Bài giảng thứ 2: Xây dựng đồ thị cân bằng Ichimoku

bài giảng trước, tôi đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về đồ thị cân bằng ichimoku và trình bày định nghĩa cơ bản về biểu đồ 5 đường kẻ, nhưng trong bài giảng này tôi muốn tính toán từng giá trị số cụ thể lấy từ dữ liệu thực tế và thể hiện nó lên chart.

Tôi khuyên người đọc cũng nên lựa chọn một cổ phiếu của riêng mình, thử tính toán thực tế và viết chúng xuống. Ở đây, tương tự như bài giảng trước, tôi sẽ sử dụng chỉ số Nikkei làm ví dụ. Trước hết, 4 mức giá chính của Nikkei225 được hiển thị trong bảng. Chart ví dụ này được điền vào cho đến ngày 1 tháng 9 năm 1992. Vì vậy, ngày 1 tháng 9 sẽ là ngày xem xét. (tất cả đều là giá khớp lệnh)

Ghi chú của TungNobi (click để mở/đóng)
Có lẽ tác giả muốn người đọc thực hiện lại những thao tác “cổ điển” mà ngày xưa cụ Sanjin đã tạo nên hệ thống ichimoku này. Tôi thấy người Nhật khá cẩn thận, cố gẳng giải thích tỉ mỉ và yêu cầu người đọc cũng nên viết xuống những mức giá như vậy.

Theo như bảng giá trên, thì “phiên” ở đây chính là Daily (trong nguyên ngữ cũng là chữ ngày), chúng bị thiếu mất ngày thứ 7 và chủ nhật. Có lẽ vì đây là 2 ngày nghỉ nên không giao dịch. Tôi vẫn không rõ điều này có ảnh hưởng gì đến cách mà chúng ta áp dụng cho cách sử dụng như ngày nay không, vì chúng áp dụng phiên không chỉ daily mà từng khung giờ nhỏ, xem xét liên tục và không có một “phiên” nào là nghỉ cả.

① Tenkan-sen

(tức giá cao nhất cộng giá thấp nhất trong vòng 9 ngày trước đó bao gồm cả ngày xem xét, rồi chia 2)

Nếu nhìn vào bảng, thì giá cao nhất của 9 ngày trước đó là 18,168 của ngày 28/8, giá thấp nhất là 15,677 của ngày 20 tháng 8. Như vậy, giá tenken của ngày đang xem xét tức ngày 1 tháng 9 sẽ là:

(18,168 + 15,677) / 2 = 16,423

Kết quả đó là vị trí ① của ngày 1/9 trên chart. Theo cách này, các giá trị tenkan cho mỗi ngày trước ngày 1/9 cũng sẽ được tính toán lại như thế trong vòng 9 ngày kể cả ngày đó và chúng được thể hiện trên chart dạng đường kẻ.

② Kijun-sen

(tức giá cao nhất cộng giá thấp nhất trong vòng 26 ngày trước đó bao gồm cả ngày xem xét, rồi chia 2).

26 ngày trước đó tính từ ngày 1/9, là ngày 28/7. Theo như trong chart, ta thấy giá cao nhất trong khoảng thời gian này là 18,168 của ngày 28/8, giá thấp nhất là 14,194 của ngày 19/8. Từ đó, suy ra mức giá Kijun của ngày xem xét 1/9 sẽ là:

(18,168 + 14,194) / 2 =16,181

Kết quả đó chính là vị trí ② của ngày 1/9 trên chart. Các giá trị Kijun trong quá khứ cũng sẽ tính lại tương tự như thế trong vòng 26 ngày và thể hiện trên chart dạng đường kẻ.

③Senko-span 1

(tức giá trị tenkan cộng giá trị kijun rồi chia 2)

Theo như đã tính toán trước đó, giá trị tenkan của ngày xem xét 1/9 là 16,423. Giá trị Kijun của ngày đang xem xét 1/9 là 16,181. Như vậy, giá trị senko 1 sẽ là :

(16,423 + 16,181) / 2 =16,302

Vị trí của giá trị này không phải nằm ngay tại ngày 1/9, nhưng theo định nghĩa, nó chính là senko-span 1 của ngày 26 tới bao gồm cả ngày xem xét. Do đó, vị trí này là vị trí ③ (ngày 8/10).

④Senko-span 2

(tức giá cao nhất cộng giá thấp nhất của 52 ngày trước đó bao gồm cả ngày xem xét, rồi chia 2)

52 ngày trước đó tính cả ngày 1/9 chính là ngày 22/6. Theo như chart, giá cao nhất trong khoảng thời gian này là 18,168 của ngày 28/8, giá thấp nhất là 14,194 của ngày 19/8. Theo đó, ta tính được giá trị senko 2 sẽ là:

(18,168 + 14,194) / 2=16,181

Trường hợp này nó giống với giá trị Kijun. Theo định nghĩa, vị trí của kết quả này ở vị trí ④ cũng tương tự như senko-span1.

⑤Chiko-span

(Giá đóng cửa của ngày xem xét chính là giá trị chiko của 26 ngày trước đó bao gồm cả ngày xem xét.)

Theo như trong bảng, giá đóng cửa của ngày 1/9 là 17,740. Giá trị này ở vị trí ngược lại với ③ và ④, nằm ở ngày 28/7 tức lùi về 26 ngày tính cả ngày xem xet – tương ứng vị trí ⑤ trên hình.

Theo như cách tính toán và giải thích vừa trình bày, tôi nghĩ bạn đã hiểu vì sao lại điền những con số như thế. Đây là cách nhanh nhất để bạn có thể tự tính toán và hiểu cách điền những con số trên. Nhân tiện, ở bài giảng tiếp theo, tôi sẽ đề cập đến hệ thống lý thuyết của bảng cân bằng, trong đó có lý thuyết sóng và lý thuyết quan sát phạm vi giá. Còn ý nghĩa các đường kẻ trong bài này, tôi sẽ giải thích rõ hơn từ bài giảng thứ 5.

Ghi chú của TungNobi (click để mở/đóng)
Khi cá nhân tôi cố gắng tự tính toán theo như hướng dẫn của Sasaki thì thấy đúng là “thấm” hơn phần nào về cấu trúc của ichimoku. Đôi khi đọc những tài liệu trên mạng, chúng ta chỉ đơn thuần đọc sơ qua công thức rồi chấp nhận nó một cách mặc nhiên, nhưng ít bao giờ mò mẫn tính toán thủ công để xác định vị trí của các mốc giá cả.

Giả sử trường hợp trên, sỡ dĩ Kijun-sen bằng với Senko-span 2 đó là vì: trong vòng 52 ngày trước đó, giá không hề có một biến động nào khiến cho tạo đỉnh/đáy lớn hơn là đỉnh/đáy đã tạo trong 26 ngày gần đây. Dĩ nhiên, đây chỉ là một trường hợp trong muôn vàn những trường hợp xem xét của hệ thống này.

Một lần nữa, 2 lý thuyết then chốt được nhấn mạnh. Đó là lý thuyết sóng và lý thuyết quan sát các mức giá (hay phạm vi giá).

Mời bạn đọc tiếp bài giảng thứ 3.

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
AtoZstock

Thanks ! Tác giả trình bày rất kỹ trong việc tính những đường Ichimoku .

Nguyen

Cám ơn Tùng nhiều, đang chờ đợ bản tiếp theo từ Tùng