Bitcoin tăng nhưng muốn ăn đâu phải dễ!

Đợt tăng giá của Bitcoin gần đây không còn khiến tôi cảm thấy hưng phấn như những gì đã xảy ra vào năm 2017. Có lẽ vì tôi đã có một khoảng thời gian kinh nghiệm nhiều biến động như thế trong thị trường Crypto này. Có chăng chỉ là những hưng phấn của người mới tham gia thị trường giai đoạn này, và tâm trí họ sẽ mơ tưởng đến những mức giá cao hơn (kiểu như những bài báo dự đoán Bitcoin sẽ tăng đến 200k$ hay 1 triệu đô). Đặc biệt trong bối cảnh truyền thông đang nhắc nhiều về GlobalCoin của ông lớn Facebook.

Cá nhân tôi không ăn được cơn sóng này, do trình độ tôi còn kém, và tôi chưa kịp thích nghi với một đợt tăng giá mới. Bắt được nhịp điệu của thị trường sớm sẽ vô cùng lợi thế. Năm 2018 tôi liên tiếp thắng các lệnh short, và hầu hết lịch sử trade toàn là lệnh short. Tôi bị “lệch pha” khi chưa thoát ra khỏi tâm lý downtrend quá nặng nề. Bài viết này sẽ là những chia sẻ mang tính chất “nhìn nhận lại để rút kinh nghiệm” và đưa ra những bài học hay (dù không phải bài học mới) cho cả người mới tham gia và người cũ trong thị trường.

Tâm lý người chơi thường “lệch pha” với chuyển biến toàn thị trường

Không phải tôi “suy từ bụng ta ra bụng người” đâu. Nhưng nếu xem lại đợt tăng giá vừa rồi, lướt qua các nhóm facebook về trade coin thì không khí hoang mang và phân vân ngập tràn. Vì phần đông người chơi đang kẹt hàng ở mức giá chông chênh, thế nên những câu hỏi dạng như “thoát hàng cắt giá này được chưa?, BTC còn tăng nữa không?, Uptrend chưa? Giờ có nên mua không?…” nhiều hơn là những câu hỏi “nên chốt lời chưa?”.

Và có vẻ như tình trạng đó thường xuyên lặp đi lặp lại chứ không phải chỉ riêng đợt tăng giá gần đây. Tôi liệt kê ra những trường hợp “lệch pha” như thế, anh em sẽ thấy cũng có lúc “lệch pha” nhưng lại ăn:

  • Trường hợp đa phần những người tham gia đã lỗ, chỉ mong giá tăng để gỡ lại được tí nào hay tí đó. Đầu tư kiểu này không có tí hứng thú nào cả, tâm lý luôn mang tính lệ thuộc may rủi, không chủ động vốn của mình.
  • Trường hợp như tôi, không chịu khoảng lỗ nào, nhưng bị ảnh hưởng tâm lý quá khứ của một đợt downtrend kéo dài và quá khủng khiếp (20k xuống còn gần 3k). Và nỗi thất vọng tràn trề. Nhiều anh em tôi quen thậm chí từ bỏ thị trường mà chuyển sang Forex, đến khi nhìn lại thì Bitcoin đã tăng một quãng rất ra (gần 3k2 lên đến 8k).
  • Trường hợp người mới hoàn toàn tham gia gần đây. Chắc chắn con số này vô cùng ít, và tôi chưa tiếp chuyện một ai cả, nhưng tôi không nghĩ là không có. Họ tham gia vì nghĩ rằng Bitcoin đang “quá rẻ” và đây là cơ hội. “lệch pha” ở đây chính là sự ngây thơ của họ, kiểu như “cờ bạc đãi tay mơ”.
  • Trường hợp tệ nhất, là những người đi short trong giai đoạn này, họ tin giá không thể tăng mạnh được nên tăng lên bao nhiêu thì short bấy nhiêu, dẫn đến lỗ nặng nề thậm chí cháy tài khoản.

Kể ra, những trường hợp dẫn đến thắng ít ỏi và khó khăn hơn những trường hợp dẫn đến thua.

Những người giàu kinh nghiệm thì “lỡ kèo” vì quá cẩn thận, hoặc lỗ

“Quá cẩn thận” cũng là một cái dỡ. Nhưng nếu phải lựa chọn giữa “quá cẩn thận” với “liều lĩnh” thì tôi thà chọn cẩn thận. Tôi nghĩ đây không phải là cái gì đúng hay cái gì sai, mà nó giống như một trường phái hay quan niệm trong trading nhiều hơn.

Đối với những ai nhiều kinh nghiệm trading hơn trong thị trường, thì một là short và kỷ luật cắt lỗ, hai là chờ giá điều chỉnh để vào lệnh. Nhưng trong đợt tăng vừa rồi, cả hai trường hợp này đều không dẫn đến thắng lợi. Tôi xin được giải thích như sau:

Đối với trường hợp chờ giá điều chỉnh, gần như giá không hề điều chỉnh gì đáng kể.

Cá nhân tôi cũng cảm thấy rất khó để vào lệnh với số vốn lớn. Giá tăng theo kiểu parabol như thế này trông thật “nguy hiểm” với những ai có kinh nghiệm. Giả sử có chia vốn để lên thuyền trở lại, người ta cũng thường sẽ chờ một đợt giảm điều chỉnh 25-30% để bắt đầu mua mạnh. Nhưng điều đó không hề xảy ra trong suốt 15 tuần liên tiếp.

Thị trường Crypto có một cái đặc thù thế này: Đã tăng thì không ai mua kịp, đã giảm thì cũng chẳng ai cắt kịp.

Đáng buồn nhất là anh em nào short mà không cắt sớm mà thôi.

Điều nên làm là gì?

Theo tôi đó là kỹ năng “quản lý vốn”. Trong một status tôi đăng có tên “Tâm lý tử thủ” lúc còn là admin của TradingIG, khi đó BTC đang có giá 3k6$, xin trích nguyên văn ở post này.

TÂM LÝ “TỬ THỦ”

Vừa rồi CBOE từ chối chính thức đề xuất ETF, bitcoin không thể hiện một hành vi giá nào. Mình nghĩ những tin tức thế này ít ra cũng sẽ có nhịp dump nào đấy ít nhiều. Nhưng các phản ứng của thị trường giai đoạn hiện tại khiến mình thiên về một hướng như sau:

Khi mất quá nhiều người ta sẽ sinh ra tâm lý ‘tử thủ”. Lỗ 30% bạn sẽ cắt, lỗ 50% có thể bạn vẫn cắt, nhưng lỗ 90% bạn không muốn cắt nữa. Tâm lý này vô hình chung khiến cho lực bán của thị trường giảm hẳn.

Đối với sự khởi đầu của giai đoạn phục hồi, đôi khi không xuất phát với việc nhiều người mua hơn mà là ít người bán hơn. Đó cũng là lý do ở những khung giờ nhỏ, sóng 1 là sóng ít phát hiện ra và thiếu rõ ràng nhất. Thế nên mình nghĩ, bitcoin đang ở trong giai đoạn “ít người bán dần”. Một lý do nữa cho việc giá vẫn đứng sựng lại là vì bên mua quá đông nên chống đỡ hầu hết mọi lệnh bán, nhưng mình loại trừ lý do này vì thời điểm gần đây khối lượng giao dịch không hề lớn tí nào.Vậy, mình tạm kết luận “người bán đang ít dần”

Đến đây, nếu đã xác định như thế sẽ mở ra 2 hướng để nắm bắt cơ hội. Theo cách quản lý vốn 25% như mình hay làm thì sẽ chia vốn làm 5 phần, mua từ đây cho đến khi giá /2 (cho đến 1k8 cũng là hỗ trợ tốt). Dĩ nhiên có thể giá không xuống tới đó nên những lệnh mua ở trên sẽ có lãi hoặc thoát được khi sóng hồi. Hãy kiên nhẫn tính bằng chart DAY.

Cách thứ hai cho những ai ít vốn, tiếp tục chờ đợi để thị trường đi trước 1 bước. Nếu BTC tăng từ đây và xem như đây là sóng 1 thì vẫn cứ chờ, mình sẽ chờ hồi lại ở vùng 4k2-4k để vào lệnh và xem như chốt lời từ sóng 3, hoặc nếu BTC giảm mình lại đoán bắt ở 1k8-1k9.

Nghĩa là trước sau gì chúng ta cũng luôn có trong mình kế hoạch để hành động. Đôi khi điểm cắt lỗ sẽ không thể xác định ngay thời điểm này vì thiếu những dữ kiện giá cho đến thời điểm “gần khớp lệnh”, nhưng điểm đó sẽ là điểm tối ưu nhất và được chia làm 2 vị trí (hoặc hơn). Ở đây mình đánh giá cao việc trader hành động theo tín hiệu và linh hoạt hơn là bảo thủ kế hoạch ban đầu. Bạn có thể đọc thêm bài “vì sao rất khó share kèo?” mình viết trên diễn đàn để tham khảo thêm.

Như vậy, bí quyết thành công đối với một đợt đi ngang dài hạn đó là chia vốn vào lệnh. Tuy nhiên, nếu có vào lệnh ở mức giá 3k6 thời điểm đó đi nữa thì cũng không thể nào vào với số vốn lớn. Lời thì vẫn lời nhưng lời không hề nhiều (còn hơn là lỡ kèo). Qua đây cũng thấy, những daily traders sẽ dễ thất bại hơn những ai xác định đầu tư với kỳ vọng kiên nhẫn dài hạn. Vào lệnh càng nhiều hằng ngày thì thua càng nhiều, nắm bắt cơ hội giảm giá mạnh và chia vốn mua xuống để nắm giữ dài hạn thì lại thắng lớn.

Anh em thấy đó, Bitcoin tăng nhưng đâu phải dễ ăn, ngay cả khi có ăn đi nữa thì cũng chỉ ăn miếng bé tí so với một cơn tăng giá gấp ba lần như vừa qua. Nhưng với tôi, thà là như vậy! vì tôi hiểu thị trường thật sự khốc liệt hơn vẻ bề ngoài của nó.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments