Bạn sẽ là ai trong thị trường Crypto?

Trong bài viết này, tôi không có ý chỉ dẫn bạn chi tiết những cách thức kiếm ra tiền từ thị trường Crypto, nhưng chỉ là một cách đại khái giới thiệu qua cho bạn (là người mới) biết những “dạng người” nào mà bạn có thể bắt gặp. Mục đích là để bạn không cảm thấy ngỡ ngàng, hay bị cuốn hút một cách không cần thiết, hay có đủ kỹ năng để chọn lọc thông tin từ những đối tượng đáng tin.

Có nhiều cái tên của nhiều cá nhân cụ thể mà tôi muốn nói ra lắm, nhưng vì vấn đề này nhạy cảm và hơi tế nhị nên tôi nghĩ không nên làm như thế.

Rồi bạn phải chọn cho mình một con đường…

Những ngày đầu tiên lúc mới bước vào thị trường “tiền ảo”, lúc đó tôi còn chưa biết đến thuật ngữ “crypto”. Những status phân tích, nhận định, chia sẻ kiến thức từ nhiều tài khoản mạng xã hội khiến tôi rất nể phục và trầm trồ, không hiểu sao họ lại có thể giỏi giang như vậy. Sau một khoảng thời gian, cảm giác đó biến mất và hầu như không còn nữa. Tôi bắt đầu gặp gỡ nhiều loại người khác nhau, kể cả gặp trực tiếp và giao lưu qua tin nhắn. Tôi hiểu ra mỗi người có một con đường riêng để kiếm tiền cho riêng mình. Tôi xin chia sẻ ra như sau (thứ tự liệt kê trong bài này hoàn toàn không có ý nghĩa gì)

Kiếm tiền với vốn 0 đồng từ Crypto

Dạng này không ít, đa phần là sinh viên học sinh. Ngay cả đứa em gái họ của tôi cũng biết cách kiếm doge (một altcoin khá thú vị) bằng cách làm task trên mạng. Nhưng về sau này, nhiều dự án blockchain mới và nhiều sàn giao dịch mới ra đời, hoạt động livestream và tặng airdrop cho người xem may mắn diễn ra khá sôi nổi (hầu như là mỗi đêm).

Cách kiếm tiền kiểu này gần như không phải chịu một rủi ro nào, nhưng chắc chắn sẽ không kiếm được nhiều. Nếu bạn là người chăm chỉ. Chăm chỉ làm gì? Chăm chỉ lân la cá hội nhóm từ telegram cho đến facebook tìm kiếm những sự kiện có airdrop ngon để tham gia. Chăm chỉ hoạt động mạng xã hội để chia sẻ đường link tiếp thị liên kết kêu gọi người đăng ký mới. Chăm chỉ KYC (xác minh danh tính) những dự án tặng coin miễn phí. Chăm chỉ theo dõi thị trường để nắm bắt những dự án mới ra đời.

Thông thường nếu bạn gặp dạng này thì kiến thức chuyên sâu về trading hay phân tích thị trường của họ không cao, họ chỉ quan tâm bạn có đăng ký từ link ref của họ hay không, chứ sẽ ít khi nào cho bạn lời khuyên chất lượng. Nếu họ có uy tín và có được sự tin cậy nhất định từ cộng đồng nào đó, thì số tiền kiếm được từ “tiếp thị liên kết” (ref link) cũng đáng kể chứ không phải là không.

Cũng có một số trường hợp may mắn “giàu” lên từ việc nắm giữ những airdrop tăng giá, hay biết cách tái đầu tư số coin kiếm được ra BTC. Nhưng rất hiếm. Công việc dạng này chỉ là tận dụng thời gian làm cho vui, không phải là “nghề” để kiếm sống lâu dài được.

Những người hỗ trợ và kết nối cộng đồng

Dạng này chỉ là số ít, nhưng là những người có lượt theo dõi cao, quen biết rộng. Họ không hẳn là trader, cũng có trade và tham gia nhiều sàn giao dịch nhưng công việc chính chỉ là tìm kiếm những dự án mới và kết nối dự án mới đó với cộng đồng. Dĩ nhiên để làm được điều đó thì họ cũng phải có một sự uy tín đáng kể và lâu dài gắn bó.

Họ sẽ rất hay tổ chức những livestream thường xuyên, mời người này người kia tham gia live để phân tích thị trường, hay mời đại diện của một sàn nào đấy, đại diện một dự án blockchain nào đấy để trả lời thắc mắc. Họ kiếm tiền trên những hoạt động đó nên họ không phải chịu nhiều rủi ro trong trading. Có thể mùa downtrend, nhiều trader thua lỗ mất tiền và chán nản chẳng muốn quay lại thị trường. Nhưng dạng này bạn sẽ thấy dù thị trường có thế nào đi nữa họ vẫn ở đó, vì họ chẳng có mất gì nhiều, còn người chơi thì còn việc để họ làm.

Nghĩa là họ sống nhờ những hoạt động của cộng đồng hơn là hoạt động trading sinh lời. Chính vì thế họ cũng không chịu áp lực trong những nhận định và phán đoán thị trường, họ đoán sai họ cũng chẳng mất gì lắm (trừ khi họ cũng máu lửa vào trading).

Những Influencers trong cộng đồng Crypto

Số này có thể lập danh sách được và đếm được, vì không nhiều. Sau một thời gian tham gia thị trường, bạn sẽ thấy quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài cái tên đó. Tôi không dám bình luận nhiều những Influencers này, nhưng có một điều chắc chắn là kiến thức và kỹ năng và tư duy về thị trường sẽ nhỉnh hơn phần đông những người tham gia. Họ đều có những nhóm của riêng mình, có “kèo” của riêng mình, không phải lúc nào họ cũng thắng lệnh nhưng luôn chủ động được và quyết đoán trong suy luận của mình. Có lẽ chính những điều đó khiến họ trở thành Influencer.

Đã có khoảng thời gian nhiều Influencers “bóc phốt” nhau khiến cộng đồng cũng rôm rả. Nguyên nhân sâu xa vẫn là vì sai lầm trong dự đoán của một Influencer nào đó dẫn đến tình trạng thua lỗ tập thể. Những thành viên cho các nhóm thì so đo trình độ người này người kia mà đem ra bàn tán. Nói chung cũng nhiêu khê và ồn ào.

Một số thì trở thành thầy để dạy cho người khác, khi đó họ được đảm bảo bởi một số tiền học phí học viên đóng, bù vào những thua lỗ trong trading nếu có. Thế nên tinh thân cũng thỏa mái hơn.

Theo đuổi ICO và các dự án huy động vốn

Gần đây thị trường có tăng trở lại, những hoạt động đa cấp trong crypto lại sống trở lại, thậm chí cả những dự án trước đây đã khiến rất nhiều người mất tiền cũng “đếm ngược” ngày quay lại. Số người tham gia những dự án hứa hẹn lãi xuất cao không phải tất cả đều tham lam và thiếu hiểu biết. Tính chất của các dự án huy động vốn (MLM, ICO, IEO…) là bạn có thể sẽ thắng lớn nếu bạn nhanh chân. Nhanh chân ở đây là bạn tham gia sớm và khi có lời thì rút sớm (lời ở đây lên đến x2 cho tới x20 chứ không phải đùa). Những ai chậm chân, tức tham gia sau sẽ thông thường sẽ chịu thiệt.

Nhưng quy luật của thị trường là người thua cuộc lúc nào cũng đông hơn. Bạn tôi theo đuổi khá nhiều dự án ICO từ năm 2016. Đã nhân rất nhiều lần tài khoản, nhưng vì không biết dừng lại đúng lúc nên mất tất cả thậm chí trở về con số âm.

Cơ chế để một dự án huy động vốn kiếm lời chủ yếu là tạo FOMO (FOMO là viết tắt chữ Fear Of Missing Out). FOMO là hiệu ứng tâm lý “sợ lỡ mất cơ hội”, từ đó nó khiến dậy sóng một đám đông tham gia và tin tưởng vào một kết ước của ai đó và chấp nhận bỏ tiền. Giai đoạn đầu khi chào bán là giai đoạn đông người mua nhất, thậm chí canh mua không kịp. Chính nhờ tâm lý đó, mà sau khi chào bán xong giá tăng đột biến hàng chục lần. Người mua sớm được giá tốt sẽ thoát ra ngay. Nói vậy chứ không dễ ăn tí nào cả. Hơn 90% các dự án huy động vốn đều là lừa đảo và người chơi trắng tay, con số này cho đến nay cũng không cải thiện gì mấy.

Những tên lừa đảo

Dĩ nhiên tôi không khuyên bạn kiếm tiền bằng cách lừa đảo. Những kẻ lừa đảo này rất biết tranh thủ cơ hội, nhất là trong việc mua bán số lượng coin không thông qua sàn OTC mà giao dịch giữa cá nhân với nhau. Bạn đừng tin một ai trong chuyện tiền bạc, đừng bao giờ chuyển coin hay chuyển tiền cho người lạ.

Một số lừa đảo mang màu sắc công nghệ như là những hacker. Bạn sơ ý click vào một link lạ nào đó và dính keylogger hoặc dính virus, nó đánh cắp thông tin đăng nhập của bạn là chuyển hết số coin của bạn đi mất. Nhất là những clip “nóng” click vào rồi hiện ra giao diện như là giao diện đăng nhập facebook nhưng thực ra là giả mạo.

Một số lừa đảo theo kiểu “give away”. Đưa ra một vài lý do nào đó rồi nói bạn chuyển coin vào ví abcxyz, sau đó bạn sẽ nhận lại số coin gấp 5, 6 lần. Vậy mà cho đến nay vẫn còn rất nhiều người đi lừa và bị lừa như thế. Nói chung lừa đảo thì sẽ luôn luôn tồn tại với nhiều thủ đoạn khác nhau. Mong rằng bạn không bước vào thị trường với tư cách đó.

Những người giao dịch crypto

Số này là đông đảo nhất. Có người hold có người trader. Có người trader dài hạn có người đánh margin. Trong dạng này thì có rất nhiều trường phái và quan niệm khác nhau. Người thì lúc nào cũng thích all in, người thì cẩn thận. Người bi quan quá mức, người lại hưng phấn lạc quan. Thế nên bạn sẽ luôn đứng giữa những quan niệm trái chiều của cộng đồng.

Trong blog này của tôi và trong trọn cả serie này, tôi chẳng biết bàn gì nhiều hơn là đi theo con đường này. Vì tôi cũng cần tiền để rút về mà sống hằng ngày, nên tôi phải mua mua bán bán. Tôi không nhiều tiền đến mức quăng một cục tiền vào thị trường rồi hold đó chờ giá lên kiếm lời, vì trong thời gian hold tôi lấy gì mà sống. Thế nên trade là lựa chọn của riêng tôi.

Giao dịch trong thị trường crypto không hề đơn giản, đòi hỏi bạn nắm bắt nhiều kiến thức và phải cập nhật liên tục. Nếu không 1000% bạn sẽ thua. Hãy đọc hết serie này nếu bạn là người mới.

Miner

Miner có xuất phát điểm là có tiền sẵn và tôi nghĩ cộng đồng này sẽ có điều kiện kinh tế tốt hơn cộng đồng trader. Họ cũng trade chứ không phải không, trade để biết đường mà bán lúc nào. Người nhà tôi mua đất ở quê, tranh thủ giá điện rẻ để gắm máy đào. Sang tận Trung Quốc để tìm nguồn máy. Đầu tư đâu tới cả chục tỷ bạc nhưng kết quả thua lỗ nặng nề.

Máy đào thì nâng cấp liên tục, giá tăng giảm cũng như coin. Thị trường thì biến động quá dữ dội nên nhiều miner rơi vào tình cảnh, rút điện cũng không được và cứ để vậy cũng không xong. Nhưng cũng đã có những lúc họ thắng rất lớn, thế nên tùy người tùy thời điểm và chút khôn khéo của họ mà giữ được tiền hay mất tiền.

Bạn sẽ là ai?

Còn những thành phần khác như chủ dự án, cá nhân mua bán trung gian, lập trình viên…các admin và mod của các nhóm lớn nhỏ. Quan trọng là bạn sẽ muốn mình là ai trong thị trường. Tất cả những con đường này có thể kết hợp với nhau, không cứ phải một con đường duy nhất. Riêng trong blog này của tôi, nếu bạn định trở thành miner hay theo đuổi các dự án huy động vốn thì có lẽ tôi không giúp gì được và cũng không chia sẻ gì được nhiều.

Nhưng nếu bạn quyết định trở thành một trader như tôi, hãy đọc bài tiếp theo.

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments