Ba con khỉ của Homma

Gần đây tôi vẫn tiếp tục những nghiên cứu cá nhân về hệ thống ichimoku, tôi càng nghiên cứu thì càng bất ngờ vì những gì mà ngày nay người ta dạy nhau chỉ toàn là truyền miệng và trái ngược với triết lý trading phát nguồn từ người Nhật, tôi cũng khám phá ra những đồng điệu đến tuyệt đối giữa Homma (cha đẻ nến Nhật) và Hosoda (cha đẻ ichimoku). Giả sử tôi ví dụ nhanh thế này thôi nhé! (sẽ bàn sâu hơn với những dẫn chứng sau)

  • Vượt mây là mua à? Không, đường trung bình sinh ra để hoạt động như một nam châm hút giá về <– đây mới là triết lý ban đầu. Chứ không phải để tôi thấy vượt và xác nhận tín hiệu tiếp diễn. Tới đây, chào mừng anh em đến với trading cơ bản phương Đông.
  • Xu hướng là bạn à? Không, xu hướng giờ đây lại trở thành cái bẫy cho thất bại. Vấn đề không chỉ đơn giản “hãy theo xu hướng” mà Homma đưa ra khái niệm Yang và Yin và đòi hỏi traders phải quan sát được nó trong một xu hướng bất kỳ. Rõ ràng triết lý này tinh túy và thâm thúy hơn rất nhiều.

Còn nữa…nhưng cái tôi muốn bàn trong bài này, cũng là hình ảnh cô động và sinh động nhất cho triết lý trading khác lạ này. Đó là chuyện ba con khỉ.

Năm 1755 – trước cả khi nước Mỹ lập quốc hơn 20 năm rồi mới ra đời phố Wall và trading phương Tây – thì Homma đã viết “The Fountain of Gold – The Three Monkeys Record of Money”. Thế nên, càng học về trading người Nhật, có lúc tôi cảm thấy trading phương Tây như một “sự lệch lạc” về nhận thức thị trường vậy (xin công nhận là tôi chủ quan). Điều đáng ngạc nhiên là Homma đưa ra mô hình Nến Nhật, trade “trên giấy vẽ” và phát biểu rằng: “Sau 60 năm làm việc cả ngày lẫn đêm tôi đã dần hiểu ra những điều bí ẩn trong sự chuyển động của thị trường gạo”.

Bạn thấy trong hình trên đó, 3 con khỉ: Một con bịt tai, một con bịt mắt, một con bịt miệng.

Hình ảnh này xuất hiện trong nhiều nền văn hóa và được lý giải nhiều cách khác nhau. Ở đây tôi cố gắng lý giải trong phạm trù trading. Và ngay trong phạm trù trading, người ta cũng lý giải ngược nhau nữa ấy. Nên tôi quyết định chọn cách hiểu mà tôi tin là chính xác và phù hợp nhất với tinh thần và triết lý trading phương Đông.

Nếu anh em thắc mắc, mấy hiểu biết này có khiến chúng ta có lời không thì tôi nói thế này: Hiểu rõ bản chất sẽ rèn trực giác sắc bén cho traders, còn thuộc lòng các điều kiện đo đạc giá chỉ càng tạo thêm nhiều thua lỗ.

Đầu tiên, tôi hoàn toàn không có idea nào về việc “tại sao phải là con khỉ?” Con chó cũng được mà. Nên thôi kệ. (thứ tự không có liên quan gì, dưới đây chỉ là liệt kê đơn thuần)

1. Khỉ bịt tai: Không nghe. Trading phương Tây chú trọng rất nhiều vào tin tức và phân tích tin tức đó liệu sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường. Homma “chơi trội” hơn với hình ảnh “bịt tai” như muốn nói “tôi mặc kệ tin tức”. Cái quan trọng của việc lắng nghe trong trading không nằm trong bản thân của tin tức, nhưng là sự tiếp nhận của con người. Bây giờ tư duy thêm 1 lớp nữa, trong sự tiếp nhận của con người bi quan hay lạc quan không có nghĩa đó cũng là cảm giác của anh em. Do đó, ngay từ cái dữ kiện đầu vào là “tin tức”, nó đã không đủ quyền lực để quyết định tuyệt đối hay phần lớn với những biến động của đường giá rồi. Vậy nghe và chú tâm làm chi cho mệt. Theo tôi, tư duy như vậy sâu sắc hơn nhiều.

2. Khỉ bịt mắt: Không nhìn. Đây là câu chuyện xu hướng. Trading phương Tây nhìn vào xu hướng và lấy đó làm căn bản cho quyết định vào lệnh thoát lệnh. Homma (có trước phố Wall nhé) ông hiểu biến động sâu sắc hơn nhiều. Điều này diễn đạt lại cho dễ hiểu hơn là: Tôi không tin vào những gì tôi thấy. Người giao dịch cảm nhận đến cả hai Yang và Yin (tăng và giảm, âm và dương), và cứ hễ khi nào sự mất quân bình bị phá vỡ, sẽ mở ra một cơ hội để đường giá di chuyển trở lại về mức cân bằng tâm lý. Hãy nghi ngờ xu hướng. Nghe có vẻ ngược hẳn với phương Tây rồi.

3.Khỉ bịt miệng: Không nói. Tôi từng nghĩ nên chia sẻ những kế hoạch giao dịch để nhận được phản biệt của mọi người, biết đâu tránh được sai lầm. Và khi nghiên cứu về trading phương Đông, nó làm tôi thật sự sốc khi Homma quan niệm điều này hoàn toàn ngược lại. Khi tôi chia sẻ kế hoạch vào lệnh của tôi, thứ tôi nhận lại là “ý kiến” của người khác – đó là 1 dạng tin tức – và quan điểm nhìn nhận thị trường của người khác – một cách nhìn. Như vậy nó mâu thuẫn với cả hai điều trên và làm mọi thứ rối rắm hơn. Điều này khiến tôi ít chia sẻ lại những plan của tôi nữa.

Nếu không nhìn, không nghe, không nói, thì trade là làm gì? Là chờ đợi và âm thầm hành động. Quả thật, không biết anh em thấy thế nào, cá nhân tôi thấy “bị thu hút” vì cái tinh tế của triết lý này, dù cố gắng diễn đạt ra nhưng tôi vẫn chưa cảm nhận sự áp dụng của homma vào thực tế thế nào.

Chắc chắn đọc đến đây, anh em sẽ xuất hiện rất nhiều những phản biện trong đầu. Nhưng trước khi phản biện, tôi muốn anh em hiểu những kiến thức trên trong một sự kết hợp nhất quán. Nếu đi chung với nhau, nó vô cùng nhất quán. Ví dụ, anh em phản biện chuyện khỉ bịt tai và nói rằng như thế là nguy hiểm. Đúng! Nó sẽ nguy hiểm nếu anh em xét trong hệ quy chiếu của trading phương Tây, nhưng nó lại nhất quán với hai hình ảnh con khỉ con lại. Hay là anh em hiểu như là, khi tôi mở tai tôi ra và đề cao giá trị của lời đồn đại hay tin tức, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tôi quyết định nói ra (miệng) kế hoạch của tôi và cách tôi nhìn nhận (mắt) đường giá. Đó thấy không, “sự nhất quán” là như vậy. Nên nếu anh em phản biện theo kiểu tách một ý ra khỏi ngữ cảnh, tách một yếu tố đặt vào một hệ quy chiếu khác là chưa hiểu điều tôi đang nói.

Để hiểu bài này hơn, anh em nên đọc bài về “tính trung bình của hệ thống ichimoku” trước.

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
huynh tran

Rất hay bác, em có đọc cuốn “chết vì chứng khoán” của thiên tài Jessie Phương Tây, ông tự nhận cũng đã từng bị thua lỗ đau đớn chỉ vì nghe người ta nói giống như: “Khỉ bịt miệng: Không nói” sau đó ông nhận ra, âm thầm hành động một mình và chiến thắng cuộc chơi 🙂