, có lẽ vụ lùm xùm gian lận bầu cử của các quốc gia cũng khó xảy ra nếu mỗi cử tri được cấp một token để bầu trên nền blockchain.

Nhìn lại, gần như mọi lĩnh vực quan trọng của đời sống tôi từ tiền bạc, giáo dục, công ăn việc làm, trách nhiệm công dân…đều sẽ được giải quyết tốt đẹp nếu blockchain được đem vào thực tiễn. Nhưng nghĩ xa hơn tí nữa, thiên hướng về những triết lý căn bản của đời sống thì blockchain là câu trả lời tất yếu đáng buồn cho xu thế phát triển của xã hội. Vì sao? Vì chúng ta không còn tin nhau nữa. Chúng ta không muốn trao niềm tin vào bất cứ người nào trên đời, chỉ muốn tin vào thuật toán vô tri mà thôi.

Thử nghĩ, một tương lai không xa khi mọi lĩnh vực đời sống đều chịu sự xâm nhập của công nghệ này. Vô hình chung, thế hệ sau sẽ mặc định những điều đáng tin tưởng nhất là điều được đồng thuận và xác nhận bởi số đông thông qua một hệ thống phi tập trung và không thể thay đổi. Không lẽ nào, sẽ có lúc một cuộc hôn nhân diễn ra nếu thỏa mãn smart contract hay sao? (cười) Thật ra tôi cũng rợn da gà khi Khải Huyền (một sách trong Tân Ước) mô tả một nền kinh tế toàn cầu mà mỗi người đều có một “mã” riêng ấn định trên tay hay trên trán. Nếu bạn muốn tìm hiểu một chàng trai hay cô gái, chỉ cần hỏi mã nhận dạng của đối phương và “chỉ số niềm tin” của người đó sẽ không thể nào gian lận. Niềm tin lẫn nhau vốn là trụ cột cho sự tồn tại của loài người, thì chúng ta đang giết chết nó bằng cách đem niềm tin đi “số hóa”. Làn sóng này không phải do tôi tưởng tượng, hiện cũng đã manh nha qua những dự án như Connect.Me, TrustCloud, Legit…

Đó là lý do mà ngay từ đầu bài, tôi mô tả sự phát triển của nhân loại như một mô hình bong bóng là vậy. Nếu ai đó hỏi “Ê Tùng! Mày nghĩ xã hội đang đi lên hay đi xuống!”, tôi sẽ trả lời “Đi xuống!”. Anh ta lại phản biện: “Mày điên à, không thấy nền khoa học kĩ thuật đang phát triển vượt bậc sao?”. Tôi sẽ nói: “sự phát triển của khoa học kĩ thuật luôn luôn tỉ lệ nghịch với lòng người!”. Nghĩa là một tên ăn cắp của 1000 năm trước sẽ không thể ăn cắp giỏi bằng hiện tại với nhiều công cụ hiện đại hỗ trợ hơn.

Vì thế, với tôi, Blockchain – đáng mừng nhưng lại đáng lo!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Nam

Tùng viết về trải nghiệm rất hay, lót dép hóng những bài viết thế này :).